Biển miền Tây sạt lở từ Ðông sang Tây

- Quảng Cáo -

Do biến đổi khí hậu các bờ biển ở miền Tây từ Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre đến Cà Mau bị sạt lở, đất đai bị xâm thực ngày càng trầm trọng.

SÀI GÒN – Miền Tây có Biển Ðông và Biển Tây “ôm” hai phía một thời đã bồi đắp cho vùng đất này tiến ra khơi hàng trăm mét mỗi năm. Song, hiện nay do biến đổi khí hậu chúng đã làm điều ngược lại gây sạt lở, xâm thực khắp nơi.

Cụ thể, tỉnh Trà Vinh có bờ biển dài 65 cây số. Khoảng 10 năm trở lại đây nước biển dâng cao khiến hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ, đất sản xuất, đất ở của hàng trăm hộ dân ở 3 xã ven biển Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Ðông Hải, huyện Duyên Hải bị nước biển xâm thực.

Theo mô tả của báo Lao Ðộng, tại xã Hiệp Thạnh, từ năm 1997 đến nay bờ biển bị sạt lở có nơi sâu từ 500-2,000 mét, xâm thực vào đất liền khoảng 200 hecta, khiến cả trăm hộ dân thường xuyên phải sống trong tâm trạng lo lắng tính mạng và tài sản có thể bị biển “nuốt” đi bất cứ lúc nào.

- Quảng Cáo -

Tương tự, tại bờ biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, sạt lở làm diện tích rừng phòng hộ giảm mạnh, từ hàng ngàn hecta, hiện chỉ còn khoảng 700 hecta. Trong đó, tại nhiều khu vực ven đê xung yếu thuộc xã Tân Thành, Tân Ðiền, Tân Phước đã không còn rừng phòng hộ, nước biển lấn sát đe dọa chân đê.

Còn tại tỉnh Bến Tre, rừng phòng hộ ven biển cũng bị mỏng dần do sạt lở nghiêm trọng. Qua khảo sát, có khoảng 10 điểm xung yếu thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, mất rừng bởi sóng lớn.

Trong khi đó, Mũi Cà Mau từng được bồi đắp mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm mét. Nhưng bây giờ, bờ biển tỉnh Cà Mau đang bị sạt lở nặng, có những nơi lên đến 50 mét/năm. Có 80% đường bờ biển, kể cả bờ Biển Ðông và bờ Biển Tây, bị sạt lở với diện tích rừng phòng hộ bị mất khoảng 305 hecta/năm.

Hiện để chống sạt lở, các tỉnh trên đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè kiên cố bảo vệ những đoạn đê biển xung yếu hoặc dồn sức trồng rừng phòng hộ ven biển, nhưng chưa có kết quả hữu hiệu.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here