Nước tốt nhất

Nguyễn Văn Tuấn - Tuan's blog

(Ảnh: Michael Sohn/AP)
- Quảng Cáo -

Báo US News và Trường Wharton (Đại học Pennsylvania) mới công bố một bảng xếp hạng những Nước tốt nhất (Best Countries) trên thế giới. Thật ra, trong thực tế họ chỉ khảo sát trên 60 nước mà thôi. Và, trong 60 nước đó, Việt Nam đứng hạng 32 (1), và báo chí VN đưa tin rằng “US News có bài viết đánh giá về quá trình phát triển mạnh mẽ và xếp hạng thứ 32 trong số ‘những quốc gia tốt nhất’ thế giới” (2). Sự thật không hẳn như vậy, vì khi đi vào chi tiết cách xếp hạng mới thấy vài điểm thú vị.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, họ dùng dữ liệu của IMF và kết quả điều tra xã hội để phân tích và xếp hạng. Họ thực hiện một cuộc điều tra trên 16248 người ở Mĩ, Á châu, Âu châu, và Phi châu. Trong số này có hơn 8000 người được cho là “informed elites”, có nghĩa là có trình độ đại học, giai cấp trung lưu trở lên, và làm lãnh đạo trong các tổ chức hay doanh nhân. Dựa vào lí thuyết xã hội, họ đề ra 8 tiêu chí với trọng số cho mỗi tiêu chí như sau:

• Citizenship: 19%
• Entrepreneurship: 19%
• Quality of life: 19%
• Cultural influence: 14%
• Open for business: 13%
• Power: 8%
• Adventure: 4%
• Heritage: 4%

Và kết quả cho Việt Nam là:

- Quảng Cáo -

• Citizenship: 0.2 điểm (đứng hạng 50 trên 60 quốc gia)
• Entrepreneurship: 0.8 (36)
• Quality of life: 1.9 (24)
• Cultural influence: 0.6 (45)
• Open for business: 5.2 (21)
• Power: 0.8 (29)
• Adventure: 2.1 (36)
• Heritage: 3.2 (26)

Tính chung, Việt Nam đứng hạng 32 trong số 60 nước. Hạng của Việt Nam thấp hơn Thái Lan (21), Mã Lai (28), nhưng cao hơn Phi Luật Tân (33) và Nam Dương (42). Singapore đứng hạng thứ 15, cùng với các nước tiên tiến khác. Lào và Kampuchea không tham gia trong bảng xếp hạng.

Nhìn vào bảng trên, có lẽ các bạn cũng như tôi ngạc nhiên là điểm thứ hạng “citizenship” của VN quá thấp (chỉ 0.2)! Tìm hiểu thêm thì thấy tiêu chí này phản ảnh tính cách công dân toàn cầu của một nước, tức là làm gương cho các nước noi theo. Làm gương qua những vấn đề như nhân quyền, bình đẳng giới tính, và tự do tôn giáo. Với những chỉ tiêu này thì đúng là VN có điểm thấp thì cũng khá hợp lí. Năm nước có điểm cao về citizenship là Đức, Canada, Anh, Mĩ, và Thuỵ Điển.

VN còn có điểm thấp về tầm ảnh hưởng của văn hoá, với điểm 0.6 và hạng 45 trên 60. Ở tiêu chí này, các nhà nghiên cứu hỏi giới khoa bảng và công chúng đánh giá về thời trang, hạnh phúc, uy danh trên trường quốc tế. Một lần nữa, với những chỉ tiêu này thì VN chúng ta khó mà đạt điểm cao. Những nước có điểm cao về ảnh hưởng văn hoá là Đức, Canada, Anh, Mĩ, và Thuỵ Điển.

Thứ hạng 32/60 cũng có thể xem là một câu trả lời khoa học hoặc một lời trêu chọc cho phát biểu rằng VN đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc. (Ảnh từ blog Mai Thanh Hải).
Thứ hạng 32/60 cũng có thể xem là một câu trả lời khoa học hoặc một lời trêu chọc cho phát biểu rằng VN đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc. (Ảnh từ blog Mai Thanh Hải).

Về quyền lực (power) điểm của VN cũng khá thấp, chỉ 0.8 và xếp hạng 29. Tiêu chí này liên quan đến lãnh đạo, ảnh hưởng về kinh tế, ảnh hưởng về chính trị, liên minh quốc tế, và liên minh quân sự. VN có thể mạnh về quân sự, nhưng kém về chính trị và kinh tế, nên chẳng gây ảnh hưởng gì đáng kể trên trường quốc tế. Do đó, điểm này có thể nói là nằm trong kì vọng.

VN có điểm về chất lượng sống tương đối khá (hạng 24). Đây là tiêu chí phản ảnh mức sống so với đồng lương, thị trường công ăn việc làm, sự ổn định của nền kinh tế, an toàn, hệ thống giáo dục, và hệ thống y tế.

VN chỉ có điểm khá cao về “Open for business”, với điểm 5.2 và hạng 21. Đây là tiêu chí về môi trường kinh doanh, và bao gồm những chỉ tiêu như mức độ quan liêu, giá sản xuất rẻ, tham nhũng, môi trường thuế má thuận lợi, và sự minh bạch của chính phủ. Về tiêu chí này, ngạc nhiên là Tàu (hạng 42) thấp hơn Việt Nam khá xa!

Dĩ nhiên, những tiêu chí này cùng cách phân tích có thể là đề tài phải bàn thêm. Chẳng có một phân tích nào hoàn hảo. Cũng chẳng có số liệu nào là chính xác. Còn cách tính trọng số cũng là một vấn đề kĩ thuật khác. Do đó, những kết quả trên đây có lẽ chỉ mang tính tham khảo để biết mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới.

Nói chung, đánh giá qua các tiêu chí như công dân toàn cầu, môi trường kinh doanh, chất lượng sống, ảnh hưởng văn hoá, quyền lực, di sản, du lịch, thì Việt Nam được xếp hạng dưới trung bình một chút (32/60). Phân tích một chút chi tiết thì thấy VN có hạng thấp là bởi “track record” kém về nhân quyền, tự do tôn giáo, văn hoá lu mờ, và ảnh hưởng thấp về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Cuối cùng thì có lẽ công bằng để nói rằng VN chỉ là một nước làng nhàng, không cao, nhưng cũng chẳng thấp. Thứ hạng 32/60 cũng có thể xem là một câu trả lời khoa học hoặc một lời trêu chọc cho phát biểu rằng VN đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc.

====

(1) http://www.usnews.com/news/best-countries/vietnam
(2) http://vtc.vn/tap-chi-my-xep-viet-nam-thu-32-trong-so-nhung-quoc-gia-tot-nhat.311.594263.htm

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here