Trong buổi hội thảo với chủ đề “Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi Việt Nam”, các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội đã nêu lên nhiều khó khăn và thuận lợi của ngành chăn nuôi, cũng như những góc nhìn mới trước khi Việt Nam tham gia TPP và AEC.
Theo bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR), sau khi tham gia TPP và AEC, ngành chăn nuôi sẽ là ngành chịu nhiều tổn thất, vốn bị xem là không có thế mạnh để cạnh tranh.
Nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay còn chưa phát triển, sản xuất nhỏ lẻ; lệ thuộc vào nhập khẩu thức ăn gia súc; nhiều dịch bệnh, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém; liên kết sản xuất – tiêu thụ còn lỏng lẻo. Chính những điều này khiến cho năng suất của ngành thấp, sức cạnh tranh kém và yếu thế trong thương mại.
Nhóm nghiên cứu của VEPR và các chuyên gia, đại diện các hiệp hội đều có chung quan điểm rằng, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về vốn, về đất đai và đặc biệt nhất là chính sách.
Hiện tại, mức lãi suất cho vay tại Việt Nam là 11-12%/năm – được xem là cao, gây khó cho nền kinh tế nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Doanh nghiệp và người nông dân thiếu vốn nhưng khó tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, chế độ sở hữu đất đai tại Việt Nam là rào cản hết sức quan trọng. Người nông dân bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp, dẫn đến thiếu đất cho chăn nuôi đại gia súc, cũng như trồng cỏ nguyên liệu. Trong khi đó các khu công nghiệp sử dụng không hết đất. Ý kiến phải thay đổi chế độ sở hữu, quản lý đất đai cũng được nhiều chuyên gia nhắc tới trong cuộc hội thảo.