Có thể nói đấu tranh bất bạo động (ĐTBBĐ) là vũ khí hữu hiệu nhất của phong trào đấu tranh trong nước Việt Nam, sử dụng để tháo gỡ chế độ độc tài CSVN. Bất bạo động cũng là một nền móng vững chắc cho một xã hội Việt Nam dân chủ trong tương lai. Hiện nay, phong trào ĐTBBĐ trong nước đang hoạt động ra sao? Trong tương lai sẽ phát triển như thế nào? Để trả lời cho những vấn đề này, ông Lý Thái Hùng – Tổng Bí Thư của đảng Việt Tân đã dành cho SBTN một cuộc phỏng vấn đặc biệt:
SBTN: Kính thưa ông Lý Thái Hùng, hiện nay những chiến thuật nào của ĐTBBĐ người trong nước đã và đang sử dụng có hiệu quả?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, trước khi trả lời về các chiến thuật đấu tranh bất bạo động mà phong trào dân chủ ở trong nước đã và đang sử dụng có hiệu quả, chúng ta cần điểm lại những chiến thuật của đấu tranh bất bạo động là gì.
Theo Tiến sĩ Gene Sharp, một nhà nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động đã xếp khoảng 200 “chiến thuật” phản kháng của quần chúng theo ba mức độ từ thấp lên cao: 1/ Phản đối, 2/ Bất hợp tác; 3/ Đối đầu công khai.
Phản đối là hình thức đấu tranh căn bản nhất của bất bạo động, nhằm bày tỏ sự bất mãn của một người hay của nhiều người về một chính sách hay một chủ trương nào đó của nhà cầm quyền.
Bất hợp tác là hình thức phản kháng mang tính chất bất tuân phục về các nguyên tắc, đường lối chủ trương của chế độ độc tài.
Đối đầu công khai là hình thức phản kháng mạnh mẽ của số đông nhằm tạo áp lực toàn diện lên chế độ phải chấp nhận thay đổi hay đẩy chế độ vào thế lúng túng đối phó rồi tan rã.
Trong thời gian vừa qua, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã và đang tiến hành những chiến thuật mang hình thức phản đối, và theo tôi rất là hiệu quả.
Hình thức phản đối rất đa dạng: từ ra kiến nghị, thỉnh nguyện thư, kẻ biểu ngữ, cầu nguyện, rải tờ rơi, biểu tình… đã mở rộng sang hình thức hội thảo, tổng tuyệt thực, tham dự các diễn đàn quốc tế. Đại diện các đoàn thể xã hội dân sự thường xuyên lên tiếng chung về một vấn đề nào đó của đất nước, hay để phản đối các chính sách của chính quyền.
Cốt lõi của các hình thức phản đối nói trên là giúp cho từng cá nhân – từ tâm trạng sợ sệt, e ngại – có thể cùng với nhiều người khác bày tỏ sự bất đồng của mình đối với các chính sách cai trị, mà không sợ bị trả thù hay trù dập.
Đây là những nỗ lực rất quan trọng và căn bản của đấu tranh bất bạo động, giúp người dân vượt qua được sự sợ hãi và kiềm tỏa của chế độ. Chính vì thế, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh trong thời gian vừa qua.
SBTN: Những chiến thuật nào của ĐTBBĐ người trong nước chưa sử dụng, nhưng nên bắt đầu sử dụng trong thời gian tới?
Lý Thái Hùng: Hiện nay, sự hoạt động tích cực của các đoàn thể xã hội dân sự đang phát triển
cùng với sự ứng dụng nhanh chóng và lan rộng của mạng Facebook – hiện có non 30 triệu người tham gia. Tôi tin là phong trào dân chủ Việt Nam sẽ tiến lên hình thái phản kháng “bất hợp tác”, nấc thứ hai của chiến thuật đấu tranh bất bạo động, trong thời gian tới.
Theo Giáo sư Gene Sharp thì phương thức này có đến trên 100 loại hành động, được chia làm ba loại: bất hợp tác về xã hội; bất hợp tác về kinh tế bao gồm đình công, tẩy chay; và bất hợp tác về chính trị.
Ví dụ rút tên ra khỏi các đoàn thể của đảng và nhà nước. Ngưng tham gia các sinh hoạt thể thao, văn hóa. Từ chối làm việc với những công ty, nhà máy đàn áp nhân phẩm công nhân. Tự lãng công, bãi công. Rủ nhau rút tiền hàng loạt ra khỏi ngân hàng nhà nước. Từ chối trả nợ, trả lãi xuất; từ chối đóng thuế; từ chối đóng các lệ phí hành chánh cho những thủ tục phục vụ người dân…
Những hình thức phản kháng này tuy đã có xuất hiện ở Việt Nam, nhưng chưa mang tính đồng loạt với số đông hoặc lâu bền, có tổ chức.
Riêng về bất hợp tác chính trị thì trong thời gian qua nhiều cá nhân và đoàn thể xã hội dân sự đã và đang tiến hành, như công khai đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN thực thi các quyền tự do của con người, từ chối lệnh tập trung hay trình diện tổ dân phố, trụ sở công an, từ chối hợp tác với các cơ quan điều tra của nhà nước…
Hiện nay Quốc hội CSVN đang cho tham khảo ý kiến về ba dự án luật: luật về Hội, luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về biểu tình, và sẽ phải thông qua trong thời gian tới. Lý do chế độ phải xem xét việc đưa ra các luật này là vì áp lực tranh đấu của người dân đòi hỏi những quyền căn bản, song song với sự vận động thêm áp lực của quốc tế lên chế độ.
CSVN mong muốn đưa ra nhiều điều khoản luật khắt khe, để ràng buộc quyền con người trong các dự luật này. Nhưng sự kiện Hà Nội phải thể chế hóa thành luật những quyền cơ bản của người dân nói trên, đã trở thành cơ hội cho người trong nước khai thác thành những chiến thuật bất hợp tác về chính trị.
Nói cách khác, khi CSVN buộc phải thể chế hóa thành luật những điều mà trước đây họ cố tình lập lờ để áp dụng tùy tiện, thì nay sẽ là những luận chứng để cho phong trào dân chủ đặt vấn đề, và kêu gọi tẩy chay, nếu Hà Nội tiếp tục dùng “luật rừng”.
SBTN: Làm cách nào để các cuộc ĐTBBĐ có thể có đông người tham gia hơn hiện nay? Thí dụ như cuộc biểu tình của công dân Po Yuen lên đến 90,000, nhưng đó chỉ là tự phát, không do một tổ chức tập hợp lại?
Lý Thái Hùng: Trong bất cứ cuộc đấu tranh bất bạo động nào – để thành công – đều phải có số đông áp đảo. Nhưng số đông này không thể trở thành một khối sức mạnh có quy củ, có thể làm tê liệt sự vận hành xã hội trong một thời gian ngắn nếu không có hai điều kiện sau đây:
Thứ nhất là phải có một lực đầu tàu. Hay nói cách khác là phải có một thành phần lãnh đạo can đảm và kiên quyết, để điều hướng phong trào đạt đến mục tiêu sau cùng là xóa bỏ độc tài, xây dựng tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Thứ hai là phải có một khối quần chúng cơ hữu luôn luôn sát cánh trong mọi nỗ lực vận động, thì mới tạo được chất men để kêu gọi số đông tham gia trong những giờ phút cao điểm.
Thật ra cuộc đình công của công nhân Po Yuen có sự tổ chức. Nhưng họ chỉ nhằm vào một yêu sách duy nhất là bãi bỏ điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội, vì công nhân không muốn chờ hưu mới lãnh tiền bảo hiểm sau khi nghỉ việc.
Vì thế, để có số đông, ngoài thông điệp kêu gọi, phong trào phải quy tụ một số cán bộ có khả năng vận động quần chúng. Các cán bộ này phải nắm vững kỹ thuật tổ chức và huy động quần chúng, để giữ được số đông tại một vị trí nhất định, từ đó làm trung tâm điểm thu hút số người tham gia ngày một đông đảo.
SBTN: Những điểm nào các nhà đấu tranh trong nước cần lưu ý, cải thiện để nâng cao hiệu quả của phong trào ĐTBBĐ tại Việt Nam là gì trong thời gian tới?
Lý Thái Hùng: Trước khi trình bày ý kiến về câu hỏi rất thực tế này, tôi muốn chia xẻ về bốn bước mà bất cứ phong trào đấu tranh bất bạo đông nào cũng phải trải qua – từ lúc khởi đầu cho đến lúc thành công – mà Tiến sĩ Gene Sharp đã nghiên cứu và đúc kết:
1/ Tăng cường sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức bằng chính sự quyết tâm, niềm tin, và những cách thức phản kháng. Tức là thời kỳ giúp chính những cá nhân bị áp bức can đảm vượt qua sợ hãi, đứng lên phản đối chế độ.
2/ Tăng cường sức mạnh của những đoàn thể, tổ chức, hay các nhóm nằm ngoài khuôn khổ kiểm soát của chế độ bằng những nỗ lực liên kết các hành động phản đối tập thể… Tức là thời kỳ giúp pháp triển những tổ chức xã hội dân sự.
3/ Xây dựng một lực đầu tàu, đủ tiềm năng đại diện cho mọi khuynh hướng phản kháng, từ đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, lực luợng tôn giáo, chính trị, công đoàn …, với sự xuất hiện liên minh chính trị đối lập.
4/ Khai triển một chiến lược tổng thể sáng suốt, thực tiễn và linh động để từng bước dồn chế độ độc tài vào thế suy yếu và mất dần quyền lực độc tôn, trong sự lớn mạnh của lực lượng dân chủ.
Dựa vào những bước tiến của phong trào dân chủ nói trên, lực lượng dân chủ tại Việt Nam đã bước qua giai đoạn thứ 2 (thời kỳ đánh dấu sự xuất hiện của các đoàn thể xã hội dân sự), để chuyển qua giai đoạn thứ 3 (hình thành một lực đầu tàu để lãnh đạo phong trào dân chủ Việt Nam).
Nói cách khác, để nâng cao hiệu quả của phong trào đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam trong thời gian tới, cần phải tiến hành gấp rút là hình thành một lực đầu tàu để lãnh đạo phong trào, và điều hướng các chống đối của quần chúng một cách đồng bộ, thiết thực.
SBTN: Như vậy thì sự kết hợp một lực đầu tàu hay liên minh chính trị đối lập sẽ diễn ra như thế nào trong trường hợp Việt Nam?
Lý Thái Hùng: Hiện nay thì nhiều đoàn thể và lực lượng chính trị đã và đang có những liên lạc, trao đổi cũng như hợp tác trên một số công tác đấu tranh khác nhau. Tuy chưa minh danh, nhưng đó là những chỉ dấu của sự kết hợp.
Khi áp lực phản kháng lớn mạnh, phong trào dân chủ bước vào thời kỳ công khai trực diện, đẩy cho không gian chính trị tại Việt Nam vượt ra khỏi tầm kiềm chế của CSVN, đó là lúc những sự kết hợp hiện nay sẽ biến thể thành những liên minh chính trị.
SBTN: Xin cảm ơn ông!