Bài học Ukraine cho Việt Nam (Phần 1)

- Quảng Cáo -

Bài học Ukraine cho Việt Nam (Phần 1)
Kính thưa quý thính giả, trong mục binh luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài bình luận nhan đề : Bài học Ukraine cho Việt Nam. Bài của Ngô Nhân Dụng, đăng trên Nhật báo Người Việt. Sau đây mời quý vị nghe phần 1 của bài viết.

 ***

UkraineQuân Nga đã tiến sang Ukraine, cả xe tăng và đại pháo. Ông Putin dám hành động như vậy vì đã bắt mạch được phản ứng của các nước Âu Mỹ: Từ bà thủ tướng Ðức, ông thủ tướng Anh, đến các tổng thống Pháp và Mỹ, không ai muốn can thiệp quân sự vào Ukraine.

Họ phong tỏa kinh tế Nga bằng những bước dè dặt, chậm chạp, mỗi bước lại chờ ông Putin “bày tỏ thiện chí” mới. Putin cũng “múa cùng một nhịp,” đi một bước lại nghỉ. Không một nước Tây phương nào dọa sẽ đưa quân NATO sang ngăn cản quân Nga. Quyền lợi quốc gia quyết định thái độ đó. Phí tổn của họ nếu lâm chiến tại Ukraine đem so sánh với các lợi lộc kinh tế cho chính họ nếu giúp Ukraine độc lập và thống nhất. Có lẽ lợi bất cập hại. Mặt khác, họ tin rằng trong tương lai, tính lâu dài, thì kinh tế Nga sẽ suy yếu, quân đội sa lầy ở Ukraine càng tốn kém. Cho nên các nước Tây phương có thể chờ đợi; sẽ đến ngày Ukraine tách hoàn toàn ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, mà địa vị của ông Putin trong tương lai sẽ xuống.

Vladimir Putin tính toán cách khác. Ðối với ông ta thì thể diện của dân tộc Nga quan trọng nhất, và điều này dân Nga đồng ý với ông. Putin có thể hy sinh nhiều mối lợi kinh tế, vì những người bị thiệt thòi nhất là đám dân thường, không phải là giới quý tộc chung quanh ông ta. Nhưng ông cũng là người chơi cờ giỏi, biết kiên nhẫn đi từng bước một.

- Quảng Cáo -

Putin đã xâm lăng Ukraine với bài bản giống như Trung Cộng đã làm tại Việt Nam. Trung Cộng đã tiến từng bước chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, giống như Nga đã chiếm vùng Crimea để đặt cả thế giới trước một “sự đã rồi.” Trung Cộng đánh chiếm thêm nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988, Putin đưa tình báo, mật vụ sang khuấy động ở các tỉnh miền Ðông Ukraine. Khác với chính quyền Ukraine hiện nay, trong những năm 1974, 1988, đảng Cộng Sản Việt Nam không dám nói một lời phản đối quân xâm lược. Không những thế, năm 1990 đám lãnh tụ Việt Cộng lại kéo nhau sang Thành Ðô xin hàng, cúi đầu thần phục.

Hiện nay Trung Cộng có thể cũng đang nghiên cứu kinh nghiệm Putin đang xâm lăng Ukraine, để đem áp dụng với Việt Nam. Putin dùng chiến thuật xâm lăng đi từng bước một; sau mỗi bước lại tạm ngừng để dư luận thế giới phản đối nguội bớt đi. Khi các nước khác đã quen với “tình trạng đã rồi” mới, Putin sẽ đi thêm bước nữa. Sau vụ giàn khoan Hải Dương 891, Trung Cộng sẽ tiếp tục các hành động xâm lấn, cũng từng bước một, trên mặt biển, như Putin đang làm trên mặt đất bây giờ.

Một bài học mà Trung Cộng có thể rút ra từ vụ Putin xâm lấn Ukraine là: Không một quốc gia nào muốn can thiệp cứu một nước nhỏ nếu quyền lợi thiết thực của họ không bị đe dọa. Các chính phủ Âu Châu và Mỹ tính toán lợi, hại, có thể sẽ chỉ giúp Ukraine vừa đủ để quốc gia này không bị mất một phần lớn lãnh thổ. Nếu một vài tỉnh ở phía Ðông nước Ukraine đòi thêm quyền tự trị, thích giao thương nhiều với Nga, nhưng họ vẫn chịu nằm trong nước Ukraine thì sao? Các nước Pháp, Ðức, Anh, Ba Lan có lo bị mất mát gì không? Có người dân Mỹ nào muốn đóng thuế cho chính phủ Obama đem quân sang giúp nước Ukraine hoàn toàn thống nhất hay không? Trung Cộng sẽ thấy Putin có triển vọng thành công ở Ukraine, nếu ông ta cứ đi từng bước một, và tự hạn chế mục tiêu là không phá vỡ nước Ukraine. Khi đó, Trung Cộng có thể dùng đúng bài bản đó đối với Việt Nam.

Năm 1979, Trung Cộng tấn công trong lúc Việt Cộng hoàn toàn bị cô lập, cả Nga Xô cũng bất lực không cứu được. Hiện nay nếu Trung Cộng không đánh biển người sang chiếm nước ta mà chỉ gậm nhấm từng mảnh một như tầm ăn dâu, thì có quốc gia nào sẵn sàng cứu nước Việt Nam hay không? Mà chắc chắn Trung Cộng không dại dột tấn công trực diện nước Việt Nam như thời Mã Viện hay Liễu Thăng làm gì. Chiếm các đảo ngoài khơi để lấy tài nguyên, trong khi vẫn nuôi nấng một chính quyền cộng sản ngoan ngoãn ở Việt Nam, đó có lẽ là chiến lược tốt nhất.

Nếu các nước Tây phương tiếp tục phản ứng cầm chừng, để cho chính phủ Ukraine bị Nga lấn áp rồi mất dần quyền kiểm soát một phần đất nước họ, thì Trung Cộng sẽ thấy tương lai Việt Nam có thể là một Ukraine tại Á Châu.

Nhưng tại sao nước Ukraine bị rơi vào tình trạng hiện nay? Từ năm 1989, các quốc gia Ðông Âu đã từ bỏ chế độ cộng sản, nhiều nước trong Liên Bang Xô Viết đã tuyên bố độc lập. Tại sao Ukraine không được may mắn như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, hay các nước vùng Baltic ?

Kính thưa quý thính giả, phần hai bài bình luận của tác giả Ngô Nhân Dụng được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới sẽ  phân tích và trả lời những câu hỏi vừa kể, cũng như sẽ nhận định về lối thoát mà Ukraine và VN cần hướng tới. Mời quý vị đón nghe.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here