Nhân dịp Tết Bính Thân các gia đình nông dân tại tỉnh Bình Thuận hăm hở trong dưa hấu bán, nhưng lại đang đối diện với thảm họa sạt nghiệp vì không ai mua.
BÌNH THUẬN – Theo tin nhiều báo thì mấy ngày qua, các khu vực trồng dưa hấu ven sông La Ngà, huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ thu hoạch nhưng giá rẻ mạt, nông dân phải mang ra đổ đống ven đường chờ chực thương lái đến mua mà vẫn không thấy.
Tính trung bình, một hecta dưa hấu có chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, cho sản lượng trung bình hơn 30 tấn. Thời điểm hiện tại, dưa to đẹp loại trên 3kg có giá 1.500 đến 1.600 đồng một kg, loại trung bình giá trên dưới 1.000 đồng.
Với mức giá này, nông dân bị lỗ mất hơn 60 triệu đồng một ha. Nhiều người đi thuê đất trồng dưa còn lỗ nặng hơn vì phải mất thêm tiền thuê đất 20 triệu đồng mỗi ha.
Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Ðức Linh cho biết trồng dưa hấu Tết là nghề truyền thống của nhiều hộ nông dân ven sông La Ngà, huyện Ðức Linh. Năm nay toàn huyện trồng khoảng 200 hecta dưa hấu Tết, tổng sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn.
So với năm ngoái, vụ dưa Tết năm nay, nông dân địa phương trồng vượt hơn 60 hecta. Nguyên nhân dưa hấu mất giá là do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi đó, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ với một số lượng rất nhỏ.
Mấy năm vừa qua, người ta thấy tin tức liên quan đến hàng ngàn xe tải chở dưa hấu nằm ụ ở của khẩu Lạng Sơn, không “thông quan” nổi dù chờ đợi cả tuần lễ, dưa thối phải đổ bỏ. Cuối Tháng Mười Hai, 2015 sang những ngày đầu năm 2016, người ta thấy báo chí trong nước đưa tin người Trung Quốc thuê đất ở Lào và Cam Bốt tự trồng lấy dưa hấu để chở về xứ bán lại, không mua dưa hấu của người Việt Nam nữa.
Những lời khuyến cáo này không tới tai nông dân nên người ta cứ tiếp tục trồng nhiều, dẫn đến thảm kịch được mùa mà sạt nghiệp. Ðiều nghịch lý là tất cả các cấp từ xã trở lên đều có các cơ quan nông nghiệp cũng như công thương nghiệp của nhà cầm quyền đứng ra chỉ huy, “quản lý.”