Không biết từ bao giờ người dân quê tôi gọi ngọn núi đó là ‘núi voi’, có lẽ người ta gọi vậy bởi nhìn từ xa, toàn bộ ngọn núi trông rất giống hình con voi với đầy đủ mình, đầu và vòi. Cánh đồng cạnh núi voi đã gắn với tuổi thơ tôi êm đềm với những chiều thả diều, dạo chơi, thả hồn mình bay bổng theo màu xanh mát dịu của cây cỏ, núi đồi.
Đã 20 năm tôi rời xa quê để vào Sài Gòn học hành, sinh sống và năm nào cũng vậy, mỗi độ tết đến là tôi lại khăn gói về quê thăm gia đình, thăm lũ bạn học và thăm cả cái núi voi nằm lặng yên, quay đầu về hướng biển.
Năm nay cũng không ngoại lệ, trên chiếc xe máy từ Sài Gòn hướng từ Ngã ba 46 trên quốc lộ 1A rẽ vào con đường dẫn về thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận), như thói quen đã có 20 năm rồi, tôi vẫn hay nhìn về bên trái đường nơi xa xa núi voi vẫn còn đó, nhưng dường như bây giờ màu xanh cây cỏ ôm lấy thân voi đã nhạt dần, thêm vào đó trên con đường nhỏ dẫn vào núi voi có gắn bảng tên một doanh nghiệp khai thác đá.
Nghe đâu chính quyền địa phương đã cấp quyền khai thác đá xây dựng cho doanh nghiệp này với công suất khai thác 450.000 m3 đá nguyên khối mỗi năm cung cấp cho hoạt động xây dựng của địa phương và các tỉnh lân cận.
Không biết người ta đã bắt đầu hoạt động phá núi lấy đá xây dựng từ bao giờ, chỉ thấy núi voi giờ đây không còn nguyên vẹn nữa, Thân voi thì còn nguyên, nhưng đầu và vòi thì đang dần bị đục khoét mỗi ngày một sâu hơn như một vết lở trên thân thể, loang lỗ đến đau nhói!
Không chỉ riêng núi voi quê tôi đang bị con người “xẻ thịt”, ngồi cà phê bàn chuyện những ngọn núi bị xâm hại thời gian gần đây, anh đồng nghiệp trong cơ quan cũng than thở: “quê mình ở Đồng Nai có ngọn núi Sóc Lu thơ mộng một thời giờ cũng bị người ta phá lấy đá tan hoang mất rồi!”.
Có lẽ ở nước ta chưa ai thống kê đã có bao nhiêu ngọn núi bị xẻ thịt lấy đất đá, nhưng chạy dọc theo đất nước hình chữ S này nếu quan sát những ngọn núi trong tầm mắt nằm hai bên Quốc lộ 1A đang bị con người đục khoét lấy đá làm vật liệu xây dựng, đá trang trí cũng cũng không phải là ít.
Chuyện chính quyền một số địa phương cho phép doanh nghiệp bạt núi đã tồn tại từ lâu, chuyện lạ hơn là mới đây chính quyền tỉnh Đồng Nai đã “bật đèn xanh” cho hoạt động lấp sông xây khu đô thị bằng việc cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát “cắt xén” gần chục héc ta mặt nước sông làm khu đô thị tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa với cái tên gọi dự án ‘cải tạo cảnh cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.
May mà báo chí sớm biết chuyện, đăng tải thông tin, người dân địa phương nơi làm dự án thấy con sông bị lấp dần bất bình thì hỡi ôi, diện tích gần 8 héc ta mặt nước mà chủ đầu tư cần lấp cũng đã bị lấp gần xong.
Mặc cho các nhà khoa học, các chuyên gia – vốn dĩ là những người có kiến thức chuyên môn về môi trường, nguồn nước, sinh thái – tỏ ra lo lắng dự án lấp sông Đồng Nai rồi đây sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và xã hội trong lưu vực, những mất mát không thể hoán đổi, Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai cũng cho rằng cần được tham vấn, lấy ý kiến các địa phương hạ nguồn lưu vực sông, nghiên cứu tác động thấu đáo trước khi triển khai thực hiện dự án, duy chỉ có UBND tỉnh Đồng Nai trong một thông cáo báo chí lên tiếng khẳng định: dự án lấp sông xây phố này sẽ an toàn cho dòng chảy!
Trước sức ép dư luận, mới đây nhất chủ đầu tư cũng đã tạm ngừng thi công dự án với lý do tiếp tục tiếp thu ý kiến và đánh giá thêm tác động của dự án, nhưng một lượng đất đá lớn đã đổ xuống sông liệu có được moi lên để trả lại hiện trạng cảnh quan ban đầu hay đợi khi sóng gió dư luận lặng yên, họ lại tiếp tục lấn sông vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ?
Sông Đồng Nai là của chung 11 tỉnh thành chia sẻ lưu vực gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM chứ không phải của riêng địa phương nào và cũng không ai có quyền lấp sông, làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên của một dòng sông vốn là nguồn sống của hàng chục triệu người. Chưa kể rồi đây việc lấp sông xây đô thị sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các lưu vực sông khác trên cả nước theo kiểu lập luận chết người: ‘anh lấp được, tôi cũng lấp được’.
Bạt núi, lấp sông là những hành động con người đua nhau tàn phá môi trường và can thiệp đến thiên nhiên một cách thô bạo, nhưng được cấp phép, thật đáng buồn! Không thể không lo cho những ngọn núi xanh bạt ngàn nằm yên bình trong nắng sớm, những dòng sông dáng hình thon thả, hiền hòa và thơ mộng, nơi đầy ắp những kỷ niệm của bọn trẻ nhà quê chúng tôi một thời rồi đây sẽ bị bàn tay con người đục khoét, bóp méo, thu hẹp.