Hà Nội chơi chiêu chiếm ‘đất vàng’, xây 1000 siêu thị
Ðể thâu tóm những vị trí bất động sản “vàng” mà không tạo dư luận, nhà cầm quyền Hà Nội đã tung chiêu trò chơi bất động sản bằng cách “quy hoạch 1,000 siêu thị.”
Theo báo Ðất Việt, bản quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, nhà cầm quyền sẽ đầu tư xây mới 999 siêu thị bao gồm : 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba.
Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba.
Theo quy hoạch, vốn đầu tư khoảng $200 tỉ USD, phần lớn được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.
Trong khi đó, thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của Việt Nam đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B’mart (BJC)…
Bên cạnh chuyện nguồn vốn khó có thể huy động, việc mở rộng ngoài vấn đề công suất sử dụng, vấn đề giao thông, môi trường đô thị…, thì nguồn cung cho hệ thống bán lẻ sẽ như thế nào ? Không thể siêu thị mọc lên nhưng nguồn cung không kiểm soát, thống nhất.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thạc Sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Trị Thế Giới cho rằng, thực chất đây là trò chơi bất động sản của vài “nhóm lợi ích” nào đó, chứ không phải là sự phát triển kinh tế xã hội thông thường.” Ông Sơn phân tích thêm, “Với lý do để biến những ‘khu đất vàng’ trong khu vực nội đô thành siêu thị, họ sẽ cho dọn những công trình công cộng như nhà trẻ, chợ… đi ra chỗ khác một cách hợp pháp. Sau đó cho xây ‘đại siêu thị’ cao tầng, nâng giá thuê các quầy sạp khiến các tiểu thương buôn bán tại chợ không đủ khả năng thuê mướn phải chạy ra chỗ khác. Ðể rồi sau đó các tầng sẽ được cho thuê làm văn phòng, dịch vụ…,”
Ðồng quan điểm, Giáo Sư Tiến Sĩ Ðặng Ðình Ðào, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Phát Triển Hà Nội bày tỏ, “Siêu thị bán lẻ hiện đại là cần thiết đối với Hà Nội, tuy nhiên quy hoạch ở mức 1,000 siêu thị thay thế toàn bộ chợ truyền thống ở trung tâm nội thành là không phù hợp với thực tế.
Bài học từ Chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da “chợ không ra chợ” còn đó. Vì vậy nói cho cùng mục tiêu của họ hướng tới chính là bất động sản “vàng” giữa lòng Hà Nội.
Dân hoang mang sợ bị đòi lại tiền đền bù đất
Nhiều gia đình người có đất bị thu hồi trong dự án cụm công nghiệp tại xã Ðức Hòa Ðông, huyện Ðức Hòa, Long An đang hoang mang tột độ vì bị đòi lại tiền đền bù giải tỏa đất từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Một sự việc chưa có tiền lệ.
Theo báo Người Lao Ðộng, ngày 26 tháng 7 năm 2013, tỉnh Long An ban hành quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp Ðức Hòa Ðông Hải Sơn, thu hồi diện tích hơn 246 hec ta từ đất trồng lúa.
Trong năm 2013, công tác thu hồi đất, đền bù được tiến hành nhanh chóng. Người dân đã nhận đủ tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao đất cùng tài sản trên đất cho chủ đầu tư là công ty Hải Sơn.
Tuy nhiên, đầu tháng 1 năm 2014, chủ tịch huyện Ðức Hòa ban hành văn bản điều chỉnh giảm số tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân với lý do, “Ðiều chỉnh giá trị nhà cửa, ranh đất, vật kiến trúc theo biên bản xác định lại thời điểm trên đất nông nghiệp.”
Cụ thể, với 12,569 m2 đất bị thu hồi, hộ ông Nguyễn Văn Út nhận hơn 2.2 tỉ đồng tiền bồi thường, nay giảm xuống còn hơn 1.7 tỉ đồng.
Hộ ông Nguyễn Văn Quý có 7,166 m2 đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ hơn 2,6 tỉ đồng, nay phải trả lại gần 1.2 tỉ đồng…Ngoài ra còn rất nhiều hộ dân khác cũng bị tình trạng như trên.
Trước đó, huyện Ðức Hòa đã ký hàng loạt văn bản điều chỉnh quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo hướng giảm mức tiền mà các cơ quan thẩm quyền đã kiểm kê, định giá và chi trả cho dân theo thỏa thuận.
Ðáng nói là sau khi nhận được quyết định điều chỉnh của huyện, nhiều hộ dân bị công an huyện mời lên làm việc, yêu cầu phải nộp lại tiền.
Theo Luật Sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia Sài Gòn, “Nếu huyện Ðức Hòa cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ có sai sót về mức giá thì quan, viên chức có liên quan tới việc lập phương án này phải chịu trách nhiệm và bồi thường số tiền thất thoát cho nhà nước, không thể yêu cầu người dân nộp lại số tiền bồi thường.
Mặt khác, hiện tại không có quy định nào cho phép huyện được quyền điều chỉnh mức giá, số tiền bồi thường cho người dân đã được thể hiện tại phương án bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là trường hợp đã chi trả tiền bồi thường.
Hơn nữa, việc thu hồi lại số tiền chênh lệch theo công văn của huyện là việc dân sự, không phải là hình sự nên công an huyện tham gia vào việc này là có dấu hiệu lạm quyền.
Trung Cộng dùng Gạc Ma làm bàn đạp tấn công
Qua sự theo dõi những thay đổi đáng kể trên đảo Gạc Ma, mà Trung Cộng đang tiến hành, hai chuyên gia quốc phòng của IHS Jane’s cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh dùng các điểm này làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu của các nước cùng có tranh chấp trong khu vực.
James Hardy và Sean O’Connor trên tạp chí IHS Jane’s, chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng, các hình ảnh vệ tinh từ Tổ chức Quốc phòng và Không gian Airbus cho thấy mức độ thay đổi đáng kể trong việc xây dựng của Trung Cộng trên đảo Gạc Ma ở Trường Sa.
Hồi tháng 6, hệ thống theo dõi tự động AISLive của IHS Jane’s ghi nhận tàu Ting Jing Hao, một tàu thực hiện nạo vét hầu hết công trình khai hoang của Trung Cộng ở Trường Sa, đến đá Châu Viên ba lần kể từ tháng 9 năm ngoái. Ting Jing Hao cũng đến đá Ga Ven, ở trung tâm của Trường Sa và gần tới đảo Ba Bình.
Các hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là thách thức lớn với hiện trạng Biển Đông, khi họ tạo nên các cơ sở có năng lực hỗ trợ binh lính đồn trú ở các khu vực rất gần với các điểm mà các nước khác chiếm giữ ở Trường Sa. Các sự kiện trong lịch sử xung đột ở Biển Đông cho thấy những cơ sở như vậy có thể được dùng làm điểm xuất phát cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu gần đó.
Chương trình mở rộng, khai hoang ở Trường Sa của Bắc Kinh phớt lờ Tuyên bố DOC năm 2002 mà Trung Cộng ký với ASEAN, trong đó các nước có liên quan cam kết không làm phức tạp tình hình.
Sinh viên Hồng Kông bắt đầu tuần lễ bãi khóa, phản đối Bắc Kinh
Hôm 22/09/2014, giới sinh viên Hồng Kông bắt đầu cuộc bãi khóa trong vòng một tuần để phản đối thái độ của chính quyền Bắc Kinh hạn chế, thậm chí bóp nghẹt các cải cách liên quan đến việc bầu cử lãnh đạo cơ quan hành pháp của lãnh thổ này.
Kể từ ngày 23/09, một trường đại học mở sẽ được tổ chức ở quảng trường Tama, trước trụ sở Hội đồng lập pháp, ở ngay trung tâm Hồng Kông. Các giáo sư sẽ lần lượt lên giảng các bài liên quan đến việc thức tỉnh ý thức chính trị công dân, tư tưởng phê phán, tự do ngôn luận, chủ nghĩa toàn trị, các quyền phổ quát của công dân… Đó là những chủ đề làm cho Bắc Kinh rất khó chịu, nhưng có mục đích nâng cao ý thức chính trị của người dân Hồng Kông »
Một giáo sư thuộc ban khoa học xã hội của trường đại học Khoa học công nghệ Hồng Kông, người đứng đầu phong trào đấu tranh của các giảng viên, nói : ‘Chúng tôi cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy các sinh viên thực hành những gì họ đã học. Họ xứng đáng được hưởng sự ủng hộ của chúng tôi’. Khoảng 400 học giả và nhân sự không giảng dạy ở các trường học cũng bãi công để ủng hộ cho học sinh sinh viên.
Xin nhắc lại, cách bầu lãnh đạo ở Hong Hong đã gây căng thẳng trong những tháng qua và làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối từ cả hai phía ủng hộ dân chủ và ủng hộ Bắc Kinh. Chính quyền Bắc Kinh trước đó từng hứa cho người dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp trưởng đặc khu vào năm 2017. Nhưng hồi tháng Tám, họ quyết định rằng cử tri Hong Kong chỉ có thể bầu chọn từ một danh sách hai hay ba ứng cử viên do một ủy ban đề cử. Các nhà hoạt động dân chủ cho rằng điều này sẽ giúp Bắc Kinh loại bỏ những ứng cử viên mà họ không thích. Tuy nhiên, phe ủng hộ Bắc Kinh thì cho rằng những người biểu tình đang phá vỡ hòa bình và ổn định của Hong Kong. Các sinh viên biểu tinh nói rằng quyết định của Bắc Kinh không đưa đến nhiều quyền dân chủ hơn mà người dân Hong Kong đã được hứa hẹn khi lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Các sinh viên hoạt động dân chủ cũng đang tổ chức một loạt các cuộc tuần hành và diễn thuyết tại một công viên ở gần trụ sở chính quyền.
Đây chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/10 tới do tổ chức cổ súy dân chủ Occupy Central tổ chức.