– Nếu nói về thành tích thi cử với các loại huy chương quốc tế thì Việt Nam đã gặt hái được khá nhiều. Nhưng tìm một bằng sáng chế có ứng dụng hay một thành tích khoa học để đời thì lại quá khó. Điều đó cho thấy, cách học để thi không tạo ra người giỏi. Mà bản thân khái niệm người giỏi cũng phải xem xét lại. Quan điểm của ông về điều này?
Người giỏi hiện giờ được coi là người học giỏi, mà cụ thể hơn là thi giỏi. Nhưng người giỏi thực sự phải là người làm giỏi. Chỉ tiếc rằng những người làm giáo dục chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện này, nên tạo ra những lớp người thi rất giỏi mà kỹ năng làm việc rất yếu. Tôi muốn nói đến sự thiếu hụt về kỹ năng mềm của sinh viên Việt Nam, nhất là kỹ năng làm việc nhóm của các em rất yếu. Mặt khác, ngoại ngữ và kỹ năng độc lập đối thoại, tự chủ để hội nhập của các em cũng còn non lắm.
Muốn gỡ nút tắc này, thì không còn cách nào khác là phải trở lại với câu hỏi cơ bản nhất: Học để làm gì?
– Vậy theo ông, học để làm gì?
Học để trở thành con người tự do chứ còn để làm gì nữa (cười).
Theo UNESCO học để biết, để làm, để khẳng định bản thân và để chung sống với người khác. Nhận định này chính xác. Nhưng tôi cho rằng, học để trở thành con người tự do sẽ đi vào bản chất sâu xa nhất của giáo dục, và vì nó chạm được đến bản chất của tồn-tại-người, với tất cả tính nhân văn, quyền năng và trách nhiệm mà nó phải gánh chịu.
Tôi cho rằng, khi làm giáo dục thì phải trả lời bằng được ba câu hỏi: Học để làm gì, Học cái gì và Học thế nào? Trong ba câu hỏi này thì theo tôi, “Học để làm gì?” là quan trọng nhất. Trả lời được câu hỏi này, hoặc ở mức thấp hơn là định hướng được câu trả lời cho câu hỏi này, thì hai câu hỏi kia sẽ tự động được trả lời. Vì thế, học để làm gì chính là con đường ngắn nhất để đi thẳng vào triết lý giáo dục của hệ thống, và sau đó là của mỗi cá nhân.
Ở Việt Nam, tôi đã có khảo sát với số lượng hàng trăm học sinh và sinh viên, trong đó có nhiều em sắp ra trường, vậy mà khi hỏi học để làm gì, các em vẫn không biết trả lời ra sao. Đa số các em thậm chí còn chưa bao giờ đặt ra câu hỏi này cho mình.
Hầu hết chỉ học như một sự lập trình sẵn, đến ngày đến tháng thì đi học, học hết lớp nhỏ thì lên lớp lớn, hết phổ thông thì thi đại học, mà không hề bận tâm đến mục đích của những việc đó. Trong lúc vô tâm đó thì các kỳ thi xuất hiện đều đặn và khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc phán xét. Thế là có một mục tiêu: Học để thi. Thi gì học nấy. Không thi không học. Thi xong thì quên luôn!
Hầu hết chỉ học như một sự lập trình sẵn, đến ngày đến tháng thì đi học, học hết lớp nhỏ thì lên lớp lớn, hết phổ thông thì thi đại học, mà không hề bận tâm đến mục đích của những việc đó.
Không tin bạn cứ thử trò chuyện với các sinh viên, những người sắp bước vào đời thì sẽ thấy ngay: Phần lớn là chưa thi thì chưa học. Trong học kỳ thì léng phéng, gà gật chơi bời. Chỉ đến khi thi thì mới tìm mọi cách để nhồi nhét chống đối cho xong. Dần dần ăn vào máu của người Việt rồi trở thành bản tính của số đông.
Ở những nền giáo dục tiên tiến thì giáo dục đào tạo con người nào là rất rõ ràng. Nhà nước hoạch định một chiến lược giáo dục rất cụ thể cho việc đào tạo con người mà họ hướng tới, và giải thích rõ ràng và thuyết phục cho toàn dân là tại sao lại như vậy. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa bao giờ một phát biểu tường minh về con người mà chúng ta muốn hướng tới, tức chưa bao giờ phát biểu tường minh về triết lý giáo dục của hệ thống mà chúng ta đang vận hành, dẫn đến bế tắc về triết lý giáo dục.
Vì chưa rõ, hay phát biểu chưa được tường minh về triết lý giáo dục cho nên thiết kế nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy bị rối, không có linh hồn rõ ràng, và quan trọng hơn là không thuyết phục được toàn dân tin theo nên phải áp đặt từ trên xuống. Chừng nào chưa giải quyết được câu chuyện triết lý giáo dục này thì chừng đó giáo dục còn bế tắc.
– Cần con người công cụ hay con người sáng tạo?
(trang kế)