Hoa Kỳ tuyên bố, đường chín đoạn ở Biển Đông phi lý và phi pháp
Vào ngày 5/12 vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một văn kiện chính thức phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ 9 đoạn và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các đòi hỏi.
Ngay trong phần mở đầu, tài liệu dài 24 trang, kèm theo rất nhiều bản đồ dẫn chứng, đã nhắc lại sự kiện Bắc Kinh gởi công hàm cùng tấm bản đồ 9 đường gián đoạn đến Liên Hiệp Quốc vào tháng 05/2009 để khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông, một sự khẳng định đã bị các nước Việt Nam, Indonesia và Philippines phản đối, cho rằng tấm bản đồ đó không có cơ sở pháp lý dựa theo luật biển Liên Hiệp Quốc.
Nhận định đầu tiên của bản báo cáo này là các đường gián đoạn đã được vẽ rất lung tung, không nhất quán. Trang 5 bản báo cáo ghi nhận : « Công việc mô tả các đường đứt đoạn của Trung Quốc về mặt địa lý rất phức tạp do mâu thuẫn giữa bản đồ năm 2009 và những tấm bản đồ khác cũng của Trung Quốc, chẳng hạn như bản đồ năm 1947, thậm chí cả các bản đồ đương đại (xuất bản năm 2013-2014) vì các bản đồ này cho thấy những đường gián đoạn có kích cỡ khác nhau và ở những vị trí khác nhau ».
Nhận xét khác là các đường gián đoạn – phân thành 9 vạch – lại gần bờ biển các nước bao quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia, hơn là gần các hòn đảo, chưa nói đến việc rất xa bờ biển Trung Quốc. Một ví dụ : Vạch số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý, và cách đảo Lý Sơn 36 hải lý ! Kỷ lục là vạch số 4, chỉ cách đảo Borneo của Malaysia 24 hải lý mà thôi.
Trong phần phân tích, các tác giả bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thử tim hiểu xem phải chăng các đường gián đoạn của Trung Quốc được dùng để xác định ranh giới các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền, hay là biên giới quốc gia của Trung Quốc. Trong hai giả thuyết này, các đường ranh đó hoàn toàn không phù hợp với luật lệ quốc tế hiện hành.
Riêng trong trường hợp thứ ba là dùng đường đứt đoạn để xác định chủ quyền lịch sử, thì bản báo cáo xác định là yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật quốc tế.
Theo bản báo cáo, khi đòi hỏi chủ quyền lịch sử, một quốc gia phải công bố rộng rãi yêu sách đó để quốc tế biết đến. Điều này thường được thực hiện qua các thông báo chính thức. Thế nhưng các tấm bản đồ 9 đường gián đoạn khác nhau của Trung Quốc lại không chính xác hoặc không nhất quán, do đó không đáp ứng được điều kiện này.
Ngoài ra, theo báo cáo, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng không đáp ứng ba yêu cầu căn bản : (1) Thẩm quyền không được hành xử một cách công khai, thực thụ và được mọi người biết đến ; (2) Thẩm quyền không được hành xử một cách liên tục ; (3) Thẩm quyền không có sự chấp thuận của các nước ngoài.
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tố cáo Việt Nam đàn áp blogger
Trước sự kiện chỉ trong vòng 1 tuần mà nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ ông Hồng Lê Thọ và ông Nguyễn Quang Lập, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) và Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đồng loạt lên án việc bắt bớ, trấn áp các blogger, và những người bất đồng chính kiến.
Ông Hồng Lê Thọ, 65 tuổi, là một người Việt có quốc tịch Nhật, hồi hương cách nay vài năm. Ông Thọ thực hiện blog có tên “Người Lót Gạch.” Hôm 29/11, Bộ Công An Việt Nam loan báo đã thực hiện việc “tạm giữ hình sự” đối với ông Thọ vì ông đưa lên blog “Người Lót Gạch” những “nội dung xấu và các thông tin sai lệch.”
Ông Nguyễn Quang Lập, 58 tuổi, bị bắt hôm 6/12, vừa là một nhà văn, vừa là tác giả nhiều kịch bản điện ảnh, sân khấu. Các tác phẩm của ông Lập đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng. Cách nay vài năm, ông Lập thực hiện blog “Quê Choa.” Blog này có số lượng đọc giả đông đảo hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã đưa lên mạng nhiều bài nhận định về các vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam đương đại, và nhiều bài phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam
Đại diện của CPJ tại Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho người phụ trách trang Quê Choa. Ông Shawn Crispin khuyến cáo lãnh đạo Việt Nam “ngừng ngay việc sử dụng luật pháp để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của giới blogger độc lập và xúc tiến việc bảo đảm quyền tự do báo chí được ghi trong Hiến pháp Việt Nam”.
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách Ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) nhận định xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ nhắm vào các bloggers và giới đấu tranh đòi dân chủ hoá ở Việt Nam, cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm đàn áp bất cứ tiếng nói bất đồng nào, và không cho phép một không gian- dù là nhỏ bé – để họ được thực thi quyền tự do ngôn luận. Trường hợp các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, điều 258 Bộ Luật Hình sự – là lạm dụng quyền tự do dân chủ – đã được sử dụng. Theo ông Ismail, dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng, số nhà báo và blogger tự do bị bắt đã không ngừng gia tăng.
Còn Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam mới bắt thêm blogger Người Lót Gạch và blogger Quê Choa. Hoa Kỳ kêu gọi lãnh đạo Việt Nam thả các blogger bị bắt ngay lập tức và hãy để các công dân Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm chính trị, cả trên không gian ảo cũng như trong đời thực. Hoa Kỳ cho rằng những vụ bắt giữ blogger “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền” trong khi lẽ ra Việt Nam phải bảo đảm rằng luật pháp và hành động của chính quyền Việt Nam phù hợp với các nghĩa vụ đó.
Bên cạnh đó, dư luận tỏ vẻ nghi ngờ mục đích chính việc bắt giữ này không chỉ để trấn áp các blogger mà còn liên quan đến những lực lượng phe phái trong đảng đang tranh giành đấu đá nhau trong tiến trình Đại hội đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2016 sắp tới.
15 tổ chức lên tiến về phiên Tòa Phúc Thẩm Của Nhà Hoạt Động Bùi Thị Minh Hằng Và Các Cộng Sự
Ngày 12.12.2014 tới đây tòa án CSVN tại Đồng Tháp sẽ đem chị Bùi Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh ra xử phúc thẩm về cái tội gọi „phá rối trật tự công cộng“ .
Liên quan đến sự việc này, 15 tổ chức gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam Hội Anh em Dân chủ Tổ chức Những người Bảo vệ Dân Quyền (Civil Rights Defenders) Diễn đàn Xã hội Dân sự Diễn đàn Châu Á vì Nhân quyền và Phát triển (FORUM-ASIA) Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) Nhóm Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây Nam Bộ Tổ chức Báo động Những nhà hoạt động Nhân quyền – Ấn Độ (Human Rights Defenders Alert – India) Tổ chức Niềm tin Pháp luật và Xã hội (Law & Society Trust) Tổ chức OT Watch – Mông Cổ Tổ chức Nhân dân Giám sát (People’s Watch) Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam Phong trào Con đường Việt Nam Tổ chức Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại, đã gửi thư kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo các thủ tục phúc thẩm được thi hành phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về xét xử công bằng.
Bức thư cũng nhắc lại sự kiện Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra không công khai và không công bằng. Mặc dù phiên tòa phải được tiến hành công khai theo pháp luật Việt Nam, trên thực tế công chúng không được phép tham dự phiên tòa này. Vào ngày diễn ra phiên tòa, các nhân chứng của bị cáo đã không được tham dự bất chấp việc họ đã nhận được giấy triệu tập của tòa án. Mặc dù vậy, các nhân chứng của phía chính quyền vẫn được tham dự phiên tòa và phát biểu chống lại các bị cáo mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Hơn nữa, mặc dù Điều 162, Bộ luật Tố tụng Hình sự bắt buộc các kết luận điều tra phải được gửi cho cả Viện kiểm sát lẫn các luật sư của các bị cáo, nhưng các luật sư của các bị cáo chỉ nhận được thông tin liên quan đến cáo buộc và bản kết luận điều tra của cơ quan công an vài ngày trước phiên tòa. Việc không thông báo và sự vi phạm rõ ràng này đối với pháp luật của chính Việt Nam đã gây khó khăn cho các luật sư trong việc bảo vệ quyền của các bị cáo tại tòa án.
Qua sự kiện này, 15 tổ chức thúc giục nhà chức trách Việt Nam đảm bảo phiên tòa được diễn ra công khai và các thành viên gia đình cũng như những người quan sát phiên tòa có thể tiếp cận phòng xử án. Đồng thời yêu cầu tất cả các nhân chứng phải được triệu tập tới tòa án và các luật sư phải được trình bày lập luận một cách thỏa đáng mà không gặp bất cứ sự gián đoạn bất hợp lý nào. Chỉ có như vậy niềm tin vào hệ thống pháp luật Việt Nam mới được phục hồi. Cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức nhân quyền khác nhau sẽ theo dõi những diễn biến này.