Và cuối cùng, nhưng lại đáng ngại nhất, là sự giả dối thể hiện dưới nhiều hình thức đã trở thành phổ biến trong mọi nhà trường, và rộng hơn là cả xã hội. Bệnh thành tích chỉ là một phần nhỏ của sự giả dối này mà đã tàn phá ghê như vậy, thì kết hợp với các hình thức khác sức tàn phá còn lớn đến mức nào?
Kết quả là về mặt kiến thức, sinh viên của chúng ta đi chậm hơn so với thế giới hàng chục năm. Chưa kể, trong mấy chục năm qua, chưa có một cuộc cải cách giáo dục nào ở bậc đại học. Tất cả các cuộc cải cách giáo dục đều dừng ở bậc phổ thông. Duy nhất chỉ có một lần thành lập trường đại học đại cương giữa những năm 1990, nhưng đã thất bại. Còn việc dạy theo tín chỉ đã triển khai trên diện rộng, nhưng về bản chất cũng không khác gì học theo niên chế ngày xưa, vì có quá ít nội dung để sinh viên lựa chọn.
Giáo dục phổ thông 12 lớp, một lớp chỉ có hơn chục đầu sách, kiến thức truyền thống, nên dễ làm. Vì thế nên cải cách giáo dục chỉ tập trung ở bậc phổ thông này. Còn giáo dục đại học quá rộng lớn, lại thay đổi liên tục vì phải cập nhật kiến thức để cho sinh viên ra trường đi làm được.
Cùng một môn nhưng năm nay thầy dạy bằng giáo trình này, năm sau thầy lại dạy bằng giáo trình khác cập nhật hơn, vì thế khó làm, nên cải cách giáo dục bậc đại học bị bỏ qua trong suốt mấy chục năm qua. Không làm được, nhưng cơ quan quản lý lại muốn kiểm soát về nội dung chương trình, không ủng hộ tự do học thuật nên không mở đường cho việc sử dụng giáo trình của nước ngoài, nên chương trình đại học về cơ bản là giậm chân tại chỗ.
– Từ đó đặt ra những điều gì đáng lo ngại cho nền giáo dục nước nhà, thưa ông?
Điều tôi lo ngại nhất là chúng ta không có tự do học thuật ở bậc đại học, và tự do học đường ở bậc phổ thông. Đã không có tự do học thuật và tự do học đường thì tất cả sẽ chỉ là công cụ. Trò là công cụ đã đành, nhưng thầy cũng là công cụ, hiệu trưởng cũng vậy…
Sau đó là nội dung chương trình bậc đại học của phần lớn các ngành quá mức lạc hậu. Nhiều ngành vẫn sử dụng giáo trình từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, tức của thế hệ các thầy cô từ ngày đó biên soạn hoặc biên dịch cóp nhặt. Vậy thì làm sao cử nhân, kỹ sư của ta có chất lượng, có thể tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh được?
Nhưng việc sử dụng giáo trình của nước ngoài không được khuyến khích, vì xung đột lợi ích với cả nhà quản lý và bản thân giảng viên, khi giáo trình cóp nhặt do mình viết ra vẫn được chấp nhận và lại được tính điểm để phong học hàm, còn sử dụng giáo trình của nước ngoài thì vừa mệt lại vừa “nguy hiểm”. Tình trạng này có lẽ còn kéo dài, nếu không có sự thay đổi rốt ráo từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Và cuối cùng, nhưng lại đáng ngại nhất, là sự giả dối thể hiện dưới nhiều hình thức đã trở thành phổ biến trong mọi nhà trường, và rộng hơn là cả xã hội. Bệnh thành tích chỉ là một phần nhỏ của sự giả dối này mà đã tàn phá ghê như vậy, thì kết hợp với các hình thức khác sức tàn phá còn lớn đến mức nào? Lớn đến mức không ai là con người thật, tất cả thành hàng giả hết. Những người thật còn sót lại, nếu có sẽ bị dồn vào chân tường, và im lặng!
– Nếu bỏ áp đặt để mở đường cho tự do học thuật, tự chủ đại học, ông có nghĩ rằng, đây sẽ là luồng khí mới cho bước khởi đầu phát triển giáo dục nước nhà?
Đây là con đường duy nhất để phát triển giáo dục. Không còn cách nào khác. Muốn tạo ra những con người tự do đầy sức sống, đầy sức sáng tạo thì phải có tự do học thuật và tự chủ đại học. Nhưng phải lưu ý, tự chủ đại học không phải là các trường tự lo tài chính, nhà nước không có trách nhiệm gì như cách hiểu hiện giờ.
Tự chủ đại học phải được hiểu là tự chủ về nhân sự, tự chủ về nội dung chương trình. Coi tự chủ đại học là tự chủ tài chính thì nguy hiểm và vô trách nhiệm với giáo dục. Tất nhiên là đang nói với các trường công. Còn trường tư thì là câu chuyện khác, đó là câu chuyện của thị trường.
Trong góc nhìn này, Nhà nước phải coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đó chính là đầu tư cho loại hạ tầng quan trọng nhất, hạ tầng tri thức và hạ tầng con người. Cho nên, không thể đầu tư cho hạ tầng cứng là cầu cống, đường sá mà lại bỏ qua hạ tầng tri thức và hạ tầng con người trong khi bắt họ phải tự chủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
—
TS Giáp Văn Dương sinh năm 1976 (quê ở Lạng Giang, Bắc Giang), tốt nghiệp kỹ sư ngành Hoá dầu đại học Bách khoa Hà Nội năm 1999, thạc sĩ ngành Công nghệ hoá học Đại học quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) năm 2002, tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo) năm 2006. Ông từng làm việc tại Đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS).