Hiện nay vẫn còn không ít người, có cả đảng viện CS, tỏ ra mình là người thức thời, cao thượng…, kiêu hãnh nói đại ý rằng: “Tôi không màng, không bàn về chính trị, vì nó đồng nghĩa với thủ đoạn…, lo làm kinh tế hoặc nghỉ chơi cho sướng thân, va vào chính trị chi cho khổ”.
Ba môn khoa học Xã hội, Tự nhiên, Kỹ thuật do con người đúc kết, tạo thành, chúng có mối liên hệ tương tác nhau, chúng đã, đang và sẽ tồn tại mãi với con người. Muốn có xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…, con người phải bám lấy chúng, áp dụng chúng một cách sáng tạo vào cuộc sống hàng ngày – chỉ có thế và phải thế.
Trường phái độc tài bảo thủ theo khuynh hướng bạo lực. Họ luôn nghĩ rằng, làm chính trị là phải tranh giành, chèn ép, trấn áp, ám hại, lật đổ đối phương giành quyền lãnh đạo. Từ ý nghĩ ích kỷ, cục bộ, cực đoan ấy, họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Những kẻ tham danh lợi lao vào giành giựt cắn xé, những người cầu an bảo mạng ngán ngại không tham gia như vừa nói ở trên.
Trường phái Dân chủ đa nguyên theo khuynh hướng không bạo lực. Họ luôn nghĩ thoáng, cao thượng hơn: tham gia chính trị chỉ vì lợi ích quốc gia dân tộc, góp phần kiến tạo thượng tầng, cùng bàn thảo chủ yếu 3 khâu: kén chọn thể chế, chọn người lập ra bộ máy điều hành đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống pháp luật – tức là lập chế, lập quyền, lập hiến. Đứng góc độ dân tộc, họ không có kẻ thù.
Chắc ai cũng hiểu và thừa nhận rằng: chọn chất lượng hiền tài trong cộng đồng dân tộc bao giờ cũng cao hơn chọn trong hạn hẹp. Thử nghĩ xem: ở Việt Nam ta, nếu chọn hiền tài trong 90 triệu dân (cả Đảng CS trong đó) chắc rằng chất hiền tài cao hơn chỉ chọn trong phạm vi 3 triệu đảng viên, Đáng nói hơn, thường xuyên kén chọn lãnh đạo đất nước trong phòng kín, với chỉ phạm vi 200 trung ủy, theo sự lèo lái cửa 16 cái đầu trong Bộ Chính trị thì mong gì có hiền tài xuất chúng? Do vậy, xét về chất, hàng ngũ lãnh đạo ở VN ngày một kém là lẽ tất nhiên, họ chỉ có thể là “gạo cội” của hơn 3 triệu đảng viên chớ không thể “gạo cội” của 90 triệu dân Việt Nam. Năm tháng gần đây, người ta bàn tán nhiều về tư cách, đạo đức, năng lực lãnh đạo đất nước ngày một kém có lẽ bắt nguồn từ đây.
Khi thấy khai thác bauxite Tây nguyên không lợi, có thể gây thảm họa nhiều mặt, các cụ Huệ Chi, Phạm Toàn, Thế Hùng góp ý lãnh đạo không nghe, viết bài phản biện báo đài không đăng, không phát. Các cụ tự lực, tự túc lập ra trang Bauxite tiếp tục phản biện. Việc làm vì ích nước lợi dân, không vụ lợi như vậy, nếu không cho là yêu nước thương dân thì gọi là gì cho đúng ? – chẳng lẽ thù địch, phản động? Các cụ lão thành đã từng cùng Đảng vào sinh ra tử, nay sức tàn hơi tận, vì lợi ich quốc dân “trăn trối” với Đảng đôi điều, sao nỡ bạc đãi, xem họ như thù địch. Họ đã già rồi, như cụ Vĩnh chẳng hạn, lật đổ được ai, lật đổ để làm gì khi bản thân mình chưa biết sống nay chết mai?
Chẳng biết có phải do quen lối sống bị đè đầu cỡi cổ hay quá mỏi mệt trước những cảnh cấu xé lẫn nhau tranh quyền đoạt lợi, khiến cho không ít người chọn cách sống an phận thủ thường?
Từ bỏ chính trị là từ bỏ môn khoa học Xã hội – giao cán cho người ta nắm, đồng nghĩa với thừa nhận áp bức bất công, chấp nhận kiếp sống tôi đòi. Những người không màng đến chính trị dĩ nhiên là những quần chúng tốt, những miếng mồi ngon đối với thể chế độc tài toàn trị. Nhưng, đối với cộng đồng dân tộc, họ là những người nhu nhược, ích kỷ, vô trách nhiệm nhất – chỉ đợi người ta “bươi” mình “mổ”. Họ là những người tầm thường hơn cả tầm thường, có chi cao thượng mà kiêu hãnh?. Đáng nói hơn, đã là đảng viên của một đảng chính trị đương quyền mà nói không màng đến chính trị thật khó nghe, không thể chấp nhận. Đã vào chùa tu, cạo đầu trọc chát, đang mặc áo cà sa, đâu đã hoàn tục, mà nói tôi không phải là phật tử thì ai tin?
Bản thân chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội không hề có thủ đoạn… gì cả, chỉ có con người hoạt động ở các lĩnh vực ấy có hay không mang những thói hư tật xấu đó mà thôi. Cạnh tranh là quy luật phát triển, ngược lại là lụn bại. Ở bất kỳ lĩnh vực nào đều lấy cạnh tranh làm động lực phát triển. Cạnh tranh (thi đấu) lành mạnh là dựa vào tài đức, năng lực; cạnh tranh bịnh hoạn dựa vào lừa mị, thủ đoạn gian manh. Cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra những “sản phẩm” chính danh, thượng đẳng; cạnh tranh bịnh hoạn sẽ tạo ra những “sản phẩm” ngụy danh, hạ đẳng. Cạnh tranh lành mạnh là thi đua; cạnh tranh bịnh hoạn là ganh đua.
Trên sân cỏ cũng có luật chơi: dùng thể lực, kỹ chiến thuật… để giành phần thắng, không ai chấp nhận lối chơi dùng bạo lực xô đẩy, ngán chân, giựt chõ…
Hoat động mọi mặt của con người trong xã hội cũng có luật chơi: Cạnh tranh lành mạnh là chính nghĩa, cần được khuyến khích; canh tranh bịnh hoạn là không chính nghĩa, cần phải bài trừ tận gốc.
Ở các nước Dân chủ, người ta xây dựng nhà nước pháp quyền, buộc con người phải sống và hành động theo pháp luật. Từ kiến trúc thượng tầng đến hạ tầng cơ sở, dựa theo pháp luật, cạnh tranh sòng phẳng. Nếu không tài đức và năng lực đừng mong thắng cuộc ở bất cứ lĩnh vực nào.
Để che mắt thế gian, cho “hợp xu thời”, ở các nước độc tài toàn trị, từ thượng tầng đến hạ tầng, cứ ai làm gì mình làm nấy, ai có gì mình có nấy, thậm chí có nhiều hơn, nhưng tất cả đều là “hàng giả, hàng nhái”. Trước cảnh đầy rẫy gian lận, dối trá …, nhà báo và cũng là nhà bình luận tên tuổi Trần Bạch Đằng ví von: “Đừng rớ đến nó rã, vì tất cả là giả”.
Ở Việt Nam ta thì sao: có canh tranh lành mạnh không? Có dân chủ thật sự không? Có nhà nước pháp quyền không? Pháp luật có do dân phúc quyết không? Tất cả có sống và hành động theo pháp luật không? Giới cầm quyền có sống trong vòng pháp luật không? .v.v… “Nhà chế biến” nói có, là hàng thật; còn “người tiêu dùng” nói không, là hàng giả, hàng nhái, kêu than đang bị ngộ độc và đòi công lý. Kẻ nói vầy người nói khác, ai cũng giành phần phải về mình, người viết biết chừng mức nhưng không tiện nói ra, thôi thì giao cho công luận dựa vào thực tế phán xét.
Thủ đoạn… chỉ có ở một số người chớ không phải ở mọi người. Nó xuất hiện không chỉ ở lĩnh vực chính trị mà ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng nhiều nhất, nặng nhất vẫn ở những quốc gia theo thể chế độc tài toàn trị.