Mới đây, tại cuộc họp báo ở Hà Nội về ‘thành công rực rỡ của đại hội 12’, TBT quá tuổi Nguyễn Phú Trọng nói rành rẽ: “Tôi không ngờ lại được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XII bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối 100%. Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất, sức khỏe, trình độ có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ nhưng vì trách nhiệm Đảng giao, chúng tôi với tư cách Đảng viên phải chấp hành. Tôi xúc động trước tình cảm của đồng chí, đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đã bày tỏ tình cảm, gửi gắm tới Đại hội. Chúng tôi cũng rất lo, vì công việc sắp tới còn nặng nề. Phải gánh trách nhiệm rất lớn trước tình hình diễn biến trong và ngoài nước như hiện nay, thời cơ thuận lợi cũng có, nhưng khó khăn rất nhiều, có rất nhiều việc phải làm”.
Nghe cụ Tổng Trọng phát biểu như vậy, lúc đầu tôi cũng bỗng thấy bất ngờ, bởi một vị TBT đã già cỗi trong nghề chính trị, một thầy giáo nát nhàu giáo án về chính trị, (Ts. Nguyễn Thanh Giang gọi là nghề ‘cạo giấy’) nay sao lại phát biểu như vậy? Tôi lại nghĩ đến câu hát trong bài hát về Tp HCM : “Mà niềm vui như dến bất ngờ/ Ngày đi như trong đêm mơ/ Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ”. Ơ, hóa ra lại đúng, ‘tuổi lớn rồi mà như ngây thơ’, tuy đã bậc cụ, bậc cố rồi, mà Tổng Trọng phát biểu ngây thơ quá, và rõ là ông quá xúc động, có sự mếu máo, muốn khóc, bởi: “vui sao nước mắt lại trào”.
Tôi xem truyền hình, cũng thấy cụ Tổng ‘nhè’ thật, bởi năm 2012, biết bao nỗ lực với sức mạnh của Tư Sang và gần như cả BCT ‘đa kiếm hợp bích’ mà tại Hội nghị TW 6 không đánh gục được ông 3 Dũng. Cay quá, tức quá, Ban CHTW khi đó lại không ủng hộ ông, thành ra ông cũng ‘nhè’.
Nghĩ vậy, tôi lại không thấy ‘bất ngờ’ nữa, và tự mình kết luận: Có thế mới là Tổng Trọng!
Cuộc đời, sự nghiệp thăng tiến của cụ Tổng cũng gặp nhiều ‘diễm phúc và độc đáo’ ở chỗ là liên tục ‘bất ngờ’.
Thứ nhất, ông đang cắp cặp theo nếp quen của một nhà giáo chính trị, sáng cắp ô đi, tối kẹp ô về, sau đó bất ngờ lại vớ được cái chân ‘biên tập viên Tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Rồi 8 năm sau, 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ về Xây dựng đảng tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban , rồi Trưởng ban, rồi Uỷ viên Ban biên tập lại ngon nữa được làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập tạp chí Cộng sản . Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.
Thứ ba, tháng 1- 1994, không biết ‘mưa móc danh lợi’ thế nào, ông lại gặp sự bất ngờ “vui sao nước mắt lại trào”, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, ông cùng với 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. Ấy vậy nhưng lúc đó cấp trên chỉ xếp cho ông làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy. Sau đó được cất nhắc phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường KHXH và Nhân Văn.
Lại ‘bất ngờ’ hơn đến giữa nhiệm kỳ đại hội 8, Lê Khả Phiêu thay Đỗ Mười, liền phát hiện ‘nhà lý luận nhiều kỳ vọng’, Gs.Ts. Nguyễn Phú Trọng được bổ sung vào Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng…
Thứ tư, liên tục những bất ngờ đến với ông với sự mở ra ‘tương lai xán lạn’ và ‘đảng đã cho ông những mùa xuân bao ước vọng’: Ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng. Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm. Hai ngày sau, Bộ Chính trị đã chỉ định ông Phạm Quang Nghị, người vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kế nhiệm. Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, ông tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011. Ông Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, như việc đề ra Nghị quyết Trung ương 4 với phong trào ‘chống tham nhũng rất cấp bách và quyết liệt’ nhưng rút lại 5 năm qua với nỗ lực gần chục hội nghị chuyên đề chống tham nhũng, cuối cũng chỉ co lại ở cái mức dĩ hòa vi quý “Phê bình và tự phê bình”, “trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ”, “xử lý, giải quyết phải hết sức khách quan, biện chứng, làm mạnh quá thì dọa trả thù…”…”thôi, tham nhũng chỉ như …ngứa ghẻ”…
Thứ năm, ông bị bất ngờ là khi đã hoàn thành chuyến đi thăm và ra sức thuyết giảng về CNCS, CNXH bên Cu Ba, thì bất ngờ Bộ Ngoại giao Brazil giải thích Tổng thống nước này không gặp mặt Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 13/4/2012 vì ‘lịch trình không cho phép’. Trước đó, các kênh chính thức của Việt Nam thông báo ông Trọng sẽ thăm hữu nghị Brazil “theo lời mời của Tổng thống Dilma Rousseff” từ 13/4-15/4. Công văn viết: “Tổng thốngBrazil, Dilma Rousseff, đã phải thay đổi lịch trình của mình cho ngày 13/4 để lên đường trong cùng ngày tới Cartagena, Colombia, nơi bà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ”. Đã có những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch của bà Rousseff và một số cuộc gặp đã bị hoãn, trong đó có cuộc gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày hôm đó.” Vì sự cố đó, thay vì từ Cuba tới Brazil thăm chính thức theo kế hoạch loan báo từ trước, ông Nguyễn Phú Trọng đã bay thẳng về Việt Nam. Có lẽ ‘diễn thuyết’ của cụ Tổng ở Cu Ba về CNCS, CNXH đã làm người ta phát sợ!
Thứ sáu, ông bất ngờ được các nước Tây Âu và Tòa thánh Vatican mời ông đến thăm. Do quá bất ngờ, quá vui, về nước ông khoe ngay với đồng bào: “Mình có làm sao người ta mới mời chứ”!
Rồi liên tục, liên tục, cụ Tổng gặp nhiều cái bất ngờ: Đi thăm Mỹ về, ông nói: “Tôi thật bất ngờ, lần đầu tiên có một TBT đảng CS được vào phòng bầu dục của Nhà Trắng, …như vậy uy tín của Việt Nam, uy tín của đảng CSVN chưa bao giờ được nâng tầm cao như hiện nay”…(!?).
Rồi các Hội nghị Trung ương gần đây, ông gặp nhiều bất ngờ, tại sao Ban CHTW không theo ý ông mà lại dồn phiếu tín nhiệm cho 3 D nhiều thế?
Còn lần này, vui quá là vui, ông bất ngờ lại được phiếu tín nhiệm cao để được tái đắc cử TBT nhiệm kỳ 12. ‘Đánh’ được Nguyễn Tấn Dũng đâu dễ, chịu thua mấy hiệp rồi, hiệp cuối này cụ Tổng lại thắng. Cảm ơn các đồng chí ‘đối trọng ta’ đã rút lui, không ứng cử, dành phiếu cho ‘lão già ‘ này, các đồng chí đã rất chi là ‘vì đảng quang vinh’ :“Ôi, ta đang đi giữa rừng mơ/Hay đi giữa chốn rừng cờ”!?
Nhưng, dân đang chờ, toàn đảng, toàn quân, kể cả Việt kiều và dư luận thế giới cũng đang chờ, lần tái nhiệm này, cụ Tổng có làm được điều gì bất ngờ, có sự bứt phá dám đổi mới tư duy lãnh đạo có lợi cho nền dân chủ, nhân quyền, mang lại niềm tin có lợi cho dân, cho nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyết không bị lệ thuộc, tăng cường quan hệ với các nước dân chủ, văn minh, tiên tiến, đưa con đường đổi mới đạt được những thành tựu bền vững?
Nhưng, lại nhưng, cái bất ngờ do cụ Tổng đem lại ở tuổi 72 này, chắc là cực kỳ khó khăn, bởi hai ông Tây râu rậm trán hói và ông “bạn vàng 16+4” cứ đè đầu cưỡi cổ cụ Tổng!