2. Phổ quát hay đặc thù: Niềm tin lập quốc của Hoa Kỳ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm. Từ đó người Mỹ tin vào những giá trị phổ quát như tự do và dân chủ, nên được áp dụng mọi nơi. Người Trung Quốc, ngược lại, là theo chủ nghĩa đặc thù. Họ tin rằng cái gì phù hợp cho Trung Quốc không nhất thiết phù hợp cho thế giới và ngược lại. Khác biệt trong sự suy nghĩ này tạo cơ sở cho hai hướng tương phản khi giải quyết các xung đột trên thế giới và việc bảo vệ nhân quyền.
3. Ý thức hệ hay dân tộc tính: Quốc gia Hoa Kỳ được dựng lên dựa vào những quan niệm căn bản trong Tuyên Ngôn Độc Lập và bản Hiến Pháp. Hàng triệu người di dân trở thành người Mỹ khi định cư tại Hoa Kỳ và ôm lấy những quan niệm đó. Ngược lại Trung Quốc có cái nhìn dựa nhiều vào dân tộc tính khi nói đến việc như thế nào là một người Trung Quốc. Nếu tôi dọn qua Mỹ ở, tôi có thể trở thành “người Mỹ” khá lẹ làng và con tôi chắc chắn sẽ trở thành dân Mỹ. Nhưng nếu dọn qua Trung Quốc ở sẽ không làm cho tôi và con tôi trở thành người Trung Quốc. Vì thế người Trung Quốc và người Mỹ có những giả thiết khác biệt về các ý niệm cốt yếu như quốc gia, quốc tịch, di dân.
4. Cá nhân hay cộng đồng: Giới lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh về quyền của các cá nhân. Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh về lợi ích tập thể. Khác biệt giữa cá nhân chủ nghĩa của Mỹ và tính cộng đồng của Trung Quốc thẩm thấu vào thái độ ứng xử đối với nhà nước. Ở Mỹ, ý niệm cho rằng cá nhân cần được bảo vệ chống lại một nhà nước quá mạnh được viết vào hiến pháp và luôn được nhắc đến trong các luận cứ chính trị. Bên Trung Quốc thì thường cho rằng một nhà nước mạnh là điều bảo đảm để giữ ổn định tránh nội chiến và đổ máu. Nhiều người Mỹ cho rằng lập luận đó chỉ đơn thuần phản ánh quyền lợi riêng của đảng Cộng sản. Tuy nhiên điều đó thật sự có gốc rễ lịch sử sâu xa. Người Mỹ có thể truy ngược lại việc nhấn mạnh về quyền cá nhân đến Cuộc Chiến Độc Lập hồi thế kỷ thứ 18. Trong khi đó để nhấn mạnh nhu cầu có một nhà nước mạnh, giới lãnh đạo Trung Quốc thường nhắc đến thời “Chiến Quốc” bắt đầu từ năm 476 trước Công Nguyên.
5. Quyền hạn hay thứ bậc: Khác biệt quan điểm về nhà nước dẫn đến cái nhìn tương phản về giềng mối xã hội. Người Mỹ nhấn mạnh đến quyền cá nhân và luật pháp. Trong khi Trung Quốc gần đây cũng hay nói đến nhu cầu củng cố “pháp quyền”, thì đảng Cộng Sản cùng lúc cổ xúy truyền thống Khổng giáo, trong đó nhấn mạnh đến thứ bậc và nghĩa vụ, cần thiết để giữ tôn ti trật tự cho xã hội. Một lần nữa điều này có ngụ ý cho lãnh vực ngoại giao – vì nó ảnh hưởng đến quan điểm của Trung Quốc về quan hệ thích đáng giữa các nước lớn, như Trung Quốc, và các nước láng giềng nhỏ.
Kích cỡ của Trung Quốc luôn ảnh hưởng đến cách nhìn ra thế giới bên ngoài. Ở đây có điểm tương đồng với Hoa Kỳ. Cả hai quốc gia đều có tâm tính trung tâm thiên hạ. Ý niệm trung tâm của thiên hạ có gốc rễ lịch sử cổ xưa của Trung Quốc. Một sử gia mô tả là “niềm tin mãnh liệt của người Trung Quốc xem rằng xứ của họ là trung tâm của thiên hạ”. Niềm tin này bị lung lay bởi ‘thế kỷ ô nhục” bắt đầu từ 1840 khi các đế quốc Âu châu và Nhật Bản đánh bại nhà Thanh. Nhưng một quốc gia Trung Quốc trổi dậy gần đây bị xem là trở lại tâm tính Trung Tâm Thiên Hạ, nhất là về cách đối xử với các quốc gia Á châu khác.
Hoa Kỳ thì đã quen với vai trò cường quốc duy nhất trên thế giới. Chính sách ngoại giao của Mỹ vẫn dựa trên niềm tin rằng Hoa Kỳ là “sức mạnh không thể thiếu” để giữ ổn định toàn cầu. Các Tổng thống Hoa Kỳ, cũng như các Hoàng đế Trung Quốc ngày xưa, đã quen tiếp nhận các quà “triều cống” quý giá từ khách nước ngoài.
Điều an ủi là tìm được ít ra một điểm giống nhau giữa hai nước. Điều lo ngại là khi cả hai nước đều xem mình là Trung Tâm Thiên Hạ thì chỉ có thể một người đúng.
Hoàng Thuyên lược dịch