Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần chuyển vốn đầu tư từ Trung Cộng xuống các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Nếu như Việt Nam không nắm bắt thời cơ, cải cách cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội này.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư lớn từ Nam Hàn và Nhật Bản đã lựa chọn Thái Lan, Malaysia thay vì đầu tư vào Việt Nam trong một số ngành như chế tạo, lắp ráp xe hơi, sản xuất điện tử … Nhiều hãng đã rút xưởng khỏi Việt Nam trong những năm gần đây do không đáp ứng được các yêu cầu như công nghiệp phụ trợ, chính sách không thích hợp, môi trường kinh doanh như Ford, Sony, …
Theo các chuyên gia thì Việt Nam có thể tăng tới 22 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh vào năm tới, và tham vọng tiến tới đạt ngang mức bình quân các quốc gia ASEAN-4, gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Tuy nhiên, chậm trễ trong cải cách của chính quyền dẫn tới bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư. Nếu môi trường kinh doanh đạt mức bình quân ASEAN-4 vào năm 2016, Việt Nam sẽ gần bằng Thái Lan. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số, Việt Nam mới chỉ thực hiện được một nửa, còn 5 chỉ số chưa thực hiện. Đó là các chỉ số về Cấp phép xây dựng, Thực thi hợp đồng, kê khai tài sản, Bảo vệ nhà đầu tư và Phá sản doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc để hoàn thành các thủ tục phức tạp. Chẳng hạn như ở lĩnh vực cấp phép xây dựng, thời gian để thực hiện thủ tục tại Việt Nam rất dài, phải trải qua 10 thủ tục và 114 ngày, lâu gấp 4 lần so với Singapore.
Đặc biệt, với lĩnh vực thực thi hợp đồng và thi hành án về tranh chấp thương mại, cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đòi nợ 90% là thành công khi nhờ những người đòi nợ thuê, và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày. Trong khi đó, nếu khởi kiện tại tòa án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới 400 ngày.
Toàn thế giới đang cải cách, Châu Phi, Nam Á đã cải cách rất mạnh mẽ, đòi hỏi Việt Nam phải luôn cập nhật, thay đổi nhanh chóng hơn.
Cải cách hành chính còn chậm chạp, nhiều chính sách phát triển các ngành sản xuất không phù hợp, cùng với tệ tham nhũng tràn lan cũng là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của Việt Nam.