SÀI GÒN – Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp-cơ hội và thách thức,” do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/12.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt là 4,94 và 5,59.
Tính đến quý 2/2015, cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam là 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Tức là tình trạng „thầy nhiều hơn thợ“. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp.
Mặt khác, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao trong 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã thỏa thuận bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia.