G ần đây trên mạng xã hội Facebooks có một sự việc xảy ra được mọi người đưa ra bàn luận, phân tích sôi nổi và chưa thống nhất được. Đó là sự việc một bài viết của luật sư Võ An Đôn trên facebook cá nhân, có nói rằng, khi đi làm việc với an ninh về trang facebook mang tên luật sư Võ An Đôn, ông đã không nhận trang facebook đó là của mình. Trong bài viết, ông cũng nói rằng lần đầu tiên ông nói dối, để tránh việc bị cơ quan an ninh gây khó dễ, có thể bị thu thẻ luật sư, không còn điều kiện hành nghề giúp đỡ những người bị áp bức, bất công nữa. Bản thân sự việc của luật sư Võ An Đôn ít người thắc mắc, cũng như nghi ngờ động cơ của ông trong việc không công nhận trang facebook cá nhân của mình trước cơ quan an ninh. Nhưng sự việc một người đấu tranh không nhận trang facebook cá nhân của mình (mang tên mình), mở rộng ra là các bài viết, và các hoạt động của mình khi được cơ quan an ninh triệu tập làm việc lại trở thành một đề tài nóng bỏng, được thảo luận và trao đổi trên diễn đàn facebooks một cách không chính thức.
Có hai quan điểm đối lập nhau liên quan tới vấn đề làm việc với an ninh xung quanh sự việc nêu trên. Quan điểm thứ nhất, không hợp tác, không nhận bất cứ cái gì liên quan tới vấn đề làm việc mà an ninh hỏi tới. Ví dụ, không nhận trang facebooks mang tên mình, không nhận bài viết, không nhận cả hình ảnh (ảnh và hình trong clip)…tóm lại là phủ nhận hết. Quan điểm này dựa trên lập luận sau: an ninh cộng sản là ma quỷ, không việc gì phải nhận, phải ký, phải nói những việc mình đã làm. Khi nói những việc mình đã làm có nghĩa là đưa chứng cứ để an ninh có thể gây khó dễ, truy cứu trách nhiệm pháp lý, kết án mình dễ dàng. Khi không nhận thì an ninh sẽ không có chứng cứ, khó kết án mình, nếu kết án sẽ vấp phải sự phản ứng nào đó, ví dụ như quốc tế…Quan điểm thứ hai, một số người cho rằng, khi đã viết bài công khai, đã có trang facebook cá nhân công khai mang tên mình, có hình ảnh của mình thì an ninh hỏi những gì mình đã làm thì mình nhận. Việc công khai tên tuổi, địa chỉ khi viết bài, hoặc thực hiện các hoạt động đấu tranh và thừa nhận những bài viết và hoạt động đấu tranh đó là bản thân đã tin vào những việc mình làm là đúng, là chính nghĩa không có gì phải giấu, không có gì phải chối bỏ và không việc gì phải nói dối. Lưu ý một điều, ở đây là công nhận những gì mà an ninh đã có chứng cứ về những bài viết mang tên mình, hoặc những hoạt động có hình ảnh cá nhân mình, chứ không phải những cái mà an ninh chưa biết, chưa có mà người đấu tranh tự khai ra.
Việc đánh giá đúng sai, nên hay không nên của hai quan điểm trên là rất khó và phức tạp, nó tùy thuộc vào mức độ tham gia, tính chất những hoạt động của từng người. Tuy nhiên, xu hướng chung của mọi người là tán thành quan điểm thứ nhất. Thậm chí có người còn đi xa hơn, chê bai những người có quan điểm thứ hai, đó là những người thừa nhận những việc mình đã làm vì tin vào việc làm của mình là đúng, là chính nghĩa. Nhiều người còn cho rằng, những người thừa nhận việc làm của mình là ngu, là anh hùng rơm…
Trước hết và trên hết, ngoại trừ trường hợp người đấu tranh tuyệt đối không hợp tác với an ninh, khi an ninh hỏi không trả lời (giữ quyền im lặng), thì những người phủ nhận trang facebook cá nhân mang tên mình, blog của mình, bài viết và hình ảnh của mình đã vi phạm vào nguyên tắc đạo đức – không trung thực- và đây là sự thật. Việc vi phạm nguyên tắc đạo đức, không trung thực, nói dối có thể sử dụng trong một phạm vi nào đó, để tránh một kết cục bất lợi cho người đấu tranh có thể được cảm thông và cũng nên hạn chế sử dụng. Những người phủ nhận các hành vi, chứng cứ của mình cần trả lời hai câu hỏi. Thứ nhất, có gì bảo đảm khi phủ nhận tất cả những việc mình đã làm, họ sẽ không bị truy tố?!? (hầu như không ai trả lời được câu hỏi này).
Thứ hai, nếu việc chỉ gây khó khăn, cản trở hoặc sự lúng túng cho an ninh khi họ quyết tâm bắt và kết án bằng được người đấu tranh, có đáng để người đấu tranh vi phạm nguyên tắc đạo đức, thiếu trung thực và dối trá?
Điều kỳ quặc và kỳ lạ, là những người phủ nhận các hành vi, chứng cứ còn cho rằng đó là chuẩn mực trong việc ứng xử với an ninh, đi phổ biến kinh nghiệm và chê bai những người dám làm, dám nhận. Đất nước chúng ta đã là nạn nhân của quan điểm mục đích biện minh cho phương tiện, hàng ngày, hàng giờ những người đấu tranh chúng ta chửi rủa cộng sản dối trá, lừa đảo vậy mà chúng ta lại vi phạm nguyên tắc đạo đức, cũng nói dối? Vậy nên, hoặc là những người đấu tranh lấy nick giả, ẩn danh hoặc khi làm việc với an ninh sử dụng quyền im lặng. Nên tránh, hoặc rất hạn chế sử dụng việc phủ nhận những việc mình đã làm mà an ninh đưa ra bằng chứng. Khi đã phủ nhận việc mình làm, tuyệt đối không nên tự hào về điều đó vì cuộc đấu tranh của chúng ta không đơn thuần chỉ là thay đổi chế độ cộng sản, mà còn góp phần xây dựng lại những giá trị đạo đức mà cộng sản đã hủy hoại, trong đó có tiêu chí về sự trung thực.
(để tránh những sự tranh cãi không cần thiết, tôi khẳng định, tôi không nói, không khuyên bất kể ai thừa nhận những việc mình đã làm trước an ninh, vẫn còn phương pháp giữ quyền im lặng. Tôi cũng không phê phán những người, trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, phủ nhận những việc mình đã làm. Tôi chỉ phê phán những người phủ nhận việc làm của mình, mà cho rằng đó là chuẩn mực, và tự hào về điều đó)./.
Hà nội, ngày 09/3/2016
N.V.B
Người tự nhận mình nói dối trước mặt thiên hạ , thì tấm lòng người đó trong sáng ! Luật sư VÕ AN ĐÔN một con người CÔNG CHÍNH .
Khong nhan la dung
Làm việc với cộng sản toàn luật rừng không, ngu gì nhận. .ủng hộ luật sư Võ