Ngôi làng Việt – Versailles bên dòng Mississippi
Người về từ thành phố New Orleans,
Trong đôi mắt người da đen ngơ ngác,
Tôi nghe thấy điệu jazz buồn tha thiết,
Của một thời nô lệ rất xa xưa.
Nốt nhạc cao ngẫu hứng , nỗi xót xa…
Kể lể thân phận nhọc nhằn vất vả ,
Những người da đen làm đường xe lửa,
Thổi kèn nhạc jazz , ứa máu tim người.
Có lần tôi về phố biển rong chơi,
Điệu nhạc jazz tràn trên hè phố,
Người ta bán tiếng kèn nức nở,
Lấy những đồng tiền từ khách vãng lai.
(Người về từ New Orleans – Nguyễn Thị Thanh Dương)
New Orleans là thành phố của nhạc Jazz, nơi đây là quê hương thứ hai của hơn 4000 cư dân VN trên đất Mỹ. Thành phố New Orleans thấp hơn mặt nước biển từ 3 đến 6m, được bao quanh bằng một hệ thống đê chu vi đến 300 dặm. Phía bên này đê là thành phố thịnh vượng, sầm uất bán mua, phía bên kia là dòng Mississippi vốn êm đềm nhưng sẽ trở nên hung dữ khi lũ kéo tới. Ngôi làng Versailles hiền hoà nằm về phía Ðông thành phố New Orleans.
Đến New Orleans những ngày này, người ta vẫn còn hình dung ra những dấu vết của thành phố ngập úng nước trong cơn bão Katrina năm 2005. Ai có trải qua những thời khắc kinh hoàng đó, mới thấu hiểu được tầm quan trọng của hệ thống đê điều ở New Orleans. Đó là lá chắn an toàn, là thần hộ mệnh của hơn một triệu dân cư trong thành phố và các vùng phụ cận, trong đó có hàng ngàn người Việt.
Vào năm 1975 chỉ có 11 gia đình VN tại làng Versailles. Thời đểm đông nhất là trước bão Katrina với hơn 7,000 gia đình. Sau bão nhiều người Việt Nam rời New Orleans đi lập nghiệp nơi khác. Có một số người trở về lại và con số bây giờ còn lại là 1100 gia đình với hơn 4000 cư dân.
Làng Versailles được coi là cái nôi Công Giáo Việt ở Mỹ. Người Việt đến đây chỉ trong một thời gian rất ngắn đã thành lập Cộng Ðồng Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào năm 1976, và đây là cái tên đầu tiên của giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.
Nét nổi bật nhất của cộng đồng Công Giáo ở đây là nét Công Giáo thuần túy mà người ta mang từ Việt Nam sang hàng chục năm trước. Nét độc đáo đó là sinh hoạt xưa ở Việt Nam ra sao thì vẫn giữ y nguyên như vậy. Ðiển hình là Tuần Thánh Mùa Chay vẫn còn đầy đủ các nghi thức như ngắm nguyện, các cuộc rước được giữ nguyên thể. Ðây chính là nét hấp dẫn thu hút người Công Giáo ở các nơi khác tìm đến giáo xứ trong các dịp lễ lớn.
Người Việt đến đây lập nghiệp thường là giáo dân từ các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam như Phước Tỉnh, Phú Quốc và các vùng biển miền Nam Việt Nam. Vì xuất thân từ vùng biển nên họ đã quen thuộc với nghề đi biển. Từ năm 1975 đến 2005, suốt 30 năm là cả một thời gian dài và cực thịnh của người dân Việt sống ở vùng đất này, từ nghề đánh bắt tôm cá, đến các nghành nghề khác như kinh doanh tiệm tạp hóa, mở tiệm nail, nhà hàng, cây xăng v.v…
Nhưng mùa Hè năm 2005, khi cơn bão Katrina đánh vào các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, trong đó nặng nhất là New Orleans, đã làm thay đổi toàn bộ đời sống của người dân nơi này. New Orleans đã trở thành một “thành phố chết” khi cơn bão Katrina ập đến, đập tan con đê New Orleans khiến nước sông Mississippi như một con thủy quái khổng lồ, liếm sạch nhà cửa và những công trình kiến trúc trong thành phố.
Bão Katrina làm dòng người đổ về đâu
Bỏ French Quarter còn ray rứt,
Những cô gái đẹp xinh, vai trần hở ngực,
Những quán bar không tìm thấy bóng người.
Nước đã cuốn trôi, sụp đổ hết rồi,
Thành phố biển gọi mời người du lịch,
Ai đã có lần vào quán cà phê Pháp…
Giữa New Orleans một hơi thở Châu Âu.
Hẹn một ngày mai ta sẽ gặp nhau,
Thành phố biển sẽ vươn mình thức dậy,
Từ sóng gió, người ta làm lại,
Cuộc sống hoà mình trong điệu nhạc jazz.
(Người về từ New Orleans – Nguyễn Thị Thanh Dương)
Báo chí, truyền thông Mỹ đã từng lên tiếng thán phục về sự giúp đỡ mau mắn, hiệu quả của cộng đồng người Việt tại Houston trong việc cứu trợ người Việt tránh bão Katrina. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp lâu đời của người dân Việt. Tất cả các giáo xứ, các trường học Công giáo trong giáo phận Houston Texas đã mở cửa đón tiếp các gia đình di tản từ New Orleans qua, trong đó có cả người dân bản xứ.
Ba giáo xứ Việt Nam sau đây đã đón tiếp khoảng 300 gia đình người Việt Nam không phân biệt tôn giáo từ New Orleans di tản sang. Ðó là Giáo xứ Các thánh Tử Ðạo Việt Nam do Cha Vũ Thành làm chánh xứ, Giáo xứ La Vang do Cha Trịnh Thế Huy làm chánh xứ, Giáo xứ Lộ Ðức do Cha Hoàng văn Thiên là chánh xứ. Riêng Dòng Nữ Ða Minh Việt Nam tại Houston cũng đã đón tiếp chừng 200 gia đình Việt Nam tị nạn.
Một người Việt sống ở New Orleans, cô Jane Nguyễn đã bày tỏ rằng có dạo gia đình cô và nhiều người Việt khác đã phải rời bỏ thành phố bởi sự chết chóc ám ảnh họ. Nhưng rồi, một New Orleans đầy quyến rũ đã níu chân họ quay về và đã hồi sinh. Nay, với sự đầu tư mạnh mẽ từ chính quyền, hệ thống đê ở New Orleans được củng cố vững chắc, xua tan những ám ảnh và nỗi lo sợ về cơn thịnh nộ của dòng Mississippi.
Và đặc biệt, với những người Việt ở đây, đê New Orleans còn có những giá trị về kinh tế, văn hóa tinh thần, luôn gợi nhớ cho họ ký ức về những con đê ở quê nhà Việt Nam.
Ngôi làng Versailles nổi tiếng có khu “chợ chồm hổm”, mà bất cứ người Việt nào đến đây đều muốn được ghé thăm. Chợ họp ngay trong khuôn viên của khu thương mại của người Việt, vào mỗi sáng Thứ Bảy hàng tuần. Không giống các cộng đồng người Việt ở các nơi khác, người dân ở đây trong thuở ban đầu ngoài nghề đánh bắt cá tôm, còn mang cả việc trồng trọt từ Việt Nam sang.
Cụ bà Trần Thị Huỳnh, 78 tuổi, sang mỹ cùng chồng và chín người con vào năm 1980 bồi hồi kể lại:
Ðất phía sau nhà quá rộng, lại gần các con kênh thoát nước nên bà con mình trồng đủ loại rau trái của người Việt mình. Ban đầu một nhà trồng, rồi thì cả làng trồng, rau ăn không hết thì mang ra đầu làng bán. Những năm tháng khó khăn trong thời gian đầu, nghề gì cũng làm hết, cứ có việc là làm để có tiền nuôi con. Cá mắm có sẵn, mình chịu khó trồng rau quả, vậy là không tốn tiền chợ, nhờ đó mà nuôi nổi các con nên người.”
Chợ bán từ vài chục quả ớt, năm ba trái bí hay mướp, vài quả cà chua, vài bó rau cải, ít chục con tôm, vài con cá, lại có cả gà vịt sống nữa. Người bán cũng vui mà người mua cũng vui, mà không mua không bán gì… cũng vui. Có người chẳng mua bán gì cũng đến chợ để gặp bạn bè, xem người trong làng ai khoẻ ai ốm, ai có chuyện gì vui, buồn mà chia sẻ với nhau.
Làng Versailles thật sự đáng chú ý hơn ở chỗ đó là làng Việt Nam lớn nhất tại hải ngoại và là một điển hình về sự hòa nhập vững vàng của người Việt vào xã hội nước Mỹ. Chỉ qua ít năm, dân chúng nơi đây đã ổn định được mọi nhu cầu sinh hoạt, xây dựng một cộng đồng chung sống hòa hợp và chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống cùng các cộng đồng dân tộc bạn ở địa phương. Người Việt ở đây sống trong một khu cư xá rộng lớn với hàng trăm căn nhà biệt lập khang trang vào hạng dân trung lưu ở Mỹ.
Xa hơn nữa, trong các con phố ở New Orleans, những cửa hàng buôn bán của người Việt luôn sầm uất bán mua. Có những nhà hàng Việt đã tồn tại hàng chục năm và trở thành điểm đến quen thuộc của người dân New Orleans nói chung.
Cứ như vậy, phía bên kia bờ đê, trên dòng Mississippi, người Việt cần mẫn với nghề đánh bắt, thì phía bên này bờ đê, hàng ngàn người Việt khác cũng có đời sống thịnh vượng nhờ vào công việc làm ăn buôn bán. Người Việt đã xuất hiện ở New Orleans từ những năm sau 75 cho đến nay, dòng Mississippi đã nuôi sống họ và đê New Orleans đã chở che cho họ, cùng họ vượt qua những thăng trầm, biến cố.
Và, như một nét văn hóa thân quen của người Việt, đê New Orleans trở thành điểm đến, nơi hội tụ của người dân nơi đây vào mỗi tối, hay những ngày cuối tuần. Vào những thời điểm này, con đê được phủ kín người. Nhiều gia đình ở New Orleans thường tổ chức dã ngoại, mang theo đồ ăn để nướng thơm lừng cả triền đê.