Vào giờ đóng cửa hôm 26/08/2015, chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải lại sụt tiếp 1,27%, sau khi đã mất đến 7,63% trong ngày 25/08, và 8,49% hôm thứ Hai. Quyết định của Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chỉ đạo xuống còn 4,6%, cũng không đủ để giảm bớt nỗi lo lắng trên thị trường.
Các nhà đầu tư hoảng loạn và yêu cầu Nhà nước phải can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường đặc biệt này, nơi có tới 90% các nhà đầu tư chứng khoán là cá nhân. Được chính phủ khuyến khích, hàng triệu nhà đầu tư nhỏ đã thử vận may trong chứng khoán. Phần đông trong số họ là người nghỉ hưu và muốn tìm chút lợi lộc nhờ đầu tư vào cổ phiếu với những khoản tiền lương hưu ít ỏi.
Một điểm chung mà giới truyền thông nói về cuộc khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc là hình ảnh những khuôn mặt hoảng loạn hay tuyệt vọng không rời màn hình.
Hiện tượng sụt giảm mạnh hiện nay đã được dự báo trước từ nhiều năm nay và phản ánh rõ nét sự tăng trưởng bất cân bằng. Một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng và Thông tin quốc tế (CEPII) nhận định rằng từ giai đoạn phát triển dễ dàng nhờ các quỹ đầu tư lớn và công nghiệp hóa được thúc đẩy mạnh, Trung Quốc hiện đang rơi vào giai đoạn phức tạp hơn. Và nền kinh tế thứ hai của thế giới khó lòng mà duy trì được tốc độ tăng trưởng trước đây.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8% từ đầu năm nay. Về mặt tài chính, các thị trường cổ phiếu sụp đổ và sẽ còn làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ và đầu tư, khiến các nhà đầu tư không dám chuốc lấy rủi ro.
Cho tới hiện nay, cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu trên thị trường chứng khoán, nhưng hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng như hồi năm 2008, vì mất lòng tin nên không ai hay tổ chức nào muốn cho vay tiền. Như vậy, nó sẽ lập lại vết của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và những nước đang phát triển sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Cách đây 7 năm, cuộc khủng hoảng xảy ra tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Hoa Kỳ, giờ nó tác động tới một trong những lá phổi là Trung Quốc.