Theo phúc trình của Trung tâm WTO khu vực Á Châu, nhiều ngành sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam bị sản phẩm cùng loại nhập lậu từ biên giới Trung Cộng làm đổ vỡ. Những hậu quả mà Việt Nam gánh phải chịu là thất thu thuế; giảm hiệu quả kiểm soát chất lượng hàng hóa, vô hiệu chính sách kiểm soát các loại sản phẩm bị hạn chế, cấm xuất-nhập cảng. Điều này còn ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng như môi trường, an ninh, tính mạng, sức khỏe người dân.
Hơn nữa, tình trạng buôn lậu công khai còn là điều kiện nuôi dưỡng các phương thức kinh doanh chụp giật, không chuyên nghiệp, thiếu bền vững.
Số liệu thống kê xuất nhập qua biên giới của Việt Nam và Trung Cộng luôn có sự chênh lệch. Số liệu phía Trung Cộng thường cao hơn số liệu của Việt Nam. Ví dụ năm 2012, Việt Nam cho biết nhập cảng từ Trung Cộng 28.8 tỉ mỹ kim, trong khi số liệu của Trung Cộng là 34 tỉ, cao hơn 18%. Số liệu của Việt Nam về xuất cảng sang Trung Cộng là 12.8 tỉ mỹ kim, trong khi Trung Cộng lại nêu lên con số là 16.2 tỉ, cao hơn 26.6%. Số liệu chênh lệch lớn tới gần 25% tổng số thương mại cho thấy hiện tượng buôn lậu đang diễn ra rất phức tạp.
Một bản phúc trình khác cho biết trong năm 2014 Việt Nam có 67 823 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hay xin tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Khoảng 9 501 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Phần lớn số lượng doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp có số vốn dưới 500 ngàn mỹ kim, vì không cạnh tranh được với hàng nhập lậu từ Trung Cộng.
Trong thời gian tới Việt Nam không kiểm soát được tình trạng nhập lậu hàng từ biên giới Trung Cộng, thì sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng rất nặng đối với nền kinh tế cũng như sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.