HÀ NỘI – Trong hội thảo về Kinh Tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) tổ chức chiều 28 tháng Giêng tại Hà Nội, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân năm 2000 vào khoảng 8%. Đến nay tỷ trọng này vẫn chỉ là 11%. Tức là trong suốt hơn cả thập kỷ vừa qua, khu vực tư nhân không lớn lên được.
Cũng trong hội thảo này Ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp về hội nhập của Chính phủ, nói ông rất lo lắng về tương lai của nền kinh tế khi doanh nghiệp trong nước ngày càng kiệt quệ.
Ông cho biết động lực của nền kinh tế trong năm 2105 chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước. Động lực của nền kinh tế năm 2016 cũng sẽ vẫn như vậy. Song vấn đề là để phát triển bền vững không thể là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI- Foreign Direct Investment.)
Khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, các doanh nghiệp Thái Lan đang có xu hướng mua các nhà phân phối của Việt Nam và chuyển hàng Thái vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn. Những yếu tố này gây chèn ép, bóp nghẹt khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, lẽ ra khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể trông chờ vào nhà nước trong vai trò trọng tài, chống chèn lấn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nhưng nhà nước lại không làm vậy. Nhà nước lại mua rất nhiều trái phiếu chính phủ, tức là nhà nước nhảy vào cuộc thành nhân tố thứ 3 chèn lấn, thì khu vực tư nhân không chịu nổi. Kinh tế tư nhân nhỏ đi, chết đi là chuyện phải đến. Bà Lan nói, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản năm 2015 lên tới gần 80.000 đơn vị là rất đáng lo.
Do chủ trương kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của CSVN nên kinh tế Việt Nam đã lụn bại từ bấy lâu nay. Năm 2016 cũng sẽ không khá hơn, thậm chí có thể xấu hơn vì trong đại hội 12 mới đây đảng CSVN vẫn kiên định duy trì nền kinh tế quái thai này.