Tổng nợ của các DNNN đã chạm ngưỡng 300.000 tỷ đồng
Bức tranh hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không mấy sáng sủa khi tình trạng nợ chéo, nợ dây dưa lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm.
Báo cáo của Chính phủ CSVN trước Quốc hội cho thấy, tính chung tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2013 đã chạm ngưỡng 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ phải thu bị xếp vào diện khó đòi, nguy cơ mất vốn cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 10.329 tỷ đồng. Tình trạng rơi rụng vốn cũng diễn ra với các “quả đấm thép” trong năm qua.
Đứng đầu bảng về nguy cơ mất vốn vì những khoản nợ trên phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với 2.856 tỷ đồng. Kế đến là các “quả đấm thép” như Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (678 tỷ đồng), Tổng Cty Lương thực miền Bắc (430 tỷ đồng), Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (417 tỷ đồng), Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (307 tỷ đồng)…
Các tập đoàn có mức nợ khó đòi lớn khác phải kể đến như Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN (173 tỷ đồng), Tập đoàn Hóa chất (143 tỷ đồng), Tập đoàn Cao su Việt Nam (76 tỷ đồng), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (56 tỷ đồng)…
Dù được hưởng khá nhiều ưu đãi, nhiều tổng công ty đã không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, thậm chí bị âm vốn do kinh doanh thua lỗ. Trong đó phải kể đến Tổng Cty Xăng dầu Quân đội (âm vốn chủ sở hữu 81 tỷ đồng), Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (âm 6.767 tỷ đồng), Cty TNHH 1 thành viên Haprosimex Hà Nội (âm 39 tỷ đồng).
Dù bị “lên án” trong suốt những năm gần đây, việc đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không vì thế mà giảm. Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho thấy, tổng mức đầu tư tài chính ngắn hạn đạt mức 236.091 tỷ đồng, tăng 43,3% so với năm 2012. Số tiền chi đầu tư tài chính dài hạn cũng lên tới 186.412 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm trước đó.
Tình trạng chiếm dụng vốn, nợ dây dưa giữa các tập đoàn, tổng công ty với tâm lý: Đằng nào cũng cùng nguồn vốn nhà nước.
Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề “nợ xấu” lớn trong các DNNN do chưa có “kỷ luật” của thị trường. Khuôn khổ pháp lý vẫn dành ưu đãi cho khối này, trong khi bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”.
Đồng Rúp mất giá ảnh hưởng thương mại Việt – Nga
Nền kinh tế Nga đang suy yếu do việc cấm vận của phương Tây và giá dầu sụt giảm.Tiền Nga bị mất 50% giá trị so với đô la Mỹ theo số liệu chính thức. Giới kinh tế Nga bi quan, dân chúng hốt hoảng, buôn bán ế ẩm, trong khi chính quyền Putin gần như bó tay. Vào trưa hôm qua, đồng tiền Nga rơi xuống mức kỷ lục mới : 80 rúp đổi một đô la và 100 rúp đổi một euro tức là mất thêm 20% trị giá, sau khi bị mất 10% ngày hôm kia. Việc này có ảnh hưởng ít nhiều đối với quan hệ thương mại Việt Nga dù giao thương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay các nước ASEAN khác.
Ví dụ như khách du lịch Nga đến vùng Nha Trang và Mũi Né đã giảm đáng kể. Hiện nay chỉ còn khoảng 30%, việc này làm cho các khách sạn nhà hàng ở vùng đấy trước giờ chuyên môn hóa để đón khách Nga, ví dụ như là các khách sạn nhà hàng đều có bảng hiệu bằng tiếng Nga, thì nay đang gặp khó khăn lớn. Thứ hai nữa là quan hệ xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì sức mua của Nga giảm, việc thanh toán bằng đồng đô la chắc chắn gặp khó khăn. Điều này sẽ làm giảm việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và việc thanh toán của Nga bằng đồng ngoại tệ. Còn về lâu dài thì nếu kinh tế Nga vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sẽ có thể ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga ở Việt Nam.
Đồng Rúp mất giá làm người Việt sống bằng kinh doanh ở Nga bị ảnh hưởng rất nặng nề, vì bà con thường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang để bán, nay đồng Rúp giảm giá quá nhiều nên giá tăng rất nhanh, nhưng giá hàng trên thị trường Nga lại không tăng nhanh bằng sự mất giá của đồng Rúp. Cho nên hiện nay họ mất khả năng thanh toán, họ chịu thua lỗ. Đã có hiện tượng kho hàng ứ đọng và hiện tượng nợ dây chuyền giữa người Việt này với người Việt khác, người nhập khẩu không thanh toán được, và người bán hàng hiện nay cũng không thanh toán được.
Dự đoán khả thi nhất là năm 2015 sẽ là năm còn khó khăn hơn nữa và tình hình có thể còn tồi tệ hơn hiện nay.
2013: Chính phủ CSVN nợ 1,5 triệu tỷ đồng
Bộ Tài chính CS Việt Nam hôm 16.12.2014 chính thức cho biết, nợ của Chính phủ tính đến hết năm 2013 là 1,5 triệu tỷ đồng gồm cả nợ trong và ngoài nước.
Theo bản tin của Bộ Tài Chính, trong năm 2013 tổng số tiền trả nợ của Chính phủ Việt Nam tăng gần gấp đôi so với 2010.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội là Việt Nam luôn bảo đảm trả nợ đầy đủ và kịp thời các khoản đến hạn. Tuy nhiên ông Bộ trưởng nhìn nhận cơ cấu nợ hiện nay không bền vững. Chính phủ đã phải phát hành trái phiếu đảo nợ, tức vay nợ mới để trả nợ cũ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng.
Được biết sự kiện giá dầu xuất khẩu giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, đang đe dọa thu ngân sách 2015 và khả năng tăng nợ công của Việt Nam.