Bà Rịa – Vũng Tàu: Dân ngủ trước cổng nhà máy gây ô nhiễm để phản đối
Từ chiều tối ngày 3.11 đến trưa 4.11, hàng chục người dân xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã đến nhà máy thép của Công ty TNHH Đồng Tiến để phản đối nhà máy này gây ra mùi ô nhiễm khó chịu.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Hắc Dịch phản ứng, bao vây trụ sở nhà máy thép vì ô nhiễm mà đã là năm sáu lần rồi.
Theo phản ánh của người dân xã Hắc Dịch, chiều 3-11, nhà máy thép của Công ty TNHH Đồng Tiến xả mùi khói rất khó chịu. Sau khi trời tạnh mưa, bao trùm quanh nhà máy và các khu dân cư lân cận là bầu trời đầy mù sương.
Đến khoảng 18g cùng ngày, khi mùi hôi, gây khó thở xộc vào từng nhà dân vào giờ ăn tối, người dân xã Hắc Dịch đã kéo đến cổng nhà máy phản đối. Họ yêu cầu được đối thoại với ông Trần Quang Khải, tổng giám đốc công ty Đồng Tiến. Nhưng do không được đối thoại, người dân đã bày chiếu, chăn ngủ ngay trước cổng ra vào nhà máy suốt đêm 3.11.
Theo thượng tá Lê Văn Ninh, phó trưởng phòng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên nhân gây ra khói khét lẹt, khó thở rất có thể là do nhà máy thép Đồng Tiến đã sử dụng vỏ thùng phuy chứa hóa chất độc hại chưa được làm sạch bên trong như dung môi, sơn, keo để làm nguyên liệu luyện thép, nên khi nấu chảy đã tạo ra các hiện tượng trên. Điều này là sai với pháp luật bảo vệ môi trường.
Hiện ở bãi chứa phế liệu và bãi dập phế liệu thành khuôn để đưa vào lò nấu cháy còn có khoảng 1.600 thùng phuy chứa hóa chất chưa được làm sạch .
Sau khi làm việc với nhà máy, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng. Đồng thời yêu cầu nhà máy chuyển toàn bộ số thùng phuy trên đến nhà máy xử lý chất thải để xử lý.
Vụ việc đang được ngành chức năng tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Hầu hết người dân xã Hắc Dịch yêu cầu phải di dời nhà máy thép Đồng Tiến.
Theo ông Lê Minh Vương, phó chủ tịch UBND xã Hắc Dịch cho biết, nhà máy thép Đồng Tiến nằm tại xã Hắc Dịch là nằm ngoài quy hoạch các nhà máy thép.
Trung Quốc: Quan chức mua xác người để thiêu cho đạt chỉ tiêu
Theo Tân Hoa Xã, trích dẫn báo chí tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hai quan chức tại tỉnh này, « thực hiện cải cách trong các hoạt động an táng » đã cho tiến hành thu mua khoảng hai chục xác người, bị bọn trộm đào bới lên tại các khu nghĩa trang.
Khi bị bắt, cả hai quan chức này giải trình là dưới áp lực thực hiện chỉ tiêu mà cấp trên đề ra trong việc hỏa thiêu, họ đã phải đi thu mua xác người, qua đó, làm tăng số lượng xác người được đưa đến các lò hỏa thiêu.
Tân Hoa Xã cho biết, một quan chức đã mua 10 xác người, với giá 3.000 nhân dân tệ (khoảng 390 euro) mỗi xác. Người ta không rõ quan chức thứ hai mua bao nhiêu xác mà chỉ biết là người này chi ra một số tiền ít gấp đôi để mua.
Với mục đích kiếm lợi nhuận thông qua việc phân bổ đất đai cho các dự án bất động sản, nhà cầm quyền các địa phương đã tiến hành các chiến dịch giải tỏa nghĩa trang và tìm cách ép buộc thực hiện chính sách hỏa thiêu. Dưới áp lực của chính quyền trung ương, chính sách này được áp dụng ngày càng quyết liệt ở các địa phương.
Tại những khu làng nhỏ, nơi có hai quan chức nói trên làm lãnh đạo, người dân đã phải bí mật chôn người quá cố để tránh bị ép buộc hỏa thiêu. Do vậy, nẩy sinh tệ nạn đánh cắp xác người để bán.
Tình trạng đánh cắp xác người chết đã bị phanh phui hồi tháng Sáu vừa qua, khi một người dân ở Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây tố cáo là xác của người ông đã bị lấy mất.
Báo chí Trung Quốc trước đây cho biết, tại tỉnh An Huy (phía đông), 6 người cao tuổi đã quyết định tự tử vào mùa xuân vừa qua, để người thân trong gia đình có thể chôn cất theo phong tục tập quán, trước khi quy định về hỏa thiêu có hiệu lực.
Trong năm 2012, tại tỉnh Hà Nam (Henan), việc đập phá, di dời 400 ngàn ngôi mộ đã làm dấy lên làn sóng bất bình, căm phẫn trên toàn nước.
Chỉ có 6% khách quốc tế muốn trở lại Việt Nam
Khảo sát của một chương trình phát triển du lịch do Liên hiệp Châu Âu tài trợ cho thấy cứ 100 khách du lịch nước ngoài được hỏi ý kiến chỉ có 6 người muốn quay trở lại Việt Nam vì dịch vụ du lịch yếu kém, phương tiện vận chuyển không thuận tiện, và đầu tư không đúng cách.
90% những người tham gia cuộc khảo sát vừa được trang Eturbonews trích dẫn là các du khách mới tới Việt Nam lần đầu tiên.
Cuộc thăm dò được thực hiện ở 5 địa điểm thu hút khách du lịch chính bao gồm Sa Pa ở Lào Cai, Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, và Phố Cổ Hội An ở Quảng Nam.
Khoảng 3.000 người được hỏi ý kiến là khách du lịch nội địa và quốc tế tham quan 5 địa điểm vừa kể trong tháng 3, tháng 4 và tháng 7, tháng 8.
Hội An và Đà Nẵng là nơi du khách muốn lưu lại lâu hơn (trung bình 4-5 đêm) so với Sa Pa, Huế, và Vịnh Hạ Long (trung bình 1-3 đêm).
Một số yếu tố khác cũng được cho là làm mất lòng du khách quốc tế bao gồm dịch vụ và sản phẩm du lịch đơn điệu nhàm chán, địa điểm du lịch không phát triển về số lượng và chất lượng trong khi chi phí tham quan ngày càng tăng, cộng với nạn ô nhiễm, mất vệ sinh, và tội phạm đường phố.