Tin báo chí khủng khiếp đến nỗi hàng trăm còm trên mạng xã hội không dám tin vào sự thật cho dù clip hiển hiện rành rành: Bà Lê Thị Châm, 55 tuổi, thôn Hương Xá, xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương bị xe xúc cán ngang qua người (cùng với cả… cờ Tổ quốc), khi bà cùng hàng trăm người xông ra cản trở xe xúc, không cho tiếp tục thi công vì đền bù chưa thỏa đáng (TT, 10.7.2015, 14:57 GMT+7)!
Đây chắc chắn là những hình ảnh rõ ràng nhất bóc trần bộ mặt thật của những kẻ giả nhân giả nghĩa – bởi trên đời này, chẳng có ai lại “vì dân” mà dám cho xe xúc cán xích sắt qua người đàn bà gần 60 tuổi!
Biện minh rằng đó là lỗi của người lái xe, sẽ trả lời sao với dư luận khi hàng chục người dân ôm hàng chục lá cờ lăn vào trước mũi xe, xe vẫn ngang nhiên cán cả cờ và, sau đó, cả người? Có mọc cả gạc lẫn sừng đi nữa thì cũng chẳng có lái xe nào dám nghênh ngang như thế nếu không được bật đèn xanh, được bảo đảm từ sếp của kẻ bất lương – tất nhiên, sau lưng lão sếp bất lương còn có một sếp khác bất lương hơn nữa!
Báo Kiến thức vào giờ muộn buổi chiều 10.7.2015 đăng tải một thông tin đáng chú ý: Bà Lê Thị Thụy, chị gái nạn nhân cho biết: “”Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chứng kiến, khi Châm đang ở đầu máy xúc, người lái máy xúc nhảy xuống, sau đó có một đối tượng lạ mặt nhảy lên xe và điều khiển máy xúc lao thẳng về phía trước” (Kienthuc, 16:49, 10.7.2015, GMT+7). Đối tượng lạ mặt đó là ai mà mẫn cán đến thế, nếu không phải là kẻ tự tin rằng đủ khả năng đe dọa dân lành bằng bạo lực vì lâu nay được mặc định rằng họ sẽ bỏ chạy?
Biện minh rằng chính quyền vô can sao không có lệnh truy tố – bắt ngay kẻ cố ý giết người mà lại còn cho rằng sự việc chẳng có gì lắm: Ông Chủ tịch huyện Cẩm Giàng cho báo chí biết lái xe (giả mạo, theo Kiến thức đã dẫn) bị dân đánh bị thương nhẹ – rồi, người đàn bà chỉ bị thương chứ chưa chết(?) -tức là cố ý làm bớt sự nghiêm trọng của vấn đề (TT, đã dẫn). Sau khi bị xe xích cán qua đầu và ngực, may ra, chỉ có Tôn Ngộ Không mới sống sót nổi! Ý đồ của ông Chủ tịch huyện rất rõ ràng: Cả kẻ thủ ác lẫn nạn nhân của tội ác đều… nhẹ(?)
Từ nguồn tin của Kiến thức có thể hiểu rằng “người ta” muốn khởi tố tay lái xe xúc cũng rất… khó vì biết đâu kẻ dám nhảy lên xe chiếm chỗ của người lái là kẻ nhận lệnh bởi có quyền thực hiện lệnh trên?
Những kẻ thủ ác không hay rằng bợm tính không bằng trời tính: Trời, Phật, Chúa hoặc một Đấng Tối cao có tên gọi khác đã “đỡ” người đàn bà tội nghiệp bằng… một đống cát nên bà Châm bị xe xích cán qua người, bị lún xuống, nên chỉ bị thương!
Trước một tội ác như vậy, dù kẻ thủ ác có bị thương tích nặng đến mấy vẫn PHẢI KHỞI TỐ và cho cảnh sát đến canh gác ở bệnh viện. Không khởi tố có nghĩa là phạm tội ác đến hai lần.
Thời đại dân oan là một cụm từ đã có từ lâu. Dân oan nhiều đến nỗi đã trở thành… bình thường(!) Sự vô cảm của con người trước sự tàn nhẫn của những kẻ có quyền lực đã tiếp tay, xây dựng nên cái nền đế của sự trơ lỳ, hỗn xược. Chỉ xin bàn ngay vào vụ này.
Theo Thanh Niên, ngày 06.07.2015, lúc 09:20 cho biết, mức đền bù cho mỗi m2 đất lúa hai vụ là 65.000 đồng (báo Thanh Niên đưa ra số liệu không chính xác: Một sào Bắc Bộ là 360m2 chứ không phải 3.600 m2 như báo đã nêu) – có nghĩa là 23,4 triệu đồng/sào đất. Đó là mức đền bù quá thấp nếu ta hình dung cụ thể một nền nhà trung bình để xây một căn hộ cũng trung bình là 100m2 thì giá của nó tính theo mức đền bù chỉ là… 6.500.000 đồng(!) Ai biết được sau khi xây xong mỗi căn hộ sẽ có giá đất đắt hơn 100 lần hay 200 lần so với giá đền bù?
Rõ ràng, cái giá 6,5 triệu đồng đền bù cho 100m2 là giá cả của kẻ cướp nhằm chấn lột trắng trợn những người dân thấp cổ bé họng. Chẳng nói đâu xa, chỉ cần canh tác đất 2 vụ lúa trên mỗi mảnh 100m2 đó vài năm, dư sức thu lại số tiền 6,5 triệu đồng.
Cả nhà đầu tư lẫn cơ quan công quyền Hải Dương không hề biết thế nào là nghĩa của hai từ… xấu hổ; do thế, mới có sự “xuống tay” tàn nhẫn của cái lệnh “xúc dân” tàn khốc được thực hiện với cung cách bạo tàn chưa hề có trong lịch sử nước nhà!
Lẽ ra, cả chính quyền, nhà đầu tư, 115 hộ dân có thể cùng ngồi lại để tháo gỡ. Nhưng, “người ta” đã CHỌN cách đối đầu: Phải chăng muốn răn đe tất cả các vụ dân oan, án hại khác?
Sự quá đáng, trắng trợn, trơ tráo của các nhà đầu tư ỷ mạnh vì gạo, bạo vì tiền, lâu nay hiếp đáp dân chúng không hề là chuyện đơn lẻ mà là cả một hệ thống nhiều tiền lệ. Gần nhất là chuyện công ty Hoa Sen ngang nhiên cắt nguồn nước, chặn đường đi của dân trong vụ việc mới đây ở Đạ M’ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng – không khác gì cách “giết” dần mòn người cùng khổ.
Những kẻ ỷ tiền, cậy thế đã bôi trơn; đã và đang lộng hành không cần che đậy – một trong những cách thức tốt nhất để bôi xấu chính quyền; vậy mà nhiều đại diện chính quyền ở không ít địa phương vẫn như giả đui, giả điếc là điều không một lương tâm nào chịu nổi. Nếu không nghiêm trị những kẻ máu lạnh coi mạng người – cờ Tổ quốc chỉ như là mấy cái cọc cờ, miếng vải đỏ là đồng lõa với tội ác.
Dù máy xúc là của nhà đầu tư, không có bất kỳ bóng dáng của cơ quan công quyền nào trong vụ máy xúc cố tình muốn nghiến nát người dân (theo thông tin chính thức đến thời điểm này); nhưng, chính quyền phải chịu phần lớn trách nhiệm trước tội ác không thể che đậy, chẳng thể biện minh. Cố tình đánh tráo các khái niệm như lâu nay vẫn quen đường cũ càng chứng tỏ sự kém cỏi, vô lương.
Có biết bao nước mắt đã chảy, bao nhiêu nỗi hờn căm đã dâng trào đến nghẹn uất khi cái clip xe xích sắt nghiến lên người đàn bà đã phơi bày sự thật vô sỉ rành rành?
Huế, 10 – 14.7.2015