Để đối phó với tình trạng thị trường chứng khoán của minh bị tuột giá thê thảm, chính quyền Trung cộng vào ngày 26.8.2015 đã lại dùng đến vũ khí lãi suất và thanh khoản. Lần thứ hai trong vỏn vẹn hai tháng, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm các lãi suất chủ chốt của mình, đồng thời nới lỏng việc cung ứng tiền mặt cho các ngân hàng.
Các biện pháp này không chỉ nhằm thúc đẩy sự lưu thông của thanh khoản tại Trung Quốc, mà còn nhắm mục tiêu chính trị là khôi phục niềm tin vào khả năng Bắc Kinh lèo lái nền kinh tế, tránh khỏi tình trạng hạ cánh thô bạo, đồng thời duy trì được chỉ tiêu tăng trưởng dự trù.
Hôm 27.8.2015, Ngân hàng trung ương của Trung cộng cũng hạ thêm tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ, xuống đến mức thấp nhất từ bốn năm nay, không đầy ba tuần sau quyết định phá giá đột ngột hôm 11.08, một động thái được cho là nhằm cứu nguy nền xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung.
Vào trưa cùng ngày 27.08, các thị trường châu Âu và Châu Á đã vươn lên trở lại sau nhiều ngày đen tối. Tín hiệu tích cực tuy nhiên không đến từ Trung Quốc, nơi xuất phát cơn chấn động vừa qua, mà lại đến từ Wall Street, đã khôi phục sinh khí vào hôm qua, sau sáu ngày lao đao. Cho dù vây, các chuyên gia phân tích đều cảnh cáo rằng bóng ma của tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vẫn ám ảnh tương lai.
Tình trạng trồi sụt thất thường của thị trường chứng khoán Thượng Hải buộc chính quyền Trung cộng phải mạnh tay can thiệp, kể cả việc tung tiền ra mua lại cổ phiếu trên thị trường để giữ giá đã khiến giới đầu tư nhận thức rõ là mức giá cao ngất ngưởng của các công ty được niêm yết ở thị trường này không phản ánh được giá trị thực của các công ty này, vốn thấp hơn rất nhiều. Cảm nhận về trị giá giả tạo đó sẽ không trấn an được giới đầu tư, khiến cho tình hình thêm bất ổn.