Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết của tác giả Văn Chu được gửi đến quý vị trong mục bình luận vừa qua đã tóm tắt một loạt những điều sai quấy dồn dập của nhà cầm quyền CSVN diễn ra trong một thời gian ngắn gần đây. Từ việc các dư luận viên áo đỏ quấy phá ngày tưởng niệm giỗ trận Gạc Ma đến chiến dịch chặt hàng ngàn cây xanh Hà Nội, đến việc lấp sông Đồng Nai, việc lập lờ tiền bảo hiểm xã hội khiến công nhân đình công gần cả tuần để phản đối, đến việc phát hành những sách giáo khoa chứa đựng nội dung tầm bậy…. Tất cả những việc làm quái gở đó của nhà cầm quyền đã vấp phải sự phản ứng mãnh liệt của người dân khiến các giới chức trách không thể bưng tai bịt mắt phớt lờ đi như thói quen hành xử cố hữu của họ. Rõ ràng là các nỗ lực đấu tranh đúng lúc, đúng mức của người dân, để thực hiện quyền làm chủ xã hội của mình, đã đem lại những kết quả tích cực. Ngoài ra, sự chuyển biến của báo giới, của một thành phần hàng ngũ cán bộ đảng cũng đóng góp thêm cho thành quả ngoạn mục này. Phần hai bài viết của tác giả Văn Chu sẽ bàn đến các chuyển biến vừa kể. Mời quý vị cùng nghe sau đây.
******
Các quyết định rõ ràng là sai bậy của giới lãnh đạo, cộng với phản ứng tích cực giành lại quyền làm chủ cuộc sống của chính mình và con em mình và môi trường trực tiếp xung quanh mình, có lẽ đã là nguồn động viên cho các nhà báo lề đảng, vốn trước đây không hề dám nói ngược với lãnh đạo. Báo chí đã càng ngày càng mạnh dạn hơn, đứng về phía nhân dân đặt vấn đề với các Đảng Uỷ, phê phán các quyết định vô lý, thu nhỏ khoảng cách giữa báo trong luồng, lề đảng và báo lề dân. Truyền thông lề đảng đã mạnh mẽ phê phán hành động thái độ của đám dư luận viên CS mang cờ đỏ trong sinh hoạt giỗ các liệt sĩ Gạc Ma; phê phán, truy hỏi lãnh đạo cầm quyền trong vụ chặt cây xanh; đặt vấn đề về tính phi giáo dục trong các sách giáo khoa; về vụ lấn lấp sông Đồng Nai v.v… Đó là những chỉ dấu cho thấy người làm truyền thông dù vẫn dưới áp lực chỉ đạo của ban tuyên giáo Trung Ương của Đảng, đang càng ngày càng tiến gần hơn tới trách nhiệm làm truyền thông trung thực, phục vụ độc giả, muốn thoát khỏi làm công cụ tuyên truyền một chiều, bóp méo sự thật cho Đảng và nhà nước. Đây là những chuyển biến vô cùng tích cực, khi mà những người làm truyền thông dưới sự chi phối của Đảng, vừa rất muốn đi sát với dân vừa sợ Đảng phật ý, tước đi sinh kế của mình nên có khi vẫn phải vừa viết vừa “lách”. Nếu dân ta có thể khuyến khích động viên tinh thần họ bằng cách, cụ thể biểu lộ những phản hồi tích cực gửi đến cho họ và chủ nhiệm của họ khi thấy những bài vở phục vụ quyền lợi dân, thì họ sẽ tự tin hơn khi biết đông đảo quần chúng ủng hộ sau lưng mình.
Người ta cũng bắt đầu thấy một vài dấu hiệu chuyển biến trong hàng ngũ bộ máy bảo vệ chế độ là Công An Còn Đảng Còn Mình. Trong vụ ngày tưởng niệm Gạc Ma, lực lượng công an đối xử với đoàn người tưởng niệm ở tượng đài Lý Thái Tổ lịch sự hoà nhã hơn. Nhiều trường hợp, công an đã phân trần với người dân mà họ đang trấn áp rằng, họ không muốn làm thế, mà chỉ phải theo lệnh cấp trên. Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đã kể lại lời nói của một công an khi làm phận sự, tuồng như muốn nhắn gửi một tín hiệu: “… nhận thức là một quá trình” nhắc lại nguyên văn câu của Nguyễn Chí Đức, một đảng viên vốn rất yêu Đảng nhưng rồi đã nhận thức và hành động dứt khoát bỏ Đảng. Sau đó, trước sự phẫn nộ của quần chúng, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công An, đã phải công khai chối bỏ đám dư luận viên phá đám sinh hoạt tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma là không thuộc sự quản lý của công an và ban tuyên giáo. Dù biết văn hoá cộng sản làm cho con người CS nói dối không ngượng miệng, nhưng sự phủ nhận công khai chối bỏ trách nhiệm với đám dư luận viên, ít nhất cho thấy là lãnh đạo công an cũng đã nhận thức được thế nào là phải trái và phải nói xuôi theo người dân. Đây cũng là chỉ dấu đáng được khuyến khích và là lúc mỗi người công an hãy tự hỏi mình rằng: “Ngày nay còn Đảng còn mình, ngày mai Đảng xuống, thân mình ra sao?” vì theo lẽ tự nhiên chế độ nào cũng chỉ là nhất thời. Nếu các anh đã có chuyển biến trong nhận thức nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải lệ thuộc vào Đảng, chưa khắc phục được sự sợ hãi Đảng, thì ít nhất các anh chỉ nên trấn cản người dân đang đòi quyền của mình cho có lệ, làm cho qua chuyện, rồi báo cáo cho hay. Người dân khá tinh nhậy để có thể cảm nhận được qua thái độ của các anh, ai là người tích cực muốn lập công cho Đảng, ai là người sẵn sàng đạp lên đầu dân để ích kỷ bảo vệ quyền lợi của mình bất kể sai trái, ai là người đang khổ tâm miễn cưỡng làm phận sự theo lệnh đảng. Và họ sẽ là những nhân chứng quan trọng khi công lý thực sự trở lại trên quê hương.
Tóm lại điều đáng mừng quan trọng nhất là người dân đang càng ngày càng nhận thức rõ: rằng mình không thể để mặc chính quyền tự tung tự tác muốn làm gì thì làm, rằng mình phải đứng lên giành lại quyền làm chủ vận mạng của mình, rằng khi mình đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ và đông đảo thì mới phát huy sức mạnh của mình. Sức mạnh đó có khả năng kéo từng mảng trong bộ máy chính quyền độc tài dần dần theo dân đông hơn, ngay cả khuyến khích những thành phần thức thời trong hàng ngũ lãnh đạo mạnh dạn hơn trong việc thay đồi hoặc phá vỡ nguyên trạng để mở ra một vận hội mới cho dân tộc, nếu họ còn muốn được nhân dân bao dung tha thứ chấp nhận khi lịch sử sang trang. Một nguyên lý muôn đời là: “sức mạnh của quần chúng là sức mạnh vạn năng”.