Công nhân Việt Nam đang khổ sở trăm bề
Với mức lương rất thấp như hiện nay, nhiều công nhân phải chắt chiu từng đồng, chắt chiu từng mớ rau, chút mắm, từng chút điện để có thể đủ sống. Một phụ nữ làm việc tại Đà Nẵng cho biết chị đang lãnh mức lương tối thiểu gần 3 triệu đồng một tháng, làm tăng ca một giờ một ngày, nhưng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, số tiền chị đem về chỉ đủ tiền mua sữa cho con, gởi con, thuê nhà trọ. Mua chiếc áo mới cho con cũng là mơ ước rất lớn của chị. Một nữ công nhân khác cho biết ngoài giờ làm việc cho công ty, chị phải đi làm thêm ban đêm mới đủ tiền mua quần áo, sách vở, đóng học phí cho con.
Trong lúc cần phải hội nhập vào nền kinh tế thế giới, và nâng cao mức cạnh tranh, CSVN đã không nâng cao được khả năng của người công nhân. Trong khi lao động chân tay dư thừa, lao động trí óc trung cấp và cao cấp thiếu hụt. Tuy nhiên, những người có khả năng kỹ thuật cao cũng phải tìm việc làm ở các công ty ngoại quốc mới có mức lương xứng đáng.
Phân tích về thực trạng lao động Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho biết khi GDP Việt Nam tăng 1% thì công việc làm chỉ tăng được 0,28%. Điều này rõ rệt cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa đem lại được nhiều lợi ích cho người lao động.
Hiện cả nước còn 50% công nhân làm việc trong lãnh vực nông nghiệp, đều này cho thấy rằng Việt Nam vẫn còn là một nước kém phát triển. Một nhà kinh tế khác nói rằng nếu đồng lương tối thiểu của công nhân chỉ chạy theo nhu cầu sống tối thiểu, thì không bao giờ người công nhân Việt Nam có thể có đời sống sung túc.
Ấn Độ vẫn tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông
Tập Đoàn Dầu Khí của Ấn Độ (ONGC), loan báo, Việt Nam đã chấp thuận gia hạn cho họ thăm dò dầu khí tại lô 128 thêm một năm nữa.
Today Online – một tờ báo điện tử của Ấn tiết lộ, việc ONGC đề nghị Việt Nam gia hạn thăm dò dầu khí tại lô 128 vốn đã được chính phủ Ấn chấp thuận. Sự chấp thuận đó nhằm khẳng định Ấn có các lợi ích thương mại tại vùng biển vốn đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung cộng. Đồng thời cho thấy, Ấn đang cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở châu Á, phủ nhận yêu sách về chủ quyền của TC tại Biển Đông.
Cũng vào cuối tuần vừa qua, TC tiếp tục cảnh cáo Ấn không nên tiến hành bất cứ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên TC cảnh cáo Ấn và ONGC. Đây cũng không phải lần đầu tiên Ấn và ONGC tỏ ra không màng đến những cảnh cáo kiểu đó.
Trong quá khứ, TC đã vài lần tỏ ra hết sức giận dữ trước quan hệ hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn. Hồi 2011, TC đã từng gọi các dự án hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn là “phi pháp” vì “xâm phạm chủ quyền của TC ở Biển Đông.”
Giữa năm 2013, TC phát thông báo mời các tập đoàn dầu khí quốc tế tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí ở Biển Đông. Một phần của một trong chín lô được TC mời chào nằm trong phạm vi một lô mà Việt Nam đã giao cho ONGC.
Sài Gòn: Số người trẻ bị đột quỵ tăng nhanh
Tin cho biết, tại các BV ở Sài Gòn như Nhân Dân 115, Chợ Rẫy, Đại Học Y Dược, Quốc Tế Phúc An Khang… những ngày gần đây, số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, nhập viện dồn dập. Riêng BV Nhân Dân 115 lúc nào cũng quá tải những ca bệnh loại này.
Chỉ riêng Trung Tâm Cấp Cứu và Can Thiệp Đột Quỵ Quốc Tế, trong 3 tháng gần đây, đã tiếp nhận cấp cứu hơn 120 trường hợp đột quỵ, trong đó 50% là những người trẻ.
Khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não của BV chỉ 130 giường nhưng hiện có từ 160-170 bệnh nhân nằm điều trị, chưa kể trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 30 ca trở lên.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh Lý Mạch Máu Não BV Nhân Dân 115, cảnh báo rằng: “Đáng lưu ý là số người trẻ đột quỵ gần đây gia tăng, chiếm từ 10%-15% tổng số bệnh nhân điều trị,”
Ông Trần Chí Cường, chủ tịch Hội Can Thiệp Thần Kinh Sài Gòn cho biết, điều đáng báo động là hiện tượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ. Trong số những bệnh nhân mà ông xử trí, không ít người ở độ tuổi từ 35 đến 40, thậm chí có cả người từ 18 đến 22 tuổi. Hiện nay, tỉ lệ chết do đột quỵ ở Việt Nam khá cao chiếm khoảng 30%-40%, trong khi thế giới chỉ khoảng 20%.