Ngày 21 tháng 4 năm 2015, Ủy ban bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở tại Hòa Kỳ, công bố danh sách 10 nước bị coi là kiểm duyệt nhiều nhất thế giới. Việt Nam đứng hàng thứ 6 nơi truyền thông bị hạn chế nhiều nhất.
Theo CPJ, nhiều chủ đề bị cấm đề cập trên báo chí chính thống, mà người dân trong nước gọi là “nhạy cảm”, như hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến, sự chia rẽ trong nội bộ đảng CSVN, hay vấn đề nhân quyền.
CPJ phân tích rõ ràng toàn bộ truyền thông ở Việt Nam đều phải phụ thuộc và phải là tiếng nói của đảng. Các blogger đối lập phải đối diện sự trừng phạt qua các vụ tấn công trên đường phố, bắt bớ, theo dõi, tuyên án tù nặng.
CPJ còn cho rằng Việt Nam đã chặn nhiều trang web chỉ trích chính phủ, cũng như sử dụng điều luật mơ hồ 258 về tội gọi là chống phá nhà nước trong Bộ Luật hình sự để truy tố và tống giam các blogger.
Việt Nam đang dần hội nhập vào cộng đồng thương mại quốc tế trong 2 thập niên gần đây. Nhưng điều mà họ thấy là bất chấp sự mở cửa về kinh tế gia tăng, chính phủ do đảng cộng sản lãnh đạo vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ thông tin.
Tự do dân chủ đã không đi đôi với tự do kinh tế, Việt Nam đang theo chân Trung Cộng, là nước cũng nằm trong danh sách 10 nước kiểm duyệt nhiều nhất thế giới, và là nước bỏ tù nhiều phóng viên nhất trên thế giới vào năm ngoái. Đứng đầu danh sách là Eritrea, bị cho là quốc gia kiểm duyệt số một thế giới. Tiếp theo là Bắc Hàn, nơi chỉ có rất ít người truy cập được internet.
Hiện nay, theo CPJ có ít nhất 16 phóng viên đang bị cầm tù tại Việt Nam. Nhưng nhà cầm quyền CSVN luôn cho rằng các báo cáo thiếu khách quan và không phản ứng đúng thực tế ở Việt Nam.