Mấy tuần nay tin tức về biển Đông vắng hẳn, cả trên báo in lẫn trên mạng. Có phải vì biển Đông đã thật sự “lặng sóng”?
Tôi không tin. Trong tôi luôn thường trực câu hỏi : điều gì đang xảy ra ngoài đại dương thăm thẳm kia, nơi những chiếc tàu nhỏ của ngư dân Việt còn nhỏ hơn cả vỏ thóc và mạng sống của mỗi ngư dân Việt còn mỏng manh hơn cả một cánh chuồn chuồn trong cơn siêu bão.
Và tôi nhớ đến những lần tàu lớn-tàu nhỏ, tàu quân sự-tàu giả dân sự Trung cộng đã đâm, húc, cướp của, bắt người, đánh đập, sỉ nhục, và cả giam cầm những ngư dân Việt đang đánh bắt trên vùng biển thuộc đất nước mình, vùng biển mà ông cha họ đã ghi dấu từ cả ngàn năm trước.
Và tôi nhớ chuyện Trung cộng đã nhân số lượng giàn khoan lên gấp nhiều lần, chắc chắn không phải để ngâm nước ngắm chơi ở vùng biển quanh đảo Hải Nam.
Và tôi nhớ rõ nhất chuyện ngư dân Việt được huy động để cùng sát cánh với cảnh sát biển Việt Nam “khẳng định chủ quyền biển đảo” khi giàn khoan 981 đang tác oai tác quái trên vùng biển của chúng ta. Bởi vì, cả số lượng lẫn “chất lượng” của tàu cảnh sát biển Việt Nam đều quá thấp so với một lực lượng hùng hậu tàu quân-sự-đội-lốt-dân-sự và tàu quân sự với vũ khí khủng để sẵn sàng đánh nhau của Trung cộng.
Rõ ràng, nếu không có tàu đánh cá của ngư dân thì những tàu cảnh sát biển Việt Nam sẽ đơn độc lọt thỏm giữa vòng vây của “biển tàu” Trung cộng. Và tôi nghĩ, hơn bất cứ ai trong 90 triệu công dân Việt, những cảnh sát biển Việt Nam ý thức rõ nhất phải làm gì để bảo-vệ-chủ-quyền: có thể hy sinh cả mạng sống, điều không thể tránh trong mọi cuộc chiến tranh.
Giữa biển trời bao la với lũ giặc cướp hung hăng và manh động, các cảnh sát biển Việt Nam chắc chắn cảm thấy đỡ trống lưng hơn rất nhiều khi có những đồng bào mình ở chung quanh, cho dù đó chỉ là những ngư dân tay không tấc sắt. Bởi vì, 90 triệu người dân tay không đó là một sức mạnh có thật.
Nghĩa là họ biết rõ chính mình đang dựa vào dân, được dân bảo vệ, chứ không phải chỉ là họ đang bảo vệ chủ quyền, cũng có nghĩa là bảo vệ người dân…
Và tôi nhớ những chuyến đi, tới những vùng đất từng bị chiến tranh giày xéo trên quê hương Quảng Nam của mình. Dù đi bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam,điều tôi muốn biết rõ nhất vẫn là, người dân đã sống và làm gì trong suốt cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn bạo đến thế.
Quảng Nam là một vùng đất phải trả giá rất cao cho cuộc chiến vừa qua. Nếu Hollywood đã có phim Đồi thịt băm về chiến tranh Việt Nam thì một số vùng quê ở Quảng Nam đã được chính những cán bộ miền bắc gọi tên là Cối-xay-thịt. Bởi vì, về đất ấy thì chỉ có chết.
Tôi đã đến những xã mà cả mấy thế hệ thanh niên đều chết sạch. Lớp trước chết, lớp sau lớn lên trong những gia đình mà cha anh đã bị giết, lại đi cầm súng đánh nhau, lại chết. Và lớp sau nữa, cũng thế. Thật khủng khiếp. Những xã đó, sau 1975, hết sạch đàn ông, phải tăng cường cán bộ từ nơi khác về để có người làm việc.
Ở những nơi đó, vào những thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến, người dân đã được vận động để đừng bỏ chạy về thành phố mà ở lại, “bám trụ” cùng cán bộ. Có dân trụ lại, dù chỉ năm ba nóc nhà và chỉ sống trong hầm 24/24 giờ, thì cán bộ mới có nơi để bám víu, có chỗ để ẩn náu, để được dân nuôi, được dân che chở…
Nghĩa là, “cách mạng” lúc ấy rất biết dựa vào dân, ý thức rõ sức mạnh đến từ dân…
Có vẻ như khi Trung cộng đưa giàn khoan 981 và xua cả đội tàu quân sự hung hăng tràn xuống chiếm biển Đông thì cái “ý thức” trên đã sống lại trong những người cầm quyền
Việc ngư dân Việt Nam được kêu gọi hãy tiếp tục ra khơi đánh bắt trên vùng biển truyền thống của Việt Nam, bất chấp giàn khoan và lũ ưng khuyển đang gầm gừ de dọa có gì đó rất giống trước đây, khi người dân nông thôn được tuyên truyền để dù có chết thì vẫn “một tấc không đi, một li không rời”, mặc kệ đạn bom đang ào ào trút xuống đầu mình…
Nhưng đó là thời chiến, người dân sẵn sàng hy sinh mà không hề đòi đền đáp, vì “cách mạng” lúc ấy vẫn đang đói ăn- lạt muối trong rừng, trong hầm hố, dưới đạn bom. Còn ngày nay, “cách mạng” đã nắm quyền, đã chính danh trước toàn cầu, nên không thể để người dân lại hy sinh và gánh chịu một mình.
Trước thế giới, chúng ta là một đất nước có chủ quyền, và mạng sống của mỗi công dân Việt cũng quý giá ngang bằng với công dân của bất cứ nơi nào trên thế giới.
Khi công dân bị xâm phạm tài sản và sinh mạng bởi một thế lực bên ngoài, chính quyền phải có biện pháp, phải có chiến lược, có kinh phí hỗ trợ và phải bảo vệ tài sản và sinh mạng người dân, phải đưa những kẻ xâm phạm ra trước công pháp quốc tế.
Chúng ta từng nghe thông tin những ngư dân bị cướp phá và hành hung trên biển Đông đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung cộng trước tòa án quốc tế. Việc ấy đến đâu rồi ? Chính quyền đã làm gì để hỗ trợ người dân?
Trung cộng thì vẫn đang gấp rút xây căn cứ ở trên đảo chìm Gạc Ma, trong khi chờ mùa bão qua để tiếp tục mùa xâm lược mới. Cái tên Gạc Ma ngàn đời sẽ vẫn là mũi dao nhọn đâm vào tim mỗi người dân Việt một cách đớn đau căm hận. Gạc Ma, nơi những liệt sĩ của chúng ta vẫn đang nằm lại đâu đó trong lòng biển Đông và đang bị bê tông của bọn xâm lược xây đè lên thân thể.
Khi mùa bão qua rồi, biển Đông sẽ ra sao ? Trung cộng lại tiếp tục ngang nhiên thực hiện từng bước kế hoạch xâm lấn và sau đó, lại sẽ cùng Việt Nam ký kết một văn bản nào đó để khẳng định không mệt mỏi: “Không làm phức tạp thêm tình hình”? Những văn bản loại đó có vẻ chỉ ràng buộc một phía Việt Nam.
Hoàng Sa đã bị xâm chiếm và Trung cộng đã lập chính quyền, xây hải đăng, trường học, tổ chức du lịch, chuẩn bị đưa dân ra sinh sống… TrườngSa cũng bị xâm chiếm và đang chuẩn bị trở thành căn cứ quân sự quan trọng trong việc cướp trọn biển Đông của Trung cộng.
90 triệu người dân là một sức mạnh. Trong cuộc chiến tranh 1954- 1975, nếu không dựa vào dân, liệu “cách mạng” có thắng trong cuộc chiến và chiếm được chính quyền? Với cuộc chiến tranh bảo vệ biển Đông của Việt Nam hiện nay, lãnh đạo Việt Nam sẽ dựa vào đâu để chống lại cuộc xâm lăng của Trung cộng? Họ có tiếp tục dựa vào dân và biết cách bảo vệ dân?
Lẽ nào một chính quyền lại không muốn dựa vào dân? Và nếu thế, họ sẽ dựa vào ai ?