– Cần con người công cụ hay con người sáng tạo?
Ông có hình dung được triết lý giáo dục của Việt Nam không?
Giờ thì giáo dục chỉ còn học và thi. Học ngày học đêm, chỉ để thi. Thi xong là quên hết. Thầy lao đầu vào dạy, trò lao đầu vào học, mà không cần biết dạy để làm gì và học để làm gì. Tất nhiên phải trừ những người dạy để kiếm cơm ra.
Đó là đào tạo con người công cụ. Chúng ta đào tạo con người chỉ để phục vụ một kế hoạch đã định sẵn, một thiết kế định sẵn, một ý chí định sẵn, mà không đào tạo ra những con người biết vượt qua những cái định sẵn đó để tạo ra sự phát triển. Đây là cách giáo dục phục vụ cho nền kinh tế quan liêu bao cấp tập trung.
Trong thời chiến và trong thời bao cấp, nền giáo dục này có thể phát huy được ít nhiều hiệu quả với tư cách là phục vụ trực tiếp những mục tiêu ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì cũng giống như nền kinh tế quan liêu bao cấp tập trung, nó không có sức sống vì không trân trọng con người với tư cách là con người tự do và không phát huy được mọi khả năng của con người.
Vì lẽ đó, về đại thể thì giáo dục vẫn còn dẫm chân tại chỗ của những năm 80 thế kỷ trước, trong khi kinh tế đã từ bỏ mô hình quan liêu bao cấp tập trung để chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.
Chính triết lý đào tạo con người công cụ này, dù được thừa nhận chính thức hay không, đã chi phối toàn bộ nội dung chương trình và cách thức làm giáo dục ở Việt Nam. Chỉ khi nào vượt qua, bằng cách tạo ra một triết lý mới, nhân văn và tiến bộ, và phát biểu triết lý đó một cách tường minh cho toàn dân biết, và sử dụng nó như kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục thì khi đó giáo dục mới có bước phát triển mới.
– Nói như vậy thì Việt Nam cần một triết lý giáo dục như thế nào để thực sự nhân văn và tiến bộ?
Chỉ có con người tự do mới đủ năng động và sáng tạo để làm chủ thực tế và kiến tạo phát triển. Vì lẽ đó, con người tự do là đích đến của giáo dục.
Lý do ư? Thì như tôi đã nói, triết lý đó sáng rõ và đủ lớn để bao trùm và định hướng mọi hoạt động của giáo dục, và đủ sức để thuyết phục toàn dân hưởng ứng, vì đâu có ai là người không muốn có tự do, ai là người thích làm công cụ cho người khác? Và quan trọng hơn, nó rất nhân văn, nó làm cho con người ta trở thành người đúng nghĩa, cho phép người ta phát huy hết mọi khả năng của mình theo cách sáng tạo nhất, để từ đó sống đời sống có ý nghĩa và trách nhiệm.
Chỉ với những con người như thế, chúng ta mới phát triển được, trong một thế giới nhiều cạnh tranh và biến động.
Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là khi đã hội nhập toàn cầu, thì cái gì không thay đổi sẽ trở thành lạc hậu và bị đào thải. Nếu không sáng tạo để làm chủ, anh sẽ trở thành kẻ làm thuê cho người khác. Sự thật là chúng ta đang làm thuê cho người khác ngay trên đất nước mình. Vì mình được đào tạo để trở thành công cụ chứ không phải là người làm chủ. Sự thật hiển nhiên đó cần phải được thừa nhận để đưa vào cải cách giáo dục.
Trái với việc đào tạo con người công cụ làm cho người ta mệt mỏi và suy thoái, một khi triết lý đào tạo con người tự do được thừa nhận và triển khai rộng rãi, nó sẽ tạo ra sức sống mới cho toàn hệ thống giáo dục, và sau đó là toàn xã hội. Nó nói rõ cho mọi người biết, với tư cách là con người tự do thì cuộc đời của anh diễn ra thế nào là lựa chọn của anh, trong tự do và suy xét, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống.
Chỉ có con người tự do mới đủ năng động và sáng tạo để làm chủ thực tế và kiến tạo phát triển. Vì lẽ đó, con người tự do là đích đến của giáo dục.
Vì thế anh không có lý do gì để oán trách và đổ lỗi. Trở thành con người tự do, anh là chủ nhân của số phận mình, của đất nước mình. Anh không còn lý do gì để bám víu, vì thế anh trưởng thành thực sự, và tìm được ý nghĩa thực sự của đời sống.
Mở đường cho tự do học thuật
– Qua nghiên cứu chương trình đào tạo của Việt Nam, ông nhận định như thế nào về nội dung chương trình của ta hiện nay?
Chương trình giáo dục hiện thời của Việt Nam đang được xây dựng trên cách tiếp cận lấy “học cái gì?” là chủ đạo. Vì thế hiện chỉ có một bộ sách giáo khoa được dùng thống nhất trong cả nước, chương trình và phương pháp được kiểm soát chặt chẽ từ trên xuống. Đây là kết quả hiển nhiên của triết lý đào tạo con người công cụ.
Nhưng điều này sẽ dẫn đến một kết quả hiển nhiên khác, là con người do hệ thống giáo dục đào tạo ra chỉ biết “học thuộc”, tức bảo gì làm nấy, nên chỉ có thể làm thuê chứ ít khả năng sáng tạo để làm chủ. Nếu giáo dục không thay đổi thì việc Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công và bị kẹt không vượt lên được có sự đóng góp rất lớn của giáo dục.
Giờ thì giáo dục chỉ còn học và thi. Học ngày học đêm, chỉ để thi. Thi xong là quên hết. Thầy lao đầu vào dạy, trò lao đầu vào học, mà không cần biết dạy để làm gì và học để làm gì. Tất nhiên phải trừ những người dạy để kiếm cơm ra (cười).
Về nội dung chương trình đào tạo bậc đại học của mình thì hiện nay quá lạc hậu. Cứ thử làm một khảo sát bỏ túi mà xem, phần lớn giáo trình của các ngành công nghệ vẫn là giáo trình được biên soạn bởi những thầy cô đi học ở Liên Xô (cũ) về. Thậm chí nếu các thầy cô đó đã nghỉ hưu thì giáo trình đó vẫn sử dụng, vì dùng thế quen rồi, và vì các thầy cô tuy nghỉ nhưng vẫn còn ảnh hưởng…
(trang kế)