Bộ Công Thương Cộng Sản Việt Nam vừa cho biết có thể tăng giá điện thêm 9.5% và giá điện sẽ lên 1,652.2 đồng cho một Kwh. Theo Bộ công thương, giá thành sản xuất điện của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) năm 2013 là 1,473,8 đồng cho mỗi kwh và giá bán trên 1,500 đồng trong năm 2014 vẫn còn quá thấp.
Bộ Công Thương khẳng định không tăng trước Tết, song việc giá điện sẽ điều chỉnh như thế nào sau đó đang là câu chuyện được người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Nguyên nhân việc tăng giá điện cũng vì hiện nay EVN đang gặp phải tình trạng nợ nần chồng chất. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, với tình trạng nợ nần như hiện nay của EVN mà giá điện không tăng thì ngành điện sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí EVN sẽ phá sản.
Trước tin tăng giá điện, sự tức giận đối với ngành điện lực Việt Nam cũng tăng theo. Theo người dân trong nước, tập đoàn điện lực Việt Nam hay EVN nhập cảng máy móc của Trung Cộng nên đã phải chi phí cho tiền bảo trì, sửa chữa quá cao. Chi phí này lại đổ lên đầu người dân.
Muốn giảm giá thành thì ngành điện phải đầu tư, mua thiết bị hiện đại hơn, cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Lương cán bộ và công nhân trong ngành điện thường rất cao, trung bình là từ 7 tới 10 triệu một tháng, các cán bộ thì cao hơn gấp hai hay ba lần. Vào cuối năm EVN lại lạm dụng việc thưởng tết cho cán bộ, công nhân viên.
Trong khi đất nước còn đang khủng hoảng kinh tế, có nhiều người không có việc làm, không có thu nhập. Đặc biệt là nông dân không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền điện một cách đắt đỏ. Sự yếu kém trong sản xuất và quản trị kinh doanh của ngành điện đổ hết lên đầu người dân.
Giá điện tại Việt Nam hiện nay tuy rẻ nhất trong khu vực, rẻ hơn Trung Cộng, rẻ hơn Thái Lan, nhưng tính theo lợi tức bình quân đầu người thì mắc nhất trong khu vực. Lợi tức bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 1,600 mỹ kim một năm, trong khi Trung Cộng có lợi tức bình quân đầu người trên 7.000 mỹ kim một năm, Thái Lan có lợi tức bình quân đầu người trên 5.000 mỹ kim.