Hôm nọ đọc một bài viết “Khóc cho bóng đá, ai khóc cho ngư dân” (1), rất đáng suy nghĩ. Trong khi các thiếu niên (ngày nay báo chí cho họ một cái tên lai căng là “teen”) khóc như mưa trước những thần tượng của họ, khóc nức nở khi đội banh VN bị thua trận, thì họ chẳng hề biết đến số phận của những người đang ở đầu sóng ngọn gió ngoài Hoàng Sa – Trường Sa đánh bắt tôm cá để họ có đủ protein để khôn lớn và … khóc. Nhưng trách họ có lẽ không công bằng; phải trách cái hệ thống đã làm cho họ sao lãng và vô cảm trước nguy cơ mất biển đảo.
Mới hôm nay, báo chí đưa tin Tàu cộng lại đâm chìm tàu cá của VN (2). Lần này, chúng chẳng những tấn công mà còn cướp hải sản của ngư dân mình – đúng là bọn cướp biển. Vài hôm trước, tình hình còn nghiêm trọng hơn: chúng lại đâm chìm một tàu cá của phe ta, làm chết 1 người và gây thương tích nặng cho 3 người khác (3). Những sự kiện xảy ra một cách dồn dập, càng chứng tỏ tình hình hết sức nghiêm trọng.
Trước tình hình nghiêm trọng đó, VN làm gì ? Chỉ có thể mô tả bằng 3 chữ: Rất thất vọng. Chỉ có một cái hội nghề cá địa phương lên tiếng phản đối và “đề nghị” các lực lượng chức năng giúp đỡ và bảo vệ. Lực lượng chức năng thì chưa thấy họ có phát biểu gì. Trước đây, khi được hỏi thì một quan chức trong lực lượng kiểm ngư nói là họ không thể bảo vệ ngư dân. Còn cảnh sát biển thì trên báo chí chính thống nói là “ngày đêm bảo vệ ngư dân bám biển” (4), nhưng chẳng hiểu sao lại để ra tình trạng ngư dân ta bị tấn công với mật độ càng ngày càng dày đặc như trong mấy ngày qua. Có lẽ lực lượng cảnh sát biển của VN còn mỏng quá, có thể họ còn yếu (nên bị Tàu cộng lấn áp hoài), nhưng cũng có thể họ chẳng được lệnh can thiệp. Nhưng còn hải quân thì sao? Tại sao tàu cá của Tàu cộng khi đi đánh bắt vùng biển mình được yểm trợ bởi hải quân Tàu, mà ngư dân mình đánh bắt trên vùng biển mình mà hải quân không có mặt – dù chỉ là có mặt để dằn mặt bọn cướp biển. Nói tóm lại là có những uẩn khúc đằng sau thái độ của VN làm chúng ta, người dân, không hiểu được.
Ngư dân cho biết là “cứ ra biển cách đất liền mấy chục hải lí là gặp nhan nhản tàu cá Trung Quốc. Hải hùng nhất là cách tàu Trung Quốc đánh cá…hàng chục tàu dàn hàng ngang trên biển, cào tất tần tật cá, tôm, cua cùng các loại hải sản”, cào cả lưới của ngư dân Việt Nam” (5). Không thấy họ nói có sự can thiệp nào từ các “lực lượng chức năng” của VN. Cứ như những gì ngư dân mô tả thì họ (Tàu) vào vùng biển ta như vào chỗ không người !
Còn cấp ngoại giao và Nhà nước ? Ngoại giao thì chúng ta đã thấy và nghe những câu chữ quen thuộc của viên phát ngôn, cùng những cái chỉ tay đầy uy quyền về phía … người Việt. Không có một phát ngôn nào mới mẻ. Đáng lí ra khi một người Việt đã tử vong vì bám biển thì người cao nhất trong Chính phủ phải có một tuyên bố trước cộng đồng quốc tế về sự xâm phạm chủ quyền và hành động giết người của Tàu cộng. Vậy mà cho đến nay, chẳng có ai trong Chính phủ có phát biểu gì. Có lẽ họ xem mạng sống của ngư dân quá rẻ, và sẵn sàng dùng mạng sống người dân để mặc cả thêm trên bàn cờ chính trị với Tàu?
Sự im lặng của Chính phủ đã là ngạc nhiên, nhưng sự kiện “họp kín” của Quốc hội càng làm người dân kinh ngạc. Tại sao phải họp kín, trong khi những sự kiện đã và đang xảy ra trước mắt mọi người. Chẳng có thông tin nào phải giữ kín cả, vì phía Tàu cộng đã chơi ván bài lật ngửa. Tôi nghĩ hoài mà không giải thích được lí do họp kín. Đã mang danh là “của dân” và “vì dân” mà làm việc lại “giấu dân”. Thật là trớ trêu. Tôi nghĩ mấy người ở Trung Nam Hải nghe chuyện “họp kín” chắc họ đang mỉm cười.
Ở trên, tôi có hỏi tại sao giới trẻ VN có vẻ hờ hững, thậm chí chẳng quan tâm gì trước nguy cơ mất biển đảo. Tôi nghĩ một trong những nguyên cơ là do những người lãnh đạo. Một số người trong giới lãnh đạo VN vẫn xem Tàu là “bạn”, và họ tỏ ra rất ấm áp trước tình bạn này. Tôi nghĩ trong thâm tâm giới trẻ họ nghĩ “Lãnh đạo mình đã xem họ là bạn, thì mình đâu có lí do gì phải quan tâm là họ đe doạ đến VN”. Nhưng như tôi từng nói, nếu VN có một người bạn như Tàu cộng, thì VN không cần thêm kẻ thù.
Trong khi Tàu cộng được mô tả như là một người bạn của Việt Nam, thì trên hệ thống truyền hình và truyền thanh, văn hoá Tàu xâm nhập vào giới trẻ hàng ngày. Sự xâm nhập sâu đến nỗi có người am hiểu về lịch sử Tàu hơn là lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó là những chương trình giải trí “game show”, những trận bóng đá đâu đâu bên Tây được trình chiếu hàng ngày trên đài truyền hình. Tất cả những chiêu trò đó có hiệu quả rất tuyệt diệu là nó làm cho thanh thiếu niên VN chẳng còn quan tâm đến đất nước, mà chỉ chạy theo những thị hiếu tầm thường. Họ có thể xúc động khóc như mưa khi thần tượng của họ ghé thăm VN, nhưng họ không hề tỏ ra thương cảm hay tức tối khi ngư dân Việt Nam bị “bạn” sát hại. Phải nói là một cách ru ngủ có hệ thống.
Thiếu niên khóc cho đội banh VN bị thua trận, nhưng họ khóc trước thanh thiên bạch nhật. Chẳng hiểu các vị đại biểu Quốc hội có khóc cho ngư dân VN hay không. Tôi đoán nếu họ có khóc thì chắc cũng chỉ khóc trong kín đáo thôi. Mà, cái gì làm trong bóng tối hay làm thiếu minh bạch đều có thể xem là thiếu tự tin, nếu không muốn nói là phi chính danh.
Nguyễn Văn Tuấn
Cái thua thật sự không biết đễ khóc.
Cái thua trò chơi lại khóc như mưa