Hai mươi năm sau Thế chiến Thứ 2, Lực Lượng Tự Vệ Hàng Hải Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force viết tắt là JMSDF) vẫn còn là một hải quân của thời chiến tranh lạnh. JMSDF được thiết kế để đóng vai trò đặc thù trong tương quan đồng minh với Hoa Kỳ nhằm chống lại mối đe doạ của Liên Sô, do đó mới có những khả năng đặc biệt như chống tàu ngầm, dò mìn. Đã đến lúc JMSDF phải thay đổi mục tiêu để đáp ứng vai trò bảo vệ an ninh mới trong vùng và trên thế giới trong vị thế đối tác của Hoa Kỳ theo chính sách “Chủ Động Đóng Góp vào Hòa Bình” của Nhật đề xướng.
Với các thay đổi của thế kỷ 21, hướng bảo vệ an ninh thực tiễn nhất cho JMSDF sẽ nghiêng nhiều về sứ mệnh được gọi là Hoạt Động Quân Sự Phi Tác Chiến (Non-Combat Military Operation viết tắt là NCMO), như Trợ Giúp Nhân Đạo/Cứu Trợ Tai Họa và chống cướp biển trong vùng Châu Á Thái Bình Dương cùng chung với Hải Quân Hoa Kỳ.
Hiện đã có những biến chuyển theo hướng này. Hợp tác an ninh song phương giữa Mỹ-Nhật sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong tương lai. Liên minh Mỹ-Nhật đã là yếu tố then chốt trong cấu trúc an ninh vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Trong tương lai Nhật sẽ có vai trò lớn hơn cũng như gia tăng hợp tác an ninh giữa Tokyo và các đối tác khác của Mỹ như Phi Luật Tân và Úc.
Trận địa mới: Biển Đông
Hải quân Mỹ và Nhật đang ở tuyến đầu trong vùng với những thách đố an ninh đường biển gia tăng. Trung Quốc gia tăng chi phí quân sự, và gầy dựng khả năng chống đến gần/không cho vào để ngăn chận Hoa Kỳ vào vùng biển mà Trung Quốc kiểm soát. Trung Quốc là mối đe dọa cho các quốc gia láng giềng trong vùng Đông Hải và Biển Đông. Biển Đông còn là một nút chặn để hải quân Trung Quốc khống chế vùng Indo-Thái Bình Dương. Và khi vị trí chiến lược của Trung Quốc trong vùng trở nên tốt hơn, Bắc Kinh cũng hành xử hung hăng hơn.
Điều này nêu ra một câu hỏi cơ bản là Trung Quốc có sẵn sàng dùng quyền lực kinh tế và quân sự để lấn lướt lợi ích quốc gia của họ bất kể đến chuẩn mực quốc tế. Vấn đề của Biển Đông – bồi đắp đảo nhân tạo và bành trướng vùng biển chiếm đóng – là thách đố tiêu biểu đối với “tự do hải hành” theo luật lệ quốc tế.
Trung Quốc khăng khăng cho rằng ý định của họ là hòa bình và xây dựng. Bắc Kinh gọi Biển Đông là vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Thủ tướng Lý Khắc Cường tung ra một đề nghị năm điểm để gìn giữ và cổ xúy hòa bình và ổn định tại Biển Đông trong buổi Họp Thượng đỉnh lần thứ mười tám của ASEAN tại Mã Lai hồi tháng Mười Một, 2015. Điều lý thú là bản này nói thẳng là các quốc gia ở ngoài vùng (tức Hoa Kỳ) nên tôn trọng và hậu thuẫn nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định của các quốc gia trong vùng (tức là các cam kết giữa Trung Quốc và láng giềng).
Trong buổi Họp Thượng đỉnh này, Hoa Kỳ và Nhật Bản nêu các quan tâm về Biển Đông, về các tuyến đường hàng hải được bảo vệ thế nào và các mỏ dầu khí dưới biển được chia ra sao. Đặc biệt được nêu lên là việc tự do hải hành có thể bị đe dọa bởi các hoạt động của Trung Quốc.
Một số người phê bình là Hoa Kỳ và Nhật Bản, là những quốc gia bên ngoài vùng Biển Đông, không nên can thiệp vào những vấn đề trong vùng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã là một thế lực trong vùng Thái Bình Dương trong nhiều thập niên cổ xúy hòa bình và ổn định trong vùng, và quan hệ Mỹ-Nhật đã là một cột trụ ổn định cho cả vùng. Hải quân Nhật nên gia tăng vai trò của mình với các đồng minh của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương. Nhật nên tìm các giải pháp sáng tạo cho những thách đố gặp phải tại Biển Đông và Hải Quân Nhật cần xem xét những việc gì có thể gánh vác được. Chúng ta cần quan tâm nghiêm chỉnh đến tuyên bố của Tổng thống Obama là Hoa Kỳ không thể làm cảnh sát của thế giới.
Tầm quan trọng mới của quyền lực hàng hải
Lời nói và việc làm của Tập Cận Bình rất rõ rệt. Họ Tập đề xướng rằng Trung Quốc phải chủ động với các nước láng giềng. Quân đội Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa, chuẩn bị cho các cuộc chiến vùng dưới điều kiện của thông tin hóa.
Khi Trung Quốc trỗi dậy và ngày càng trở nên hùng mạnh, họ sẽ muốn khống chế vùng Châu Á Thái Bình Dương. Viễn kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của họ Tập vạch ra chiến lược cho Trung Quốc để củng cố ảnh hưởng trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, cho phép Bắc Kinh có thế chủ động định đoạt các chính sách trong vùng. Hoa Kỳ và Nhật Bản phải giải quyết thách đố trực tiếp này đối với nền an ninh vùng.
Nhật đã củng cố quan hệ với các quốc gia ASEAN cùng với Hoa Kỳ; sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đưa đến sự tái quân bằng các liên hiệp quyền lực biển Châu Á-Thái Bình Dương. Nhật nên có những thay đổi rốt ráo từ vai trò tự vệ để bảo vệ các đảo của mình sang vai trò bảo vệ an ninh mới nhằm trợ giúp các quốc gia khác trong vùng.
Nhật đã có những bước tiến thay đổi. Hải quân Nhật, chẳng hạn, đã thực hiện cuộc hành quân chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia từ Tháng Ba, 2009. Cuộc hành quân ở vùng biển xa xôi tiêu biểu cho sự thay đổi suy nghĩ về mục tiêu cơ bản của Hải Quân Nhật, từ việc tự vệ ở địa phương để trở thành một hải quân hiểu rõ tầm quan trọng khi tham gia cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh khác để bảo vệ an ninh cho các tuyến đường hàng hải trên thế giới (vì Vịnh Aden nối liền Châu Âu và Châu Á qua kênh đào Suez và là một trong những tuyến đường giao thương hàng đầu của thế giới).
Biển Đông cũng vậy, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bảo đảm sự tự do hải hành trong các vùng biển này tối quan trọng cho kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ, vì phải quan tâm cho cả thế giới, không thể bảo đảm an ninh cho tự do hải hành một mình, và các quốc gia ASEAN cũng không thể hoàn toàn đảm trách gánh nặng này. Nhật phải góp phần trợ giúp.
Tuy nhiên việc dính líu nhiều hơn của hải quân Nhật trong vùng sẽ gặp khó khăn về mặt lịch sử. Quá khứ quân phiệt của Nhật đã gây nhiều khổ đau cho các quốc gia ASEAN. Tuy thế, Nhật đã lấy lại được niềm tin sau khi đeo đuổi con đường chủ hòa hơn 70 năm qua sau Thế chiến Thứ 2. Nhật Bản của 2016 hoàn toàn khác hẳn với thời trước đó. Nhật nên làm sáng tỏ sự khác biệt này để phản bác lại hình ảnh tiêu cực thường gặp trong cộng đồng quốc tế, bằng cách nhấn mạnh sự đóng góp an ninh tích cực cho liên minh Mỹ-Nhật. Đặc biệt, mối quan hệ mới giữa Nhật và Phi Luật Tân rất quan trọng, cho phép hải quân Nhật sử dụng căn cứ của Phi cùng với các đơn vị quân sự Hoa Kỳ sẽ giúp nỗ lực gìn giữ hoà bình và ổn định tại Biển Đông.
Năm lợi ích của các hoạt động quân sự phi tác chiến tại Biển Đông
Thứ nhất, Nhật có thể hoàn thành vai trò an ninh mới như là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ dưới chính sách “Chủ Động Đóng Góp cho Hòa Bình”. Điều này có lợi cho việc nâng cao liên minh Mỹ-Nhật.
Thứ nhì, Nhật có thể cho mọi người thấy thái độ chủ động bảo vệ an ninh trong vùng Châu Á Thái Bình Dương khi tiến hành các biện pháp an ninh ôn hòa như các hoạt động quân sự phi tác chiến.
Thứ ba, sẽ có lợi cho thế giới qua việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng, chứ không phải áp đặt thay đổi nguyên trạng.
Thứ Tư, sẽ có lợi cho Trung Quốc luôn. Trung Quốc và Nhật Bản có cơ hội hiếm có để gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng xuyên qua hợp tác quốc phòng – với Nhật đóng vai trò tích cực hơn cùng với Hoa Kỳ.
Thứ Năm và cuối cùng, có lợi ích hiển nhiên cho Nhật. Hải quân Nhật có thể biểu dương mô hình an ninh mới của khả năng hải quân hiện đại, tập trung vào việc thực hiện các công tác quân sự phi tác chiến với nguồn lực giới hạn.
Trong nhiều năm qua, nhiều người đã nêu quan tâm về tiến triển của Nhật từ vị thế tự vệ hậu chiến. Đây là cơ hội để chuyển sang vai trò tích cực hơn, có trách nhiệm hơn trong vùng cho hải quân Nhật, bổ xung toàn bộ khả năng của Nhật vào đại liên minh của Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác Châu Á Thái Bình Dương. Vai trò tân trang của Nhật sẽ bảo đảm hòa bình và ổn định trong một vùng có triển vọng trở thành trọng tâm của kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21.
Về tác giả: Takuya Shimodaira là sĩ quan Hải Quân Nhật, Giáo sư Quân sự thỉnh giảng tại Đại Học Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ. Quan điểm trình bày nơi đây là của tác giả và không phản ảnh chính sách hay lập trường chính thức của Hải Quân Nhật, Bộ Quốc Phòng Nhật hay Chính quyền Nhật.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The National Interest – 2/2/2016