Trong tất cả những câu chuyện về những người phụ nữ mà tôi nhớ được, có một câu chuyện luôn ám ảnh tôi trong nhiều năm tháng. Đó là một người phụ nữ vô danh, nghèo khó như bao nhiêu người nghèo khó trên đất nước này. Tôi chọn ngày 20-10 để ghi lại chút ký ức về bà, vì nếu lỡ quên đi, chắc là tôi sẽ hối tiếc nhiều.
Bà là một người bán bánh mì, đứng khép nép ở lề đi bộ gần cửa trường Pétrus Ký cũ, nơi tôi vẫn đạp xe đi học ngang qua mỗi sáng. Thời sinh viên Đại học, tiền chưa bao giờ đủ cho 2 ổ bánh mì một ngày, xe bán bánh mì của bà là nơi ưa thích của tôi và nhiều sinh viên khác vì bà vẫn luôn có một thái độ ưu ái thầm lặng với bọn mài đũng quần trên giảng đường.
Thêm một chút nước thịt, một vài miếng dưa leo; Thậm chí liếc thấy ai đó gầy gò, bà vẫn cho thêm được 1,2 miếng thịt mong mỏng. Một thông điệp quý giá và thầm lặng, nhưng mãnh liệt hơn cả những hứa hẹn về học bổng hay tài trợ tương lai từ Bộ Giáo Dục, khiến giới sinh viên rỉ tai nhau và hay ghé vào mua bánh mì trong một niềm tin trong sáng.
Nơi đó quen thuộc đến mức nhiều khi buổi chiều, đi ngang, tôi vẫn nhìn xem có bà bán nơi đó không. Nhiều năm như vậy, bức tranh ngày thường đó, tôi đã mang theo suốt cuộc đời.
Rồi một ngày, khi đạp xe đến mua bánh mì, bà chỉ còn bán bằng chiếc thúng đặt trên yên sau của một chiếc xe đạp thồ.
“Xe bán bánh đâu rồi bà?”, tôi hỏi.
“À, mấy ông dẹp lề đường bắt rồi”, bà nói, tay vẫn gói bánh.
Đứa con gái phụ bà kể rằng mấy ông ở Phường đến tịch thu, và nói nếu xin đóng tiền phạt, thì có thể lãnh xe về. “Dì sao mà đủ tiền đóng con”, bà nói.
Xe thì không còn, nhưng ổ bánh mì của tôi vẫn y nguyên cái tình cảm của một người nghèo vẫn dành cho giới sinh viên. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi đạp xe đi, ăn không hết ổ bánh mì và nghĩ rất nhiều về sự bình an đã mất trong trái tim mình.
Không chỉ là một lần. Chỉ mấy tuần sau, tôi lại thấy bà chỉ còn bán bánh mì trong một cái thúng cặp nách. “Xe cũng bị lấy rồi, mấy ổng nói má em cứng đầu quá, phạt cho tởn”, đứa con gái của bà nói. Trời cho thế gian này có thứ bậc quan và dân. Quan vẫn làm chuyện của quan, dân vẫn làm chuyện dân. Và tôi cũng cầm ổ bánh mì đầy đặn như mọi khi, chạy đi, ước mong trẻ con đến phát khóc rằng phải chi mình trúng số để cho tiền bà đóng phạt.
Bánh mì của người nghèo nuôi tôi lớn. Bài học ở trường dạy tôi biết. Cuộc đời cho tôi chứng kiến để tôi hiểu, nhưng tôi vẫn suy nghĩ trẻ con.
Tôi vẫn trẻ con đến mức thời gian ngắn sau đó, tôi chạy vòng tới vòng lui để tìm người đàn bà bán bánh mì quen thuộc, thậm chỉ trễ cả giờ học đầu. Bà không còn ở đó nữa cho đến tận hôm nay. Có lẽ bà đã mưu sinh ở một nơi nào đó khác, như người ta vẫn đùa rằng năng lượng đời không tự nhiên mất đi, mà chỉ bị xô đuổi từ nơi này sang nơi khác mà thôi.
Nhiều năm sau, tôi vẫn còn bị ám ảnh về thứ ký ức nhỏ nhặt này. Cho đến một hôm, thời hiện tại, tôi chứng kiến chiếc xe Jeep dân phòng dừng ở một nơi quen thuộc. Những người đàn ông cũng có vợ, có con gái, có mẹ… đang tần tảo, nhưng hùng hổ xô, giật, đạp những thứ buôn bán nhỏ nhặt của nhiều người phụ nữ. trên tay họ là gậy, là dùi cui. Trên miệng họ là khẩu lệnh và nụ cười gằn. Tiếng la hét, tức giận, và có cả tiếng khóc thét của những người đàn bà giữa phố. Nhưng điều đó chẳng là gì trước những bộ đồng phục lạnh lùng sừng sững, tựa như vô tri.
Cũng là những người bán hàng rong, nhưng rất nhiều người, ở rất nhiều nơi sẽ được để yên khi đã nộp tiền. Thậm chí những bộ đồng phục đó chỉ quần thảo với danh sách những ai chưa đóng tiền chỗ, mà những người bán hàng cười mỉa : “ứng trước tiền phạt”.
Tôi nhớ đến người đàn bà bán bánh mì mà tôi không biết tên. Tôi hình dung những gì bà đã mất nhưng vẫn giữ lại hơi ấm khi trao từng chiếc bánh mì cho bọn sinh viên khố rách áo ôm chúng tôi.
Tôi tin vào mọi lý thuyết của sự phát triển, nhưng tôi cũng tin rằng người ta sẽ buộc phải ‘cứng đầu’ để có thể sinh tồn. Nhất là khi sống trong một quốc gia đang quá khốn khó để sinh tồn.
Ngày 20-10 hàng năm, tôi thường nhìn thấy những người đàn bà to đẹp, trang phục đắt tiền trên truyền hình. Thậm chí họ được gắn huân chương mà tôi không rõ vì lý do gì. Những giờ phút đó, tôi vẫn hay nhớ đến người đàn bà bán bánh mì mà tôi biết, cũng như hàng triệu người phụ nữ vô danh khác đang trở thành kẻ phạm luật trong một cái khung công lý quá chật chội với thực tế của một con người trên đất nước này. Tôi tôn trọng luật pháp vì tin vào tương lai, nhưng tôi vẫn luôn nhìn trừng vào nó để có thể nhận ra, ghi nhớ rằng điều gì phải cần phải thay đổi một khi đất nước này thật sự có những người biết lắng nghe và, thật sự yêu thương dân tộc này.
Thật đơn giản, vì tôi đã mang ơn những ổ bánh mì nghèo hèn vô danh, nên tôi không bao giờ có thể quên những điều đó.
Tuấn Khanh