Hệ lụy của việc xóa sồ chợ Tân Bình, và thương xá TAX
Sau khi bất ngờ nhận được thông báo của nhà cầm quyền sẽ xóa sổ chợ Tân Bình, thì vào sáng ngày 25 tháng 9, năm 2014, khoảng 300 tiểu thương quận Tân Bình, Sài Gòn đã tụ họp để tham dự cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lên kế hoạch phá huỷ chợ Tân Bình hiện nay, để xây lên một ngôi chợ mới cao 6 tầng cùng với một trung tâm thương mại nằm cạnh.
Hầu hết các tiểu thương hiện diện tại cuộc biểu tình đều cho rằng tất cả các ngôi chợ cao tầng ở Sài Gòn Chợ Lớn như chợ An Đông, chợ Bình Tây… đều đang lâm vào tình trạng ế ẩm, hầu như tiểu thương chỉ có thể kinh doanh được ở tầng thấp nhất của ngôi chợ. Người biểu tình nói rằng, các tiểu thương nhận được sạp từ tầng 3 trở lên của ngôi chợ mới trong tương lai, đều coi như “cầm chắc giấy báo tử trong tay”! Nhiều người nói chính quyền Tân Bình chỉ cần tu sửa chợ là tốt rồi, chứ không cần phải xây chợ mới, hoang phí tiền bạc của người dân, và chỉ có cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam là được lợi.
Còn tại thương xá TAX ở góc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, Sài Gòn khoảng 2 giờ chiều ngày hôm nay 25 tháng 9, năm 2014, nhiều người Sài Gòn đã rơi nước mắt khi nghe tiếng loa phát thanh vang lên từng chữ một, nói rằng “thương xá TAX chính thức ngừng hoạt động.” Rất nhiều người Sài Gòn bu quanh vòng rào chắn phía ngoài để nhìn ngắm lần cuối khu trung tâm thương mại cổ kính 130 năm tuổi, bất chấp trời đang đổ mưa. Nhân vật cuối cùng giữ vai trò quản trị thương xá TAX thú nhận cho đến giờ này cũng không xác định được rõ ràng hoàn cảnh của 600 tiểu thương từng có mặt mỗi ngày tại thương xá TAX thời gian qua. Họ được khuyến cáo dời đến khu vực mua bán ở quận 8 và quận 10 để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, không ai biết được rằng liệu có bao nhiêu người sẽ tiếp tục và bao nhiêu người quyết định rời bỏ việc mua – bán ngày càng nhiều bấp bênh, bởi hàng loạt dự án thả mồi bắt bóng của các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam.
Các dự án không bền vững, không báo trước, đã đặt người kinh doanh trong tình thế bị động, đầy rủi ro, vì không thể nào nắm chắc được tương lai của mình trong một thời gian, đủ để thu hồi số vốn đầu tư ban đầu.
Nhiều người đoạt giải Nobel Hòa Bình tẩy chay Nam Phi
Một số nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa Bình vừa quyết định không tới tham dự cuộc họp thường niên ở Cape Town, Nam Phi, vì Ðức Ðạt Lai Lạt Ma không được cấp chiếu khán vào quốc gia này. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1989.
Tổ chức mang tên “Ðề Xướng Nobel Phụ Nữ,” được những phụ nữ từng đoạt giải Nobel Hòa Bình thành lập, cho hay trong một bản thông cáo đưa ra tuần này rằng Trung Quốc đã tạo áp lực đối với các quốc gia trên thế giới để ngăn cản sự di chuyển của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng như sự giao tiếp của ngài với các nhà lãnh đạo chính trị quốc tế.
Nam Phi có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và trước đây từng không cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến quốc gia này.
Hồi đầu tháng này, một nhóm gồm 14 người từng đoạt giải Nobel cũng gửi thỉnh nguyện thư tới Nam Phi để yêu cầu cấp chiếu khán cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.
Phía Nam Phi cho hay tòa đại sứ quốc gia này ở New Delhi vẫn đang cứu xét thì Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cho hay hủy chuyến đi, do đó vấn đề được đóng lại.
Lần trước đây, phía Nam Phi cũng kéo dài thời gian cứu xét cho tới cận ngày khai mạc mà vẫn chưa cho biết kết quả nên sau cùng ngài đành phải hủy bỏ chuyến đi.
Những người không đến dự cuộc họp của các nhà từng đoạt giải Nobel ở Nam Phi trong thời gian từ ngày 13 đến 15 Tháng Mười tới đây gồm Shirin Ebadi, một luật sư gốc Iran; Leymah Gbowee, người gốc Liberia tranh đấu cho nữ quyền; Jody Williams, tranh đấu chống mìn bẫy; và một đại diện của tổ chức vận động chống mìn bẫy do bà Williams lãnh đạo.
Học sinh Hồng Kông tham gia phong trào đòi dân chủ
Hôm 26/09 gần 1.000 học sinh trung học Hồng Kông đã tham gia phong trào đòi dân chủ, phản đối việc Bắc Kinh từ chối cho đặc khu hành chính được tổ chức phổ thông đầu phiếu.
Đông đảo học sinh biểu tình trước trụ sở chính quyền Hồng Kông, góp thêm tiếng nói vào phong trào bãi khóa kéo dài suốt tuần này do sinh viên các trường đại học khởi xướng hôm thứ Hai 22/9. Nhiều học sinh cho biết dù cha mẹ không muốn, nhưng các em vẫn nhất quyết tham gia phong trào đòi bầu cử dân chủ.
Sinh viên đóng vai trò đầu tàu trong chiến dịch bất tuân dân sự, cùng với các nhà đấu tranh dân chủ, chống đối lại quyết định của Bắc Kinh nhằm thanh lọc những ứng cử viên muốn tranh chức Trưởng đại diện Hồng Kông trong kỳ bầu cử tới.
Được biết vào ngày 22/09, rất đông sinh viên đã biểu tình tại một trường đại học phía bắc đặc khu, mà theo các nhà tổ chức thì số lượng lên đến 13.000 người, thổi một làn gió mới vào phong trào đấu tranh đang bị choáng váng bởi thái độ quá cứng rắn của Bắc Kinh.
Tối ngày 25/09, trên 2.000 người đã tập hợp phản đối trước tư gia của Trưởng đại diện Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying), hy vọng sẽ đối thoại trực tiếp với ông, vì cho đến nay, Lương Chấn Anh vẫn từ chối nói chuyện với sinh viên hay gặp gỡ các lãnh tụ sinh viên.
Các cuộc thăm dò cho thấy thế hệ trẻ Hồng Kông có khuynh hướng chỉ trích Bắc Kinh hơn cha mẹ, và sinh viên học sinh đã trở thành một khối chủ chốt trong những phong trào đấu tranh dân chủ Hồng Kông.
Theo các nhà tổ chức, đã có 1.200 học sinh tham gia chiến dịch bãi khóa, và từng giờ lại có thêm nhiều sinh viên học sinh cũng như những người dân bình thường kéo đến trước trụ sở chính quyền để đấu tranh.
Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố người dân Hồng Kông lần đầu tiên được phép bầu Trưởng đại diện vào năm 2017, nhưng chỉ có hai hoặc ba ứng cử viên được một ủy ban thân Bắc Kinh chuẩn y trước mới được tham gia ứng cử.
Tưởng cũng cần nhắc lại, Anh quốc đã trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997 với thỏa thuận cựu thuộc địa này được trao thể chế « Một quốc gia, hai chế độ», với các quyền tự do công dân mà Hoa lục không có được, kể cả tự do ngôn luận và quyền biểu tình.
Theo tin tức mới cập nhật thì tình hình hỗn loạn đã xảy tại Civic Square, Hồng Kông, khi công an cảnh sát dùng nước và hơi cay trấn áp sinh viên học sinh khi đoàn biểu tình tiến vào khu vực này. Trước đó cũng đã có những cuộc đụng độ nhỏ với cảnh sát, nhưng các cuộc biểu tình vẫn khá ôn hòa và công chúng được tự do tụ họp tại công viên Tamar, nằm giữa trụ sở của chính phủ và cơ quan lập pháp.
Tin ghi nhận cho biết có ít nhất có 4 sinh viên đã bị bắt tạm giữ ở Civic Square, trong đó có thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong. Nguồn tin cũng nói là có hai sinh viên đã bị thương.
Theo Phát ngôn nhân của Liên hội Sinh viên, nơi đứng ra tổ chức chiến dịch bãi khóa tuần này, ngoài Joshua Wong, các thủ lĩnh sinh viên khác, Alex Chow Yong-kang and Lester Shum cũng đã bị bắt giữ.
Được biết lực lượng học sinh các trường đã nhập cuộc trong những ngày qua đã gây lo ngại cho chính quyền thân Bắc Kinh.
Trên những con đường quanh co qua những tòa nhà thương mại dẫn đến tòa nhà chính phủ, đoàn biểu tình tuần hành mang theo bức ảnh khổng lồ của Leung Chun-ying có răng nanh “ma cà rồng hút máu” cùng những biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu đòi nhà lãnh đạo được Bắc Kinh hậu thuẫn này phải từ chức.
Đám đông cũng hô đòi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hãy để yên các vấn đề liên quan đến phát triển chính trị của Hồng Kông.
Được biết, những người biểu tình nhằm đòi hỏi dân chủ đầy đủ dự trù nếu không được đáp ứng, sẽ tiếp tục gia tăng cường độ đến cao điểm “Occupy Central”, phong tỏa đường phố trong khu vực tài chính quan trọng của thành phố vào ngày 1 tháng 10 tới đây.