Một bản thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng mới cho biết tổng số nợ xấu của 13 ngân hàng tăng mạnh 21,2%, trong đó đáng chú ý, số nợ khả năng mất vốn ngày càng đột biến, lên tới 23.850 tỷ đồng chiếm 50,6% tổng số nợ xấu.
Về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14%. Trong đó, 13 ngân hàng đang “ôm” 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu.
Đáng chú ý là các ngân hàng TMCP nhà nước như BIDV, Vietcombank và Vietinbank luôn đứng đầu về số nợ xấu xét theo số tuyệt đối.
Tuy nhiên, những con số trên mới chỉ là số báo cáo ‘trong luồng’ của các ngân hàng, và được một vài tờ báo mô tả là ‘không còn sự khác biệt đáng kể giữa số liệu của ngân hàng thương mại và Ngân hàng nhà nước’.
Trong khi trước đó vào năm 2013, chính ông Lê Xuân Nghĩa – lúc đó là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, một chuyên gia ‘phản biện trung thành’ và được coi là người luôn ủng hộ các hành động của Ngân hàng nhà nước – đã phải tiết lộ là ngay cả Ngân hàng nhà nước cũng không nắm được số liệu tài chính thực của các ngân hàng thương mại.
Nợ xấu chồng chất là án tử cho thị trường tài chính và nền kinh tế VN. Chỉ đến cuối năm 2014, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013 lên đến khoảng 500.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 25 tỷ USD), trong khi vào thời điểm năm 2013, Ngân hàng nhà nước chỉ công bố ‘láo’ con số nợ xấu vào khoảng 150.000 tỷ đồng.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 của các ngân hàng về tình hình nợ xấu lại cho thấy đã chưa có một ‘phép màu’ nào xảy ra với sự nghiệp ‘xử lý nợ xấu’. Nếu Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) được lập ra từ năm 2013 nhưng cho tới nay đã chỉ làm được một việc duy nhất là ‘ôm’ lại nợ xấu vơi giá rẻ mạt từ các ngân hàng thương mại, hơn 500 hồ sơ mà VAMC chào bán nợ xấu cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn chưa hề có hồi âm.
Hiện tượng hàng loạt ngân hàng thương mại bị Ngân hàng nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và bị mua với giá 0 đồng từ năm 2014 đến nay như Đại Dương, Xây Dựng, GP và gần nhất là Đông Á càng cho thấy Ngân hàng nhà nước đang bế tắc trong việc bít vá những lỗ rò lớn trong hệ thống tài chính, trong khi ngân sách không phải là thùng không đáy để có thể trám cho phần lớn các ngân hàng rơi vào tình cảnh thua lỗ và có thể phá sản.