Tokyo- Ngày 04/11/2015, chỉ cài giờ sau khi chuyên cơ của ông Tập Cận Bình đáp xuống sân bay Nội Bài thì những hình ảnh người dân Hà Nội, Sài Gòn đi biểu tình phản đối ông Tập tràn ngập trên màn hình nhỏ (TV) ở Nhật trong những bản tin đầu giờ.
Tờ Sankei viết rằng mặc dù Trung quốc xâm chiếm biển đảo, bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam hành nghề trong hải phận của mình, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn muốn thắt chặt tình hữu nghị với Trung quốc để qua đó đẩy mạnh sự hiệp tác kinh tế. Việc lãnh đạo Việt Nam đón tiếp ông Tập Cận Bình một cách trọng thể nói lên được điều này.
’’Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam’’, ‘’Tập Cận Bình trả Hoàng Sa & Trường Sa cho Việt Nam’’, ‘’Phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam’’…là những biểu ngữ và khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình lần này ở Việt Nam. Khác với những lần trước, công an đã không ra tay đàn áp đoàn biểu tình trước sứ quán Trung quốc ở Hà Nội vào ngày 03/11/2015, ai cũng tưởng là chính quyền Việt Nam đã có ít nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng qua ngày 04/11, người biểu tình ở Sài Gòn bị đàn áp thẳng tay.
Tại một quốc gia mà luật lệ cấm không cho phép tụ tập, biểu tình vậy mà người dân vẫn xuống đường cho dù biết rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào, điều đó cho thấy phần đông người dân Việt Nam nhất quyết phản đối chính quyền Trung quốc xâm lược Việt Nam, thành ra chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình chỉ gây ra phản cảm chứ không phải là thắt chặt tình hữu nghị như lãnh đạo hai nước Trung-Việt nói trong tất cả những lần gặp nhau. Đó là lời bình luận của tờ Asahi.