Rất nhiều người lý giải chuyện đoàn cán bộ của Hội Chữ Thập Đỏ ở Nepal bị phản ứng dữ dội, do một người trong đoàn đã chụp ảnh, trỏ vào đống đổ nát sau động đất và cười. Hành động đó bị nhiều người Việt Nam chỉ trích dữ dội coi là “không nhân văn”, “vô nhân đạo”… tuy nhiên, thật ra vẫn có nhiều cách giải thích để thấy rằng nụ cười đó không phải là tội.
Ngay trong 9gag.com, một trang web hài hước có hàng triệu người xem, công chúng cũng không màng đến nụ cười của chị cán bộ, mà chỉ cười chuyện khi vô số những khách du lịch không chuyên môn cứu hộ cùng người dân Nepal ra sức giải nạn, thì những nhà thiết kế giải nạn chuyên nghiệp đã lên máy bay về nước lập tức.
Nụ cười của chị cán bộ không có tội. Nụ cười đó là một nét đặc trưng của người Việt xã hội chủ nghĩa hôm nay vẫn luôn cười ngô nghê trước mọi chuyện. Nụ cười đó có thể là cách trần tình về sự may mắn của chính chị ta, sau khi thoát nạn trước cảnh tượng quá đáng sợ. Nụ cười của người Việt qua mấy mươi năm, dường như đã không còn là biểu cảm cụ thể, mà chỉ là cách giới thiệu cho một sự tồn tại đơn giản. Giống như không ít quan chức vẫn cười khi nói về sự liêm khiết của họ, mai thì đã nghe khám phá họ đang tham nhũng. Trong những video ghi lại cảnh CSGT nhận tiền không biên nhận trên xa lộ vẫn mĩm cười, trong khi nạn nhân nhăn nhó. Thậm chí, ở trước tòa, công an viên bị tố cáo dùng nhục hình đánh chết công dân ở Phú Yên, vẫn cười rất tươi.
Thật ra, ẩn sâu sau tất cả những lời giận dữ về nụ cười hay cái chỉ tay của chị cán bộ ấy, có lẽ chỉ là một phần của tảng băng ngầm chất chứa rất nhiều điều khác. Chuyện đoàn công tác Hội Chữ Thập Đỏ đi “công vụ bí mật” nhằm học hỏi cách ứng phó thiên tai đó, làm không ít người liên tưởng đến vô số các đoàn “công tác” nhân danh từ việc tham quan học hỏi chăn nuôi cho đến học tổ chức quốc gia… nhưng phần lớn là sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân như những chuyến du lịch nhàn nhã và “bí mật” cho “công vụ” của mình. Hầu hết các cuộc công du đó chưa chứng minh được đã bồi đắp gì cho quốc gia, mà chỉ thấy người dân còng lưng ra để lấp vào chỗ trống thâm hụt.
Một quốc gia nghèo khó như Việt Nam, với nợ công nợ vào khoảng 60,3% GDP của cả nước nhưng chuyện cung cấp tiền “công tác” nước ngoài của giới cán bộ lại hào phóng không tưởng nổi. Năm 2012, Việt Nam có 3.780 đoàn của bộ, ngành đi nước ngoài, mà theo tính toán thì như vậy, trung bình một ngày có 6 đoàn lên máy bay. Năm 2013, cũng có đến 3.200 đoàn. Hầu hết các đoàn đều có “bí mật công vụ” không khác gì với đoàn của Hội Chữ Thập Đỏ. “Bí mật” vì danh sách tất cả các đoàn đi nước ngoài này chưa bao giờ được minh bạch công bố với dân chúng, để được kiểm soát một cách hợp lý.
Có lẽ chưa tìm hiểu được hết, nhưng không khéo thì sẽ có lúc người dân tìm thấy có những đoàn đi công tác ở Mỹ hay nhiều nước Châu Âu chỉ nhằm nghiên cứu xây hệ thống nhà vệ sinh công cộng đô thị hoặc sơn màu xe bus cho hợp thị hiếu người Việt. Dĩ nhiên chuyện nhà vệ sinh vẫn là công vụ, và rất bí mật.
Một chi tiết khác trong sự kiện đoàn Hội Chữ Thập Đỏ bị chỉ trích, qua vụ động đất ở Nepal, là chuyện chị cán bộ Hội khi bị áp lực dư luận đã nhờ đến luật sư để bảo vệ quyền riêng tư và lợi ích cá nhân của mình.
Đây là một điều đáng mừng, vì theo lẽ thường, những cán bộ trong quá trình công vụ và bí mật của mình, vẫn nhờ cơ quan công an “vào cuộc”, như một thói quen lâu ngày ở xã hội không coi trọng giá trị ngành tư pháp. Ý thức về tư hữu và những “quyền” con người đầy tính hội nhập với thế giới tư bản, đang giới thiệu cho thấy rằng trước khi bày tỏ được về những khả năng chuyên môn, giới cán bộ có cơ hội đi tắt đón đầu đã có thêm ít nhiều kinh nghiệm về cách bảo vệ mình, nhân danh luật pháp.
Chắc chắn, trong sự tức giận của đám đông mà người ta đang thấy mỗi ngày về chuyện Hội Chữ Thập Đỏ, vẫn có người vừa kể chuyện vừa cười. Như vậy đó, nụ cười không có tội. Nụ cười giờ đây chỉ là động tác trung gian đứng giữa 2 thế giới mộng và thật. Nụ cười mà chúng ta đang thấy trong xã hội đôi khi mở ra để giới thiệu những điều sâu thẳm khác, hoặc khép lại như tấm màn nhung kịp lúc của một sân khấu thô bỉ.
Trong L’homme qui rit (Người cười) của Victor Hugo, có những người được chọn để rạch miệng như đang cười, nhằm mua vui cho triều đình. Ngay cả khi họ khóc, cũng ngỡ như họ đang cười ra nước mắt. Sau khi triều đình sụp đổ, họ luôn phải mặc áo choàng cao cổ để tránh bị hiểu lầm là đang cười vào đời sống nghèo khó và hỗn loạn bấy giờ.
Cũng như những người ngồi vỉa hè, quanh ly cà phê và kể chuyện Nepal, kể chuyện chị cán bộ, trên những khuôn mặt nhân dân rất biểu trưng đó vẫn có những nụ cười, nhưng tôi nhìn rất lâu mà vẫn không dám chắc liệu đó có phải là nụ cười thật sự hay không nữa.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh