Trung Cộng tập trận bảo vệ giàn khoan tại vịnh Bắc Bộ
Theo báo PLA Daily, Trung Cộng tuyên bố một cuộc tập trận tại Vịnh Bắc Bộ với giả định giàn khoan bị bao vây bởi các tàu nước ngoài ngày 24/8.
Cuộc diễn tập được tiến hành bởi quân đội Trung Cộng, với hàng chục tàu thuyền từ 19 đơn vị quân sự và dân sự cũng như các máy bay chiến đấu thuộc Hạm đội Nam Hải. Ông Lý Kiệt, chuyên gia hải quân Bắc Kinh nói với Bưu điện Hoa Nam, đây là một cuộc tập trận hiếm hoi, có sự tham gia của tất cả các loại tàu tuần tra trong khu vực, để diễn tập một cách hiệu quả trong trường hợp có một cuộc tấn công bất ngờ từ các tàu nước ngoài trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên thời gian chính xác của cuộc tập trận không được tiết lộ, ngoài thông tin cho rằng nó đã diễn ra trong mùa hè này.
Ông Lý Kiệt nói rằng những cuộc tập trận như thế này có thể còn lặp lại trong tương lai. Qua việc tập trận, Bắc Kinh muốn đưa thông điệp có thể đẩy lùi bất cứ sự xâm phạm nào đến giàn khoan dầu của Trung Cộng. Trung Cộng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đánh bật bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các giàn khoan của họ.
Hành động tập luyện nói trên của Bắc Kinh cho hiểu họ rút giàn khoan HD981 ra khỏi phía Nam quần đảo Hoàng Sa chỉ là một tính toán chiến thuật, rút tỉa kinh nghiệm để chuẩn bị cho những lần xâm lấn kế tiếp được thực hiện bài bản hơn, khó đối phó hơn, nguy hiểm hơn, tại một tọa độ hiện chưa biết ở đâu.
Trung Cộng gần đây đã liên tục tăng cường các hoạt động huấn luyện, bắn đạn thật nhằm phô trương sức mạnh, tăng cường khả năng chiến đấu trên Biển Đông.
Dân biểu Mỹ yêu cầu Thủ Tướng CSVN thả tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân
Một lá thư ký ngày 22 tháng 8 2014 của bốn dân biểu Hoa Kỳ, gởi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đòi chính quyền Việt Nam phải thả ngay vô điều kiện tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân.
Bốn dân biểu này là Loretta Sanchez, Alan Lowenthal, Joe Lofgren, Gerry Connolly. Nội dung lá thư nói luật sư Lê QUốc Quân, đồng thời cũng là một blogger nổi tiếng, nhà đấu tranh cho nhân quyền VIệt Nam, hiện đang bị giam cầm từ tháng 12/2012 vì tội danh trốn thuế chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa.
Lá thư nhắc lại rằng vào năm ngoái, nhóm hoạt động của Liên Hiệp Quốc chống việc bắt giam vô cớ (UNWGAD) cũng đã yêu cầu chính quyền CSVN phải thả luật sư Quân, và cho rằng việc bắt giữ ông vi phạm điều khoản 9 và 14 của hiệp định quốc tế về quyền dân sự chính trị, mà Việt Nam cũng tham gia. Mặc dù VIệt Nam đang quan tâm đến việc thắt chặt hơn quan hệ kinh tế, an ninh với Hoa Kỳ, việc tiếp tục giam giữ những người như luật sư Lê Quốc Quân là một hình thức vi phạm nhân quyền trắng trợn. Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry đã khẳng định: “ Việt Nam cần phải tiếp tục chứng tỏ sự tiến bộ trên lĩnh vực tự do nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội đoàn.”.
Bức thư của 4 dân biểu đã kết luận bằng việc yêu cầu trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân tức thì và vô điều kiện.
Trong bối cảnh Việt Nam đang cần Mỹ hỗ trợ để đối phó với Bắc Kinh như hiện nay, việc ép buộc chính quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền, thả tù nhân lương tâm là một việc làm đúng lúc.
Nhiều công ty lớn đầu tư vào Việt Nam lọt qua khe hở thuế vụ
Tin từ các trang mạng thì hiện nay doanh thu tăng vọt qua các năm, liên tục đầu tư mở rộng quy mô hơn, nhưng hầu hết các công ty đều khai báo thua lỗ, nên những ông lớn này chưa từng góp một đồng thuế thu nhập cho Việt Nam.
Điển hình là Coca Cola, thành lập tháng 2/1994, nhưng đến nay chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lời. Lý do để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty chính với giá rất cao. Khai lỗ nhưng Coca Cola Việt Nam vẫn liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.
Giống như Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2006, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam gia nhập thị trường bằng việc khai trương trung tâm đầu tiên tại Saigon với số vốn 78 triệu USD. Sau 12 năm, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển với tổng cộng 3.600 nhân viên, kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng không ngừng của doanh thu nhưng báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ.
Không chỉ có những ông lớn kể trên mà còn nhiều những công ty lớn khác nữa như Adidas, Keangnam của Đại Hàn…lọt qua dễ dàng và còn những ông khổng lồ khác thu lợi nhuận lớn từ tiền chênh lệch đất, tiền chênh lệch sang nhượng dự án cũng thong thả chui lọt qua lỗ kim thuế vụ.
Trong khi đó thì có những người yêu nước bị nhà cầm quyền gán ghép tội « trốn thuế » hết sức phi lý đối như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Luật sư Lê Quốc Quân …
Các dự án thủy điện trên sông Mekong và hậu quả
Tại một hội thảo nhằm chuẩn bị cho việc tham vấn về Dự án xây dựng đập thủy điện Donsahong tại dòng chính của sông Mekong trên đất Lào, vừa diễn ra ở Cần Thơ hồi cuối tuần qua, nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), than rằng, hồi xưa khi nước lưu thông tự nhiên, nông dân dễ dàng ứng phó với hạn hán, lụt lội. Còn bây giờ khi dòng chảy của nước thay đổi do tác động của thủy điện, nông dân không biết đâu mà lường.
Điều này cho thấy dự báo của các chuyên gia về những dự án thủy điện trên sông Mekong nay đang thành hiện thực, khi thủy điện Donsahong hoàn tất, vào mùa khô, khu vực hạ du của sông Mekong sẽ mất 50% lượng nước, 75% lượng cá.
Ông Lê Anh Tuấn, làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ, nói thêm, Donsahong chỉ là dự án thủy điện thứ hai trên dòng chính Mekong. Hiện có tới 19 dự án thủy điện đã, đang hoặc sẽ xây trên dòng chính của sông Mekong. Trong số này, riêng đoạn sông Mekong chảy trên lãnh thổ Trung Quốc đang có bốn dự án đã hoàn tất và đang hoạt động, chưa kể bốn dự án khác sẽ được xây dựng.
Tại Lào, dự án thủy điện Xayabury đang được xây dựng, dự án thủy điện Donsahong đang chuẩn bị khởi công, Lào còn dự tính sẽ thực hiện thêm bảy dự án thủy điện khác. Ngoài Lào, Cambodia cũng đang dự tính thực hiện hai dự án thủy điện trên sông Mekong.
Ông Dương Văn Ni, một tiến sĩ cũng làm việc tại Đại học Cần Thơ, cảnh báo, trong bối canh tác động của biến đổi khí hậu đối với miền Tây càng ngày càng lớn, các dự án thủy điện trên sông Mekong không chỉ mở đường cho nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô.
Điều đáng sợ nhất là việc có quá nhiều đập nước nối nhau theo kiểu bậc thang sẽ làm nông dân miền Tây chết ngộp nếu các đập thủy điện này đồng loạt xả lũ vào mùa mưa. Chỉ cần một trong các đập bị vỡ, tác động dây chuyền sẽ tạo ra một khối nước khổng lồ, đẩy toàn bộ vùng hạ du ở khu vực đồng bằng sông Mekong trôi ra biển.
Việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, dòng sông được xem là lớn nhất Đông Nam Á, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, từng được báo động liên tục bởi tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người và hủy diệt môi trường của bốn quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này là Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Lào, trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.