Chén đắng ngày trở về

- Quảng Cáo -

xuan dieuThưa quý thính giả, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Thanh Lan của đài Chân Trời Mới, tù nhân lương tâm Trương Minh Tam vừa được thả, đã bật khóc nhiều lần khi nói về tình trạng tù tội của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu. Anh Đặng Xuân Diệu là một trong 17 thanh niên công giáo và tin lành bị bắt vào cuối năm 2011 với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. 17 thanh niên này là những người trẻ với những hoạt động tích cực như: đi cứu trợ đồng bào lũ lụt, góp nhặt ve chai gây quỹ, đi lượm nhặt các thai nhi bị vất bỏ, vận động các bà mẹ không nạo phá thai, giúp đỡ các thanh niên cai nghiện, v.v…

Thưa quý thính giả, anh Đặng Xuân Diệu là con chim đầu đàn của nhóm “Bảo Vệ Sự Sống”, bản thân anh và anh Hồ Đức Hoà đã bị kết án lên đến 13 năm tù. Suốt từ năm 2011 cho đến nay, từ khi 17 thanh niên này bị bắt giam, chúng ta vẫn không ngừng nghe nói về cách hành xử và những hoạt động đấu tranh của họ để bảo vệ nhân phẩm cho chính mình và các bạn tù. Chương trình CDT hôm nay xin được đến với quý vị bằng câu chuyện của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu qua các bài viết “Chén đắng ngày trở về” và “Tiếng đập Tường của Diệu”. Trước tiên, xin mời quý vị nghe tâm sự của anh Trương Minh Tam qua bài viết : “Chén đắng ngày trở về”.

TMTamTôi Hạnh phúc trong ngày trở về với vòng tay người thân và bè bạn. Tôi không sợ hãi chuyện tù đày và thanh thản cho cuộc đời này nợ tôi món nợ vô giá đó là dùng luật rừng để đẩy tôi vào tù tội giữa ban ngày.

Nhưng tôi còn một nỗi buồn đau mà tôi cần viết ra đây ngay để mọi người hãy cùng tôi phải làm.

- Quảng Cáo -

Ngày 8/1/2012, Tôi đi dự phiên tòa ở Vinh, nơi người ta xét xử sơ thẩm 17 thanh niên Công giáo phạm tội “ Hoạt động lật đổ Chính quyền” Khi đó, với tôi, Đặng Xuân Diệu không phải là một cái tên làm tôi quá chú ý so với Lê Minh Sơn.

Hai năm sau, ngày 23/4/2014, tại trại tạm giam số 2, công an thành phố Hà Nội, một chuyến xe với một đội dẫn giải chỉ dẫn duy nhất một mình tôi- tên tù với tội danh bị ghép cho là “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đi Trại giam.

Đến 11 giờ 30 cùng ngày tôi được dẫn vào khu KI6- Khu Kiên Giam, Kỷ luật, sau khoảng 4  giờ 30 phút người ta làm xong  các thủ tục cần thiết để bàn giao tôi.

KI6 là một khu giam biệt lập ngăn cách với xung quanh bằng tường cao và lưới thép, gồm 2 dãy nhà chức năng. Dãy thứ nhất gồm 6 buồng, mỗi buồng diện tích khoảng 6 đến 7 m2 có gắn Cùm chân để nhốt các phạm nhân vi phạm kỷ luật trong 10 ngày theo một lệnh kỷ luật. Dãy thứ 2 gồm 8 buồng, chia làm 2 hướng, mỗi hướng 4 buồng áp lưng vào nhau với diện tích mỗi buồng khoảng khoảng 10 m2 trong đó có đắp 2 bệ nằm diện tích mỗi bệ 2m2, 1 bể nước 80l, 1 bệ xí, dùng để nhốt những phạm nhân sau khi xuống cùm nhưng xét thấy chưa hoặc không  cho ra buồng chung.

Mỗi buồng như thế, thường nhốt 2 người nhưng cũng không thiếu khi nhốt tới 4 người. Buồng có 3 ô thông hơi, mỗi ô diện tích khoảng 0,12m2, cửa đóng kín cả ngày, phạm nhân chẳng được làm gì ngoài việc đợi ăn ngày 2 bữa.

Tôi được dẫn vào buồng số 7 sống cùng với một phạm nhân khác. Buồng tôi được cung cấp 1 quạt điện, được hạ đèn đủ ánh sáng trong buồng, có đủ nước lọc để uống và ban ngày được mở cửa buồng thông ra sân, được sử dụng 1 buồng phụ có gắng thêm 1 bệ xí bệt, một bể nước dung tích khoảng 500l, đó là những buồng khác không có.

Phạm nhân gọi khu này là khu chuồng cọp khiến tôi nhớ tới cách nói của người Cộng Sản về chế độ nhà tù hà khắc của bọn thực dân, đế quốc ngày xưa. Sau này,  ở lâu tôi hiểu,  cả người Cộng Sản và bọn phạm nhân ngày nay đặt tên như thế đều vô cùng chính xác. Những con người nhét trong một không gian kín, không được làm gì, chỉ có đợi ăn ngày 2 bữa, không có đời sống tinh thần, nóng bức, bẩn thỉu nên cởi hết áo quần, suốt ngày hếch mặt qua cái lỗ thoáng nhìn ra ngoài, lâu lâu có một vài người đi qua nghé mắt nhìn vào thật chẳng khác nào lũ thú ở trong các công viên thật!

Khi nghe có tiếng đập tường. Phạm nhân ở  cùng tôi bảo:

– Thằng tù buồng  đối đít đập đấy anh ạ. Thằng này án giết người nhưng lại không nhận tội nên “các ông” ấy nhốt vào đây hết án cũng như anh. Nó làm ám hiệu có ý muốn “ tâm sự” với anh đây! Tùy anh quyết định.

Tiếng đập tường cứ vang lên như thế mỗi ngày nghe có cái gì đó thật mòn mỏi nhưng tôi vẫn quyết định im lặng bởi tôi không thích  nói chuyện với kẻ giết người.

Là bao nhiêu ngày như thế đã trôi qua, tôi không còn nhớ nổi nữa vì nỗi ân hận, khi một ngày kia, một tù nhân đã “thông ngôn” cho tôi rằng,  người tù ở buồng đối đít ấy là một thanh niên Công giáo Nghệ An tên Đặng Xuân Diệu, bị kết án 13 năm với tội danh Hoạt động lật đổ Chính quyền.

Tôi đã nói chuyện với Đặng Xuân Diệu ngay nhưng rất khó khăn do 2 buồng quay lưng lại nhau, phần khác tôi có cảm giác tai cậu ấy đã bắt đầu bị ù rồi thì phải!!!

Tôi ân hận dày vò vì đã tàn nhẫn với tiếng đập tường thảm thiết kia:

Đặng Xuân Diệu, mà tôi coi như người em trai của tôi bị bắt ngày 30/7/ 2011 ở sân bay Tân Sơn Nhất- Sài Gòn sau khi vừa từ nước ngoài trở về với một khóa học Kỹ năng quản lý doanh nghiệp, nhưng người ta bảo em tôi tham gia khóa học huấn luyện của tổ chức Việt Tân.

Ngày 15/8/2012, em tôi nằm ngất trên vũng máu khi người ta  thẩm vấn em. Người ta tịch thu hết đồ đạc, tài sản của em nhưng không trao cho em biên bản thu giữ đồ vật.

DXDieu2Sau án sơ thẩm tuyên ngày 15/1/2013, em không kháng án mà viết đơn kêu oan tố cáo đã bị đánh đập đến thương tích, bị thu giữ tài sản bất hợp pháp, bị ép cung, mớm cung và kết tội oan dựa trên những lời khai không đúng của người khác.

Em lên Trại giam số 5 ngày 19/4/2013, ở K2 hai ngày sau đó chuyển sang khu Biệt giam này với lệnh Giam Riêng vô thời hạn. Ở đây cán bộ trại giam đã áp dụng phương pháp dùng tù đánh tù.

Đặng Xuân Diệu được bố trí “sinh hoạt” cùng một Anh tù Giết người sinh năm 1960, người Hà Nội hơn em gần 20 tuổi. Buồng của Diệu cũng được “Ban Ưu tiên” cho mở lồng cọp vào ban ngày, cho 1 chiếc quạt và đến mùa thu năm ấy thì cũng có nước lọc để uống nhưng Anh tù chung lại bảo đó là của Ban cho riêng Anh, nên Anh không cho Diệu được ngồi quạt, không cho uống nước lọc mà bắt Đặng Xuân Diệu phải uống nước dùng để tắm!

Do bản tính cương cường không chịu mặc áo tù, không khuất phục trước những sai trái của trại giam, Cán bộ trại đã cho hành hạ để đánh gục tinh thần Diệu bằng cách để cho người tù hình sự này ép Diệu phải ngồi làm mẫu cho anh ta vẽ. Anh vẽ những bức hình nữa người nữa chó và được các cán bộ và Ban khen vẽ khéo nên anh ta vẽ đầy buồng. Diệu cũng bị ép phải đun nước để có nước nóng pha trà cho gã tù hình sự uống hằng ngày bằng các thứ nhựa tận dụng trong một cái buồng bé tí tẹo như thế với mùi khét độc hại. Đặng Xuân Diệu đã phải sống như thế trong 186 ngày. Trong thời gian này Diệu cũng đã 3 lần làm đơn trình báo về tình trạng trên nhưng không ai xem xét cho tình trạng của em.

Ngày 12/2/2014, Đặng Xuân Diệu bị đi  Cùm vì người ta bắt được trong đồ đạc của một tù nhân mãn hạn tù bức thư em gửi một vị Cha đạo.

Ngày 22/2/2014, em xuống Cùm sau 10 ngày tuyệt thực và có nhiều ngày không có cả nước  mà uống, em viết đơn yêu cầu Trại giam phải đảm bảo các quyền tối thiểu cho 1 con người dù là phạm nhân bị kỉ luật, vì em nói khi vào kỷ luật, ngoài bị cùm 1 chân như quy định thì tù nhân còn bị đối xử như một con vật: thiếu nước uống,  không được tắm giặt, rửa mặt, đánh răng, không đủ chăn ấm, sống chung cạnh chất thải  nước tiểu và phân cũng như không có vật lau chùi sau khi vệ sinh suốt 10 ngày đó.

Tôi khâm phục Đặng Xuân Diệu. Thật sự khâm phục em bởi thời gian ở Trại của mình, tôi luôn biết được việc em luôn đấu tranh yêu cầu Trại phải đảm bảo các quyền tù nhân và quyền  con người cho các anh em tù nhân ở khu Kiên giam- kỷ luật.  Diệu đấu tranh cho các quyền của người tù ở đây bị tước đoạt như: Quyền đọc sách báo, quyền tiếp cận thông tin, quyền được thăm gặp, điện thoại, nhận quà của người thân gia đình để đảm bảo đời sống tối thiểu của một con người! Khâm phục em vì cũng nhiều lần như thế em bị người ta nhục mạ, thậm chí là đã từng bị đánh đập… nhưng em vẫn quyết làm.

Tôi đau đớn từng ngày, bởi từng ngày tôi cảm nhận được sức nóng của con tim em vươn tới tự do và ánh sáng cho những người xung quanh, nhưng em thì đang héo hon mòn mỏi mỗi ngày của 18 ngày tuyệt thực trong một năm, để phản đối bản án bất công dành cho mình. Và suốt 7 tháng qua Diệu bỏ thêm 1 bữa trưa để phản đối cách hành xử hà khắc “ chẳng khác gì chế độ nhà tù thực dân đế quốc tàn bạo” mà chế độ tự xưng là “ngàn lần tươi đẹp, văn minh dân chủ” này đang dội xuống mọi tù nhân quanh em.

Hôm nay, tôi biết nói gì đây với người mẹ già 70 đang mỏi mòn chờ đợi con, khi em tôi gọi tôi là Anh sau những bức tường Câm đầy vô cảm kia!

Hôm nay, tôi biết nói gì đây với mọi người khi hằng ngày em tôi gào lên trong 4 bức tường:

– Tôi đói. Tôi muốn ăn để sống! Nhưng tôi ăn sao nổi khi tôi bị người ta bóp cổ và hành hạ!

Tôi đau khổ bởi cho đến ngày về, người ta vẫn không cho tôi được làm một cái việc nhỏ nhoi là cho lại người em mình mấy thứ đồ hèn mọn, được chào em, được nhìn mặt em, biết đâu là lần cuối, dù tôi đã làm đơn gửi một người Giám thị có lòng nhân từ trong trại giam nhưng vẫn bị ông ta từ chối.

Ngày gần về, tôi khóc nức nở khi nghe em dặn dò tôi 51 chữ dứt lòng gửi mẹ già và vị Giám mục kính yêu của em để em có thể sẵn sàng Ra Đi bất cứ lúc nào vì một sự Tự do.

Xin đừng nói với người mẹ già vẫn mòn mỏi chờ con

Rằng người thanh niên khát sống đã không còn muốn sống

Đừng nói với mẹ rằng

tự do đã cúi đầu trước đám đông câm lặng

Dân tộc này

sẽ hoài chìm trong bóng đêm

“Hương Giang – Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta”

Thưa quý thính giả, vì thời giờ có hạn, chúng tôi xin phép được tạm ngừng chương trình nơi đây. Xin quý vị hãy cùng chúng tôi góp lời cầu nguyện cho anh Đặng Xuân Diệu được bình an trong trại giam, và hãy cùng chúng tôi lên tiếng cho anh và các tù nhân lương tâm đang bị ngược đãi với thế giới. Mai Hương và Vương Đạo xin thân ái chào tạm biệt, kính mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện về tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu vào chương trình kỳ tới.

 

 

 

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. That hai hung cai che do csvn qua la ac doc.Khong co trai tim nhan dao nguoi doi voi nguoi.Can phai dua che do vc ra truoc vanh mong ngua cua toa an quoc te.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here