Các Tù Nhân Lương Tâm Đang Bị Đàn Áp Tại Trại Giam Xuyên Mộc
Tin từ trang mạng Dòng Chúa Cứu Thế, Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đã cùng 5 người trong gia đình, bạn bè đến trại giam Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu thăm Kha vào ngày 22-03-2015. Tuy nhiên, mọi người đã không trao được quà vì 8 anh em TNLT đang tuyệt thực đến ngày thứ 3 để yêu cầu trại giam thực hiện đúng theo nội quy của tổng cục 8 cho mang sách vở, giấy viết vào học tập theo điều 15.
Trại giam không cho mua căn tin, không cung cấp nước, buồng giam chật hẹp không cho tắm nắng… Hầu như các trại giam đều không thực hiện đúng như nội quy mà họ đã quy định, những tù nhân lương tâm đều bị trại giam đối xử vô lối theo lệnh của cấp trên. Trên thực tế nội quy của tổng cục 8 chỉ phục vụ cho mục đích đối phó và che mắt các tổ chức nhân quyền.
Hầu hết các trại giam tại VN đều có chính sách khủng bố tinh thần thể xác các tù nhân lương tâm đến cùng! Đây là phương cách đảng cộng sản VN thực hiện cho việc cai trị lâu dài toàn dân tộc. Ai muốn lên tiếng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cũng đều bị csVN bức hại với nhiều hình thức khác nhau và khi bị bắt bỏ tù rồi thì csVN cũng tìm đủ cách để hành hạ nhằm làm nhục ý chí đấu tranh.
Được biết tù nhân lương tâm [TNLT] Trần Vũ Anh Bình bị cán bộ trại giam K3 Xuyên Mộc ‘kỷ luật nóng’ và ‘cưỡng bức, còng tay đưa đi đâu không rõ và không cho mang theo đồ đạc’ vào ngày 19.03.2015.
Ba TNLT khác là Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đặng Xuân Diệu tuyệt thực, chỉ uống nước đường từ ngày 19.03, để phản đối chế độ giam giữ bất nhân của cán bộ trại giam K3 Xuyên Mộc.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên – mẹ Nguyên Kha – cho biết: “Kha đã vượt qua mọi sự nguy hiểm để thông báo tình trạng của anh Bình cho gia đình. Hiện nay, Đặng Xuân Diệu là người yếu nhất, anh Trần Vũ Anh Bình bị khủng bố về tinh thần và thể xác. Trại giam cắt thăm nuôi của gia đình, không cho cháu Kha mua đồ ở căn tin. Cán bộ trại giam luôn tìm mọi cách hành hạ các tù nhân trong này”.
Mắc cạn ở Hoàng Sa, tàu Việt Nam bị Trung Quốc cướp phá
Tin từ các trang mạng thì vào sáng ngày 20 tháng 3, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực DanangMrcc cho biết, một tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi trong lúc bị mắc cạn ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Cộng tiến tới cướp phá.
Theo ông Bùi Tấn Nguyên, Giám đốc DanangMrcc thì sáng 19/3/2015, chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg95431 (Quảng Ngãi) với 10 ngư dân bị hỏng máy và mắc cạn ở rạn san hô Duy Mộng (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) khi đang hoạt động trên biển.
Đến chiều cùng ngày, khi ngư dân trên tàu đang cố gắng đối phó với tai nạn và chờ tàu bạn đến lai kéo khỏi rạn san hô, bất ngờ một tàu Trung Quốc tiến tới. Nguồn tin nói một nhóm người đã nhảy lên tàu QNg95431 cắt lưới cụ, cướp đi máy Icom…
Cần nói thêm, tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu tuần Trung Quốc chận bắt đập phá, đánh ngư dân và cướp tài sản. Hồi Tháng Giêng vừa qua, 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng đã bị tàu tuần Trung Quốc đập phá, cướp tài sản, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Vào ngày 12/1/2015, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn) cho biết, tàu cá QNg 96093 TS của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (32 tuổi, trú thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa bị 2 ca nô của lực lượng Trung Quốc, gồm 10 người rượt đuổi, đập phá, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề, buộc tàu cá này phải chạy về đất liền, trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Các thiết bị bị tàu Trung Quốc đập phá, cướp đi gồm: 1 máy định vị, 1 máy Icom, 1 máy dò cá, 2 thuyền thúng cùng 1 tấn cá. Ước tính thiệt hại trên 150 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 7/1/2015 tờ báo Tuổi trẻ cho hay, 2 tàu cá khác của huyện đảo Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi đập phá gần đảo Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một trong hai tàu đã thống kê toàn bộ tài sản bị đập phá và bị cướp đi gồm: 2 thuyền thúng, 700 mét dây hơi, 1 máy ICOM, 2 phuy dầu, 3 tấn cá cùng một số tàu sản khác, ước thiệt hại trên 350 triệu đồng.
Thỉnh thoảng người ta thấy Bộ Ngoại Giao CSVN lên tiếng phản đối nhưng không hề có tác dụng.
Dịch cúm H5N6 trên gia cầm lan rộng ở Việt Nam
Sau thời gian tạm lắng, dịch cúm H5N6 đã xuất hiện trở lại tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và có nguy cơ bùng phát lây lan mạnh trên diện rộng ở Việt Nam.
Tờ Người Lao Ðộng dẫn tin, chiều 18 tháng 3, ông Lê Văn Luận, chi cục trưởng Chi Cục Thú Y tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã tiêu hủy 1,023 con gia cầm của 15 hộ xung quanh nơi phát hiện ổ dịch, đồng thời chích vắc xin ngăn chặn cho hơn 23,000 con gia cầm tại địa phương sau khi phát hiện gia cầm tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, có dấu hiệu chết hàng loạt vào ngày 12 tháng 3, với mẫu xét nghiệm nhiễm virus cúm A/H5N6.
Ông Ðậu Văn Hùng, phó Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Tĩnh Gia, cho biết, trước tình hình dịch cúm A/H5N6 xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng, tỉnh Thanh Hóa đã có phúc trình hỏa tốc gởi các cơ quan, ban ngành trong tỉnh yêu cầu tổ chức dập dịch và ngăn ngừa dịch. Song song đó, nghiêm cấm buôn bán, giết mổ gia cầm trong vùng dịch ở những xã lân cận.
Trước Thanh Hóa, vào tháng 8, 2014, lần đầu tiên virus cúm H5N6 được ghi nhận tại Việt Nam trên một số đàn gia cầm, thủy cầm ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Theo ông Trần Ðắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế, ở Việt Nam dù chưa thấy virus cúm H5N6 trên người, nhưng mức độ nguy hiểm của virus phát hiện tại Việt Nam được cảnh báo nguy hiểm rất cao, được đánh giá tương đương cúm H5N1, tương đồng với loại gây tử vong ở người tại Trung Quốc vào tháng 4,2014. Hiện thế giới chưa có vắc-xin phòng virus cúm H5N6.
Trung Quốc đả kích Mỹ về ‘tuần tra chung trên biển Đông’
Hôm 17 tháng 3, 2015, tại cuộc gặp gỡ giữa Tư lệnh Hải quân nhiều quốc gia nhân dịp Triển lãm Hàng hải và Hàng không – Không gian Quốc tế ở Malaysia, Phó Đô đốc Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đã nêu việc hợp tác của hải quân nhiều quốc gia tại vịnh Aden nhằm chống cướp biển như một dẫn chứng minh hoạ cho tính hiệu quả của việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại biển Đông.
Theo đó, các quốc gia trong một khu vực có thể hợp tác với nhau để bảo đảm an ninh hàng hải mà không xâm hại chủ quyền của quốc gia khác. Tuy việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại biển Đông không đơn giản nhưng Phó Đô đốc Thomas khẳng định, nếu ASEAN muốn thực hiện đề nghị vừa kể, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ.
Mới đây, ông Hồng Lỗi, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ một cách kịch liệt rằng đề nghị của Phó Đô đốc Thomas, không giúp giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách thỏa đáng và cũng không đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực.
Cũng cần nói thêm rằng một ngày sau khi Phó Đô đốc Thomas đề nghị ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung trên biển Đông, ông Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nêu đề nghị ASEAN thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình để cùng đối phó với các tranh chấp có liên quan tới những thành viên của ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhấn mạnh, việc xúc tiến để thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình của ASEAN sẽ là vấn đề mà Mã Lai ưu tiên thực hiện khi Malaysia trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Malaysia sẽ cùng với các thành viên trong khối ASEAN thảo luận về quy mô và hình thức của lực lượng này.
Tuy Trung Quốc chưa nêu quan điểm về đề nghị của Malaysia song bà Zhang Jie, chuyên gia về quan hệ quốc tế làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận xét, việc thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình của ASEAN không thực sự có lợi cho khu vực biển Đông.
Sau đề nghị của Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ và Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai, hôm 20 tháng 3, Phó Đô đốc Jesus C. Millan của Hải quân Philippines tuyên bố, Philippines sẵn sàng tham gia các cuộc tuần tra hỗn hợp cùng với hải quân các quốc gia ASEAN và Hoa Kỳ nhằm “bảo vệ sự ổn định và quyền tự do lưu thông trên biển”.