Đợt hạn hán được xem là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã làm hầu hết sông, suối khô kiệt nên các hồ chứa nước vừa không có nước đổ vào vừa phải xả nước để chạy các tua bin phát điện và mực nước trong những hồ chứa nước đang giảm mạnh, xấp xỉ mực nước chết (mức nước không thể chạy các tua bin phát điện).
Suốt ba tháng qua, lưu lượng nước đổ vào hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Đại Ninh chỉ khoảng 2,29 mét khối mỗi giây, trong khi mức trung bình của các năm trước là 7,24 mét khối mỗi giây.
Ông Võ Tăng Lý, giám đốc công ty thủy điện Đại Ninh thú nhận, cửa xả của thủy điện Đại Ninh được thiết kế để có thể xả lượng nước lên tới 10.000 mét khối mỗi giây nhưng nhiều năm nay, khi tổng lượng xả lên cao nhất cũng chỉ chừng 400 mét khối mỗi giây.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với nhiều nhà máy thủy điện khác ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ông Đỗ Minh Lộc, phó giám đốc nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, cho biết, dung tích của các hồ chứa nước Đơn Dương và Hàm Thuận chỉ đủ để duy trì việc xả nước theo kiểu cầm cự cho đến cuối tháng này.
Với bối cảnh như thế, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) cho biết, bởi tỉ trọng thủy điện chiếm khoảng 40% sản lượng điện nên EVN đang đẩy mạnh việc tạo nguồn điện từ hệ thống nhà máy nhiệt điện chạy bằng tua bin khí và than. Nguồn nước của các hồ chứa nước ở những nhà máy thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu sẽ chỉ được dùng vào việc chống hạn cho khu vực hạ du.
Bất chấp cảnh cáo của các chuyên gia về kinh tế, môi trường, chế độ Hà Nội từng cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện. Những dự án đó đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh, đồng thời được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sông, suối ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên càng ngày càng ít nước.