Bảy mươi năm sau khi Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử đầu tiên trong chiến tranh xuống Nhật Bản, có 9 quốc gia đang có cả thảy 16.000 vũ khí hạt nhân.
Vào đúng 8:15 sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, giờ Nhật Bản, máy bay B-29 của không quân Hoa Kỳ mang tên Enola Gay bay qua thành phố Hiroshima và thả trái bom nguyên tử có biệt danh là “Little Boy” (Thằng bé nhỏ). Ba ngày sau, Hoa Kỳ thả một trái bom nguyên tử lớn hơn nữa mang tên “Fat Man” (Thằng Mập) lên thành phố Nagasaki. Có ít nhất 100.000 người chết tức khắc tại hai thành phố này. Nhật Bản đầu hàng trong vòng tuần lễ đó.
Cột khói sau khi bom nguyên tử nổ ở thành phố Hiroshima. Hình AP
Những sự kiện này kết tủa một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong bảy thập niên vừa qua. Cho đến hôm nay hiện trạng như sau:
Có bao nhiêu vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện nay?
Có khoảng gần 16.000 vũ khí hạt nhân hiện nay, 90 phần trầm là của Hoa Kỳ và Nga. Con số này có vẻ nhiều, nhưng nó ít hơn hồi cao điểm của Chiến Tranh Lạnh vào năm 1986, lúc đó có hơn 60.000. Số lượng vũ khí đi xuống nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới quảnh mặt với vũ khí hạt nhân đâu.
Tổng thống Obamba tuyên bố lạc quan vào tháng 4/2009 là ông sẽ hướng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thế mà chính quyền Hoa Kỳ dự tính chi 348 tỉ đô-la cho kho vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới.
Cột khói hình nấm của lần thử nghiệm bom khinh khí đầu tiên. Hình chụp từ đảo san hô Enewetak vùng Thái Bình Dương năm 1952. Hình Reuters.
Mặc dầu con số vũ khí có giảm nhưng sức công phá thì mạnh hơn nhiều so với trái bom năm 1945. Đầu đạn nguyên tử dùng ở Hiroshima và Nagasaki là 15 kiloton, trong khi đó vũ khí nhỏ nhất trong kho của Hoa Kỳ và Nga ngày hôm nay là 100 kitonton.
Mối nguy hiểm của Chiến Tranh Lạnh vẫn còn đây. Số lượng vũ khí đi xuống nhưng số lượng đầu đạn nguyên tử có khả năng bay đến đích trong vòng 20 phút thì vẫn còn nguyên đó.
Ngoài Hoa Kỳ và Nga còn ai có vũ khí hạt nhân?
Chín quốc gia được biết hoặc tin rằng có vũ khí hạt nhân là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Do Thái và Bắc Hàn.
Đồng minh của Hoa Kỳ là Anh và Pháp thì đã giảm trong kho dự trữ xuống còn vài trăm. Anh và một số quốc gia khác như Đức, Hy Lạp, Ý, Hòa Lan và Thổ Nhỉ Kỳ cho phép Hoa Kỳ chứa bom nguyên tử ở căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ.
Ấn Độ và Pakistan là hai địch thủ đụng độ nhau qua bốn cuộc chiến và nhiều cuộc tranh chấp biên giới khác kể từ khi phân chia lãnh thổ năm 1947. Mỗi quốc gia có khoảng 100 vũ khí hạt nhân. Người ta tin rằng với lượng vũ khí như thế thay vì leo thang tranh chấp thì hai quốc gia này sẽ không thể có chiến tranh bùng nổ được. Với những rủi ro và hiểm nguy có thể xảy ra, đôi bên đều ngần ngại để leo thang những đụng độ nho nhỏ ở biên giới.
Một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Nga, hạng Typhoon (Akula), trong vùng biển Barents, ven biển Bắc Cực. Hình chụp năm 2001. Nguồn: Dmitry Lovetsky / AP
Do Thái thì có chính sách là không đề cập đến vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng giới quan sát đánh giá là Do Thái có khoảng 80 đầu đạn nguyên tử.
Còn Bắc Hàn thì có dưới 10 đầu đạn. Tuy Bắc Hàn ăn nói hung hãn nhưng lại chưa có khả năng để phóng hỏa tiễn tầm xa.
Các cường quốc có nỗ lực để giải giới vũ khí hạt nhân?
Trên nguyên tắc là có.
Hầu như tất cả các quốc gia trên địa cầu đều ký vào Hiệp Ước Không Phổ Biến Hạt Nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty, viết tắt là NPT). Hiệp ước này hình thành năm 1970 với mục tiêu ngăn ngừa sự lan rộng của vũ khí hạt nhân quanh thế giới.
Hiệp ước ban quy chế đặc biệt cho các quốc gia đầu tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – có nghĩa là họ được phép giữ bom của họ trong khi tìm cách loại bỏ dần. Tất cả các quốc gia khác hứa sẽ không làm hoặc mua bom nguyên tử.
Hỏa tiễn liên lục địa RS-24 Yars/SS-27 Mod 2 của Nga trong buổi diễn binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng tại Quảng trường Đỏ, Moscow. Hình RIA Novosti via Reuters
Tuy nhiên Ấn Độ, Pakistan, Do Thái và Bắc Hàn từ chối không ký vào NPT. Những quốc gia này thử nghiệm vũ khí hạt nhân trễ hơn cho nên không thuộc diện có quy chế đặc biệt. Nếu ký vào hiệp ước NPT thì họ bị buộc phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Tuy hiệp ước này có bị chỉ trích là chưa hoàn hảo nó vẫn tốt hơn là không có gì hết. Vào thập niên 60 giới phân tích nghĩ là số quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ gia tăng lên hơn hai mươi. Tiên đoán này không đúng như vậy cũng nhờ hiệp ước NPT làm rào ngăn cản.
Chúng ta có an toàn hơn thời Chiến Tranh Lạnh?
Có ý kiến khác biệt về sự an toàn và sự cần thiết của loại vũ khí hạt nhân hiện đại.
Một số cho rằng kỹ thuật này có ích lợi vì nó ngăn chận không cho các cường quốc gây chiến toàn diện với nhau. Một số khác thì bảo là vì thế mà thay vào đó là những cuộc chiến ủy nhiệm như Việt Nam, Afghanistan.
Hiện nay có khoảng 4.300 vũ khí hạt nhân trong các căn cứ quân sự khắp thế giới. Khoảng phân nửa của số vũ khí của Hoa Kỳ được biết là thuộc diện “bóp cò khẩn cấp” nghĩa là chúng có thể được phóng đi trong vòng vài phút khi cần cấp. Điều này gia tăng xác suất phóng lầm hoặc phóng đi vì sự cố kỹ thuật. Đa số thì đồng ý là mối đe doạ chiến tranh tự sát giữa Nga-Mỹ đã giảm đi rất nhiều từ đầu thập niên 90.
Năm 1945 bom nguyên tử được dùng như vũ khí chiến tranh, còn ngày hôm nay chúng được dùng chính yếu làm vũ khí chính trị và chiến lược trong lúc vẫn nằm yên an toàn trong ụ phóng.
Có thể nào bom hạt nhân bị nổ vì tai nạn?
Trong thời Chiến Tranh Lại đã có một số lần xém xảy ra tai nạn.
Trước vụ khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962, Không quân Hoa Kỳ sơ ý làm rớt hai trái bom khinh khí (hydrogen) ở tiểu bang North Carolina. May mà nhờ một cái công tắc không bật lên thành ra bom không nổ.
Liên Xô cũng gặp rủi ro của họ. Năm 1983 hệ thống ra-đa báo động sớm phát hiện sai lầm là Hoa Kỳ phóng đi hỏa tiễn liên lục địa. May là nhờ một sĩ quan không quân Sô-viết khám phá ra lỗi và nhờ thế mà không phóng hoả tiễn trả đũa.
Một số người cho là mối đe dọa này không hoàn toàn suy giảm. Kho vũ khí của Hoa Kỳ và Nga vẫn còn dùng kỹ thuật thời Chiến Tranh Lạnh. Tai nạn rủi ro vẫn còn có thể xảy ra.
Còn đe dọa từ giới khủng bố và nhóm khác thì sao?
Sau sự kiện 9/11 thế giới tập trung vào việc ngăn ngừa các tổ chức vũ trang, cực đoan, khủng bố có được bom nguyên tử.
Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại trường hợp ác mộng xảy ra khi ai đó cho nổ một bom hạt nhân ở các thành phố lớn. Các cơ chế như Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (International Atomic Energy Agency hay IAEA) đóng vai trò then chốt trong việc khóa chặt các vật liệu có thể dùng làm bom hạt nhân.
Tuy nhiên có mối đe dọa mới là: an toàn mạng.
Các hệ thống kiểm soát và điều khiển cực kỳ phức tạp khiến không ai có thể đảm bảo là nó trăm phần trăm an toàn. Tấn công mạng có thể làm gián đoạn khả năng ra lệnh phóng hỏa tiễn, lừa hệ thống ra-đa tin là đang bị tấn công, hoặc nắm bắt quyền điều khiển trực tiếp một vũ khí.
Đây là vấn đề mà giới trách nhiệm của các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải lưu tâm bảo vệ và phòng chống.
Hoàng Thuyên lược dịch