Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em, Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai bố con… Con cháu Đại Việt đã nói về vị vua danh tiếng của Đại Việt như vậy đấy.
Cộng đồng bàn luận, phụ huynh sững sờ, còn giáo viên thì buồn rầu vì học trò kém lịch sử, các nhà khoa học cho rằng không nên đổ lỗi cho các em mà lỗi này do chương trình dạy sử quá xơ cứng.
Điều này có gì mới đâu, học sinh điểm 0 môn lịch sử quá nhiều, nói nhầm Nguyễn Trãi qua Nguyễn Khuyến cũng quá nhiều, chuyện Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con có chi là lạ.
Một ông hội đồng của thành phố Đà Nẵng còn nhầm tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân là lịch sử, nên cho rằng Tôn Ngộ Không bị núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đè. Vị này thậm chí còn nhầm cả về địa lý, Ngũ hành Sơn của Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn của Trung Quốc. Vị này còn muốn biến chuyện này thành truyền thuyết để thu hút du khách từ Trung Quốc sang Đà Nẵng.
Cũng có nhiều người nhầm Thánh Gióng, một nhân vật truyền thuyết là nhân vật lịch sử, thế mới đau.
Ông hội đồng cúa một thành phố mà còn như vậy, thảm họa dốt lịch sử đâu còn là chuyện riêng của học sinh. Cho nên, xử lý thảm họa này không hề đơn giản là thiết kế lại chương trình sách giáo khoa, động viên giáo viên dạy sử yêu nghề, kêu gọi “dân ta phải biết sử ta” như lời của Hồ Chủ tịch mà thay đổi nhận thức và phương pháp về tìm hiểu, tiếp nhận, truyền thụ lịch sử.
GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích: “Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều, nhận định có tính áp đặt, hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi, hoặc chính các em sẽ có những suy nghĩ phản kháng “tại sao lại phải chắc chắn là như thế?”, đâm ra chán học sử. Dù gì thì lịch sử cũng là một ngành khoa học, mà khoa học là sáng tạo và đòi hỏi sự khách quan. Vậy chúng ta đã khách quan với lịch sử chưa?”.
Trong phân tích trên, chúng ta thấy rõ hai điều : Một là dạy lịch sử theo kiểu áp đặt, hai là dạy lịch sử chưa khách quan.
Xin hãy thôi biến lịch sử thành một cuốn sách ca ngợi công trạng và công đức: ta thắng địch thua, ta giỏi địch kém ta chỉ có đúng và không bao giờ có sai lầm…
Không khách quan chính là chỗ này đây. Mà không khách quan có nghĩa là áp đặt. Ở đời chẳng ai muốn mình bị áp đặt, nhất là áp đặt về tư duy.
Con người cần biết sự thật. Cho dù sự thật đó cay đắng, tràn đầy nước mắt thì nó vẫn hơn là một bài ngợi ca nhưng không đúng sự thật. Có lịch sử nào chỉ có chiến thắng, có lịch sử nào mà chỉ có vinh quang, có lịch sử nào không chứa những sai lầm?
Hãy biết trào nước mắt trước lịch sử thì mới có cảm xúc đích thực về lịch sử.