Người ta phê nhiều về cụ Khiêu là không phải để phê cụ Khiêu vì nụ hôn không đúng cách, vì câu đối bậy bạ chôm của Lý Bạch làm người ta liên tưởng Hoa hậu Việt Nam như một Dương Quý Phi nô lệ tình dục của bọn vua quan thời phong kiến, mà người ta muốn nói đến chính sách đãi ngộ nhân tài rất sai trái hiện nay.
Người ta chê trách sự xa hoa kệch cỡm của ông cựu tổng bí thư là nhằm nói đến sự phá sản của chủ trương chống tham nhũng, sự khủng hoảng trong chính sách tuyển chọn nhân sự cho bộ máy cầm quyền lãnh đạo đất nước. Tác giả Tuấn Khanh có một bài viết nói về sư Hung hãn và Hèn nhát nêu ra hiện tượng đang rất phổ biến ở xã hội Việt Nam hiện nay là mọi người rất hung hăng cuồng nhiệt vào những chuyện tầm phào nhưng lại tỏ ra hèn nhát tránh né những chuyện quốc gia đại sự.
Ngoài vài chuyện cụ thể như chuyện về ông gs Khiêu như tôi nêu ở trên là chưa đúng lắm, còn hầu hết những dẫn chứng khác, Tuấn Khanh đã mô tả khá chính xác về hiện tượng rất đau lòng đang tràn ngập trong xã hội chúng ta ngày nay.
“Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do ngôn luận dân chủ tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy ngập khác, rằng Trung Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài… trên biển, có thể đánh chiếm Sài Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam thì tâm tư tha thiết kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm cướp – giết tổ quốc mình.
Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng mọi học thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những điều chỉ đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện các dự án bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao nộp sang biên giới, giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá không cần lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng – mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái ác như ông Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây vô lại.
Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.” TUẤN KHANH- Hung Hãn và Hèn Nhát.
Tôi đã sống qua hai chế độ nên thật lòng nói rằng, xã hội miền Nam trước 75, cái hiện tượng hung hãn và hèn nhát không đúng chỗ ấy dường như rất khó tìm thấy. Nói rằng không có là không đúng, nhưng phổ biến đậm đặc như hiện nay là hoàn toàn không.
Thời đó vẫn có thanh niên chạy theo mốt, chạy theo thời thượng, chạy theo các trào lưu ăn chơi, theo các thần tượng showbiz, theo mê tín dị đoan, nhưng cũng chỉ chạy theo cho vui lúc rảnh rỗi chứ không cuồng nhiêt đến điên khùng như hiện nay. Và hiện tượng đó cũng là phần lặng, phần thứ yếu. Còn phần trội phần chủ yếu thì: Lúc nào cũng có một số đông áp đảo thanh niên chạy theo các trào lưu học thuật, trào lưu triết học để công khai tranh luận nhau đến tóe lửa, lúc nào cũng có số đông áp đảo thanh niên có chính kiến khác nhau, theo Mỹ hay chống Mỹ, theo Việt Cộng hay chống Việt Cộng, theo Quốc gia hay chống Quốc gia, dân chủ hay độc tài, không chỉ tranh luận trên diễn đàn mà còn cầm súng bắn vào nhau đến chết để dành phần thắng về mình.
Hồi đó thanh niên không hung hăng với nhau vì chuyện tôi mê Hùng Cường anh ghét Hùng Cường, không hung hăng với nhau vì tranh giành lộc cúng mà chỉ hung hăng với nhau vì lý tưởng chính trị và hung hăng với kẻ thù ngoại bang vì sự sống còn của đất nước.
Bây giờ thì khác hẳn, xã hội đổi thay thụt lùi một cách kinh sợ. Những gì Tuấn Khanh nêu lên vẫn chưa mô tả hết được toàn cảnh của sự xuống cấp, nhưng đó là những nét chấm phá ấn tượng. Chỗ cần hung hãn thì hèn nhát, ngoảnh mặt, ngó lơ và ngược lại.
Tại sao?
Thanh niên và toàn thể công dân được tự do làm và nêu ý kiến về mọi thứ nhưng trừ lãnh vực chính trị. Khi nói đến chính trị thì phải nói trong khuôn khổ của đảng theo sự bày vẽ hướng dẫn của đoàn TNCS HCM nếu là thanh niên, theo Liên Đoàn Lao động nếu là công nhân, theo Hội Nông Dân nếu là nông dân, theo hội Nhà Văn nếu là văn nghệ sĩ…. .
Ngay trong việc bày tỏ thái độ với bọn Tàu cộng xâm lược thì người dân cũng không được quyền bày tỏ theo ý và theo cách của mình. Những người yêu nước chống Tàu cộng xâm lược theo cách của mình đã bị đàn áp, trù dập, bắt bớ khắp nơi đã làm chùn đi nhuệ khí yêu nước của bao nhiêu người, là nguyên nhân đưa đến sự hèn nhát hiện nay trước đại sự. Các học giả đương đại làm sao được phép nêu lên các loại học thuật khác với học thuật đã được định hướng theo chủ nghĩa xã hội. Sinh viên ngày nay làm sao được phép công khai nêu ý kiến về các trào lưu triết học ngoài triết học Mác Lê vô bổ bị nhồi sọ hằng ngày. Làm sao được như Phạm Công Thiện 20 tuổi đã viết hằng chục cuốn sách triết học để đập đổ các tượng đài triết học đương thời như Nguyễn Văn Trung, Thích Nhất Hạnh… Thanh niên ngày nay làm sao được phép trào ra nhiệt tình hừng hực trong mình vào chuyện quốc gia đại sự, vào chuyện chống Tàu xâm lược, chống tham nhũng cường quyền, vào chuyện đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh cho lẽ phải… Thế thì sức mạnh cuồn cuộn của tuổi trẻ phải hướng vào đâu để giải tỏa năng lượng, nếu như không hướng vào những chuyện vô bổ, bậy bạ mà nhà cầm quyền thả lơ không cấm đoán hoặc chưa nói là còn khuyến khích như làm fan cuồng bóng đá, fan cuồng giới showbiz, fan cuồng các lễ hội dân gian, mê tín dị đoan, tôn phục vật chất, giành giật miếng ăn, gấu ó bạo lực lẫn nhau vì những chuyện lãng nhách….
Người ta hướng sự hung hãn vào đâu và hèn nhát vào đâu thì có nguyên nhân của nó. Cũng giống y như tác giả Tuấn Khanh, dù anh là một nhạc sĩ có tâm có tài, một blogger có trách nhiệm và một công dân rất dũng cảm, nhưng khi viết bài “Hung hãn và hèn nhát” đã phải suy tính để ngòi bút mình hướng mạnh vào chỗ nào và tránh né chỗ nào. Chỗ xoáy mạnh vào là chỗ ít nguy hiểm tức là chỗ chỉ nêu ra hiện tượng và chỗ tránh né là chỗ nhiều nguy hiểm tức là chỗ phân tích nguyên nhân.
Cũng giống như việc phê nụ hôn và câu đối bậy bạ của giáo sư anh hùng Vũ Khiêu thì ít nguy hiểm hơn là nói về sai trật của chính sách đãi ngộ và xây dựng nhân tài để sản sinh ra một trí thức như Vũ Khiêu, như Hòang Quang Thuận…
Cũng giống như việc chê trách sư xa hoa kệch cỡm của nhà riêng ông cựu tổng bí thư thì dễ hơn là phê phán sự sai trật của chính sách nhân sự để đưa một người như ông ấy lên đứng đầu và lãnh đạo đất nước trong bao nhiêu năm. Ngay khi viết, chúng ta cũng cố tránh né chỗ nhiều hiểm nguy phải không anh Tuấn Khanh?
Tôi hỏi anh là tôi đang chất vấn chính lương tâm tôi. Chúng ta đã sống đến 40 năm trong chế độ nầy nên chúng ta cũng khó mà khác được anh nhỉ?