Ngày 5/6/2015, một bản Hiến chương của các nhà hoạt động vì dân chủ – nhân quyền tại Việt Nam đã ra đời. Đây có thể coi là bước ngoặt trong hoạt động đấu tranh ở quốc nội.
Bốn năm về trước, vào ngày chủ nhật 5/6/2011, tại Hà Nội và Sài Gòn, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn: Khoảng 300 người ở Hà Nội và 1000 người ở Sài Gòn đồng loạt xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm vùng biển Việt Nam. Cho đến nay, nhiều người bị công an, mật vụ theo dõi, giám sát, sách nhiễu đến vu khống, bôi nhọ, hành hung và bắt bớ tùy tiện, thậm chí bỏ tù. Tóm lại, họ bị cô lập, ngược đãi, bị coi như một thành phần thấp kém trong xã hội, chỉ bởi vì họ là “phản động”, chỉ bởi vì họ đã dám thể hiện chính kiến và lòng yêu nước trong khi chính quyền muốn họ ngoan ngoãn, suy nghĩ theo chủ trương, sống theo đường lối, “mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”.
Và ngày 5/6 năm nay, bốn năm sau cuộc biểu tình đầu tiên của mùa hè 2011 khơi mào cho phong trào đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền, một sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa lại diễn ra: Hàng chục người cùng ký tên vào một bản cam kết cùng “tương trợ và bảo vệ” nhau trước sự đàn áp, sách nhiễu của chính quyền, cũng gần như là một bản cam kết cùng dấn thân vì sự thay đổi, dân chủ hóa đất nước. Đó là bản Hiến chương 2015. Bản Hiến chương đã khái quát tình hình đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam “có nhiều chuyển biến tích cực và nhanh chóng” và cũng nhìn nhận sự trấn áp, chia rẽ từ phía chính quyền.
Bên cạnh đó, văn bản này cũng ghi nhận phạm vi vận dụng rất cụ thể “đối với những người ký tên trong Hiến chương và bị trấn áp vì các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa và đúng mục đích dân chủ, nhân quyền”. Điều này khuyến khích đông đảo giới hoạt động cùng công khai tham gia và đúng mục đích vì dân chủ – nhân quyền, bởi đây là sự bảo vệ của toàn giới đấu tranh trong nước dành cho từng cá nhân tham gia.
Hiến chương 2015 là tuyên bố đoàn kết của những người yêu nước, những người đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Hiến chương cũng là lời thách thức và tuyên bố không cúi đầu gửi đến chính quyền công an trị với lực lượng “còn Đảng còn mình” – vốn vẫn bất chấp cả công lý, nhân quyền lẫn luật pháp để bảo vệ chế độ.