Chỉ số tham nhũng ở VN vẫn không thay đổi
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 3/12 công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
TI nói điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Đáng quan tâm là trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số, các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ.
Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào (hạng 145), Campuchia (hạng 156) và Myanmar (hạng 157).
Một tuần lễ trước, ngày 26 tháng 11, 2014, cuộc hội thảo “Ðối thoại Phòng Chống tham nhũng lần thứ 13” được tổ chức ở Hà Nội có sự tham dự chủ tọa của ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với nhiều chức sắc của Bộ Tư Pháp và Thanh Tra Chính Phủ CSVN, đại sứ Anh quốc tại Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Phúc cả quyết vấn đề chống tham nhũng là “quyết tâm chính trị lớn của đảng và nhà nước và chính phủ” CSVN. Ông khoe rằng, “…dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ án nghiêm trọng, dư luận quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước.”
Tuy nhiên, dư luận cho rằng chống tham nhũng tại Việt Nam chỉ là trò “mị dân.” Bản chất thực của “chống tham nhũng” tại Việt Nam chỉ là sự tranh ăn, đấu đá giữa các phe cánh quyền lực theo kiểu “rừng nào cọp nấy.”.
Chủ tịch nước CSVN thú nhận bó tay trước tham nhũng
Trong cuộc tiếp xúc một nhóm cử tri Sài Gòn chiều ngày 2.12.2014, ông Trương Tấn Sang với tư cách một đại biểu quốc hội, chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang xác nhận rằng, nạn tham nhũng tràn lan vẫn là mối bận tâm hàng đầu của người dân Việt Nam hiện nay. Ông cho biết nghị quyết của Đảng và Luật về phòng chống tham nhũng đã có. Trung ương và địa phương cũng làm nhiều việc nhưng bằng đó việc rõ ràng vẫn chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, lòng dân không yên.
Ông Sang tự thán: “Nhân dân không hài lòng, Đảng cũng không hài lòng thì phải làm sao bây giờ?
Ông Sang cho rằng, kẻ tham nhũng ở Việt Nam nay “kết bè kéo cánh để bao che cho nhau”, và thú nhận việc thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng không đạt kết quả như mong muốn, và đây chính là khuyết điểm của các đơn vị cưỡng chế luật pháp của nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Ông thừa nhận “có nghe nói đến hiện tượng chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài, và công an cũng đã mở cuộc điều tra, nhưng sau đó đành bó tay vì ngân hàng không chịu cung cấp thông tin”. ông còn khẳng định luật pháp nhà nước cam kết bảo vệ người tố cáo tham nhũng, cũng như trừng trị kẻ tham nhũng.
Tuy nhiên, thực tế hàng chục năm qua cho thấy, toà án chưa có vụ xử tham nhũng nào đáng kể. Ngay vụ thu hồi một căn nhà của cựu tổng thanh tra nhà nước Cộng sản Việt Nam Trần Văn Truyền, có được từ nguồn thu nhập bất chính, đang diễn ra hết sức chậm chạp, làm thất vọng dư luận những ngày qua.
Hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải
Trong nhiều ngày qua, truyền thông trong và ngoài nước liên tục đưa tin, bài về vụ án oan của Hồ Duy Hải và những nỗ lực kêu oan của bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hồ Duy Hải trong suốt 7 năm ròng rã. Các bài báo đều tập trung đưa ra các nghi ngờ và sai phạm trong việc tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ và tiến hành tố tụng xuyên suốt vụ án.
Trên mạng xã hội facebook, các cư dân mạng, blogger cũng rất quan tâm, theo sát vụ việc và lên tiếng mạnh mẽ nhằm yêu cầu trì hoãn việc thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu tiến hành điều tra, xét xử lại để minh oan cho Hồ Duy Hải.
Trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua tại Sài Gòn, các cử tri đã “kêu oan” cho Hồ Duy Hải với Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang.
Dưới sức ép của công luận, ngày 4/12/2014, Tòa án Long An đã buộc phải ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Vụ án của Hồ Duy Hải chứa đựng rất nhiều uẩn khúc, oan ức và sai phạm tố tụng, dù cho đã qua 2 cấp xét xử. Tất cả những sai phạm về tố tụng trên đã được ngay tòa phúc thẩm thừa nhận, tuy nhiên, họ vẫn khép tội “giết người” cho anh Hải và đưa ra bản án tử hình.
Trong suốt 7 năm ròng, bà Nguyễn Thị Loan vác đơn đi kêu oan cho con. Bà và luật sư đã gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm lên Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, nhưng 2 nơi này chỉ trả lời ngắn gọn “đã xử đúng người, đúng tội” bất chấp các chứng cứ tố cáo sai phạm tố tụng của cơ quan điều tra. Bà cũng đã kêu cứu tới cựu Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang, đương kim Chủ tịch nước CSVN.
Hệ thống tư pháp Việt Nam vốn không độc lập, chuyện công an dùng nhục hình, bức cung can phạm thường xuyên xảy ra dẫn đến tình trạng án oán sai rất nhiều. Trước đây dư luận đã biết đến câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang được minh oan sau 10 năm chịu án oan.
Ông Nguyễn Văn Đạt, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nhận định rằng khả năng sắp tới có thể lãnh đạo Viện Kiểm sát hoặc Tòa án tối cao sẽ có kháng nghị để xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.
Về khả năng lật lại bản án, ông Đạt nói nhờ vào nỗ lực của truyền thông trong và ngoài nước lên tiếng đề nghị làm rõ vụ án ông tin rằng vụ án chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ.