Đây là lý do tại sao phải có ngay một Quy Tắc Hành Xử tại Biển Đông

Bonnie S. Glaser

- Quảng Cáo -

11/8/2015

Trong một buổi họp gần đây tại Kuala Lumpur, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục các quốc gia trong vùng về ý muốn hoà bình của họ và lái sự chú ý của các quốc gia này khỏi những hành động đang tạo bất ổn ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trao đổi với các ký giả, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh đã ngừng việc bồi đắp các đảo nhân tạo. Ông Vương nói: “Trung Quốc đã ngưng rồi. Quý vị bay ra đó xem thì sẽ biết”.

Nhưng ông Vương không đả động gì tới một số hành động xây dựng và quân sự hoá trên đảo.

Một phi đạo dài 10.000 feet đã sắp được hoàn tất trên bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và theo Tư Lệnh Vùng Thái Bình Dương Harry Harris, thì dường như Trung Quốc đang xây những nhà chứa những chiến đấu cơ. Các hình chụp bằng vệ tinh cũng cho thấy là Trung Quốc có thể đang sửa soạn để xây một phi đạo thứ nhì trên rạn san hô Subi (Subi Reef) ở gần đấy. Các trạm ra-đa tiền báo, các trại lính, bãi đậu trực thăng, và các đài quan sát và các cảng đủ lớn để đón xe tăng và bộ binh đã được dựng lên.

- Quảng Cáo -

Những nhận định của ông Vương Nghị được đưa ra đúng vào thời điểm đang diễn ra một chuỗi những buổi họp cấp cao tại Mã Lai trong tuần này do Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức, gồm có Diễn Đàn Vùng ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Bộ Trưởng Ngoại Giao Các Quốc gia Đông Á Châu có Hoa Kỳ tham dự. Áp lực đang gia tăng đòi hỏi Trung Quốc phải tự chế và tham gia vào việc đối thoại với thực tâm làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Tại Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La vào Tháng 6, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter đã kêu gọi “ngưng tức khắc và lâu dài việc đòi chủ quyền đất đai từ mọi phiá” và ngừng quân sự hoá hơn nữa các tranh chấp.

Đầu tuần này, Tổng Thư Ký ASEAN là Lê Lương Minh đã chỉ trích Bắc Kinh về việc “làm sói mòn sự tin tưởng giữa ASEAN và Trung Quốc” qua các hành động cải tạo đất đảo, cấm đánh bắt cá bất hợp pháp cũng như sách nhiễu ngư dân”.

Bất kể việc Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi ASEAN không đem vấn đề tranh chấp đất đảo ra bàn thảo tại Phiên Họp Thường Niên các Bộ Trưởng Ngoại Giao với sự tham dự của 10 quốc gia Đông Nam Á của ASEAN, Thủ Tướng Mã Lai là ông Najib Razak, người chủ trì các cuộc họp năm nay, đã tuyên bố công khai là đây là lúc mà ASEAN phải “đóng vai trò tích cực hơn” trong việc quản trị những tranh chấp chồng lên nhau và bảo đảm an ninh trong khu vực.

Hiểu được sự lo lắng đang gia tăng liên quan đến việc họ bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông, nên trước những cuộc họp tuần này Trung Quốc đã muốn chứng tỏ thiện chí hợp tác với các đối tác trong vùng qua việc đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa các bộ trưởng ngoại giao để đáp ứng với những trường hợp khẩn cấp trên biển. Tuy nhiên, hiệu quả của những đường dây nóng này đáng nghi ngờ vì các lực lượng hải giám, hải quân, và dân quân biển không do các bộ ngoại giao quản trị. Hơn thế nữa, ai cũng biết là trong cơ chế của Trung Quốc thì bộ ngoại giao rất yếu và rất hiếm khi được giao trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng. Một nhóm đặc trách về quyền lợi trên biển do Tập Cận Bình cầm đầu có quyền hơn nhiều.

Quan trọng hơn nữa, điều cần phải có thật gấp là một Quy Tắc Hành Xử (CoC) để thay thế Tuyên Bố Về Cách Hành Xử của Mọi Phiá Trên Biển Đông (DoC) có tính cách tự nguyện vào năm 2002. Trong các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và ASEAN trong tuần này, Bắc Kinh đã lại đồng ý tăng tốc việc tham khảo liên quan đến CoC, tuy nhiên, trên thực tế nhiều phần là họ sẽ không làm điều đó, hay ít nhất là cũng phải đến khi họ đã hoàn tất kế hoạch đã gần đáo hạn, có thể bao gồm việc thiết lập một Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) trên Biển Đông và tạo dựng cơ cấu hạ tầng để củng cố nó.

Trung Quốc tỏ ra ngày càng không thoải mái với tình trạng bị phản đối đồng loạt về những hành động của họ ở Biển Đông ngày một gia tăng. Việc Bắc Kinh đồng ý thiết lập đường dây điện thoại nóng và tăng tốc việc thảo luận CoC cho thấy là Trung Quốc đã nhận ra là hành vi của họ đang gây sự quan ngại nơi những nước láng giềng của họ lớn hơn là họ chờ đợi. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì sức kháng cự chưa đủ mạnh để thay đổi những tính toán của Trung Quốc, theo đó về đường dài các quốc gia Đông Nam Á sẽ bó buộc phải thích nghi với quyền lợi của Trung Quốc trên Biển Đông. Vì vậy, cần có nỗ lực lớn hơn nữa để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một giải pháp dung hoà thực sự đặt trọng tâm vào việc tranh cãi ôn hoà và tôn trọng quyền lợi của mọi phiá bất kể lớn nhỏ hay khả năng quân sự. Để đạt được mục tiêu này ASEAN cần phải đúc kết một CoC có tính cách bắt buộc trước cuối năm 2015 bao gồm những biện pháp để giảm thiểu nguy cơ và một tiến trình giải quyết các tranh chấp. Nếu Trung Quốc không sẵn sàng làm việc đó, thì chính ASEAN hay một nhóm những quốc gia nào trong ASEAN đồng ý với nhau, cứ việc tiến hành đơn phương. Và Hoa Kỳ cần phải làm hết sức mình để giúp củng cố sự nhất trí này.

Hoàng Trường lược dịch

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here