Đồn điền dinh thự hàng trăm tỉ của Chủ tịch tỉnh Bình Dương
Tin của báo Đời Sống và Pháp luật cho hay, dư luận đã phanh phui tài sản khổng lồ của ông Lê Thanh Cung, tức là ông Chín Cung, hiện là chủ tịch chính quyền tỉnh Bình Dương, từ cuối năm 2013. Theo nguồn tin này, ông Chín Cung có một dinh thự xa hoa toạ lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trên lô đất rộng đến 1.000 thước vuông.
Người dân cư ngụ chung quanh nói rằng, dinh thự của ông Chín Cung tráng lệ, nhiều phòng ốc, tường rào kiên cố, nổi bật giữa khu dân cư nghèo nàn. Trong sân vườn dinh thự của ông Chín Cung có nhiều chậu kiểng trị giá tiền tỉ. Người dân còn tin rằng dinh thự của ông Chín Cung lớn vào hàng nhất, nhì tỉnh Bình Dương, khó ai sánh bằng. Trị giá của ngôi nhà này được ước lượng không dưới 20 tỉ đồng, tương đương 1 triệu đô la.
Tài sản khổng lồ thứ hai của ông Chín Cung được kể đến là một vườn cây trồng hàng trăm ngàn cây cao su xanh mướt, không khác một đồn điền rộng lớn, khoảng 5 – 7 năm tuổi. Bao bọc chung quanh vườn cây là một hàng rào kẽm gai, cùng với những hàng cột bê tông chạy dài suốt hai cây số mỗi cạnh vuông vức.
Theo ông trưởng ấp 8 tại địa phương tên Nguyễn Văn Như, vườn cao su nhà ông Chín Cung rộng xấp xỉ 100 ha. Đồn điền cao su kể trên nằm trên khuôn viên đất liền khoảnh, liền thửa, không bị phân chia ranh giới, có giá trị ước lượng 120 tỉ đồng, tương đương 6 triệu đô la. Ông Chín Cung được cấp phần đất làm đồn điền cao su khi còn là Phó chủ tịch chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ông Lê Thanh Cung năm nay 60 tuổi, coi như chỉ còn 4 tháng nữa thì đến tuổi nghỉ hưu. Khi đó, ông Chín Cung coi như hạ cánh an toàn, vì không thuộc diện phải kê khai tài sản.
Như vậy là sau ông cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, nay có thêm ông chủ tịch tỉnh Bình Dương được liệt kê vào danh sách các nhà tư bản đỏ, có dinh thự nguy nga tráng lệ, đồ sộ ở Việt Nam hiện nay. Điều đáng quan tâm không phải vì giá trị khổng lồ của số tài sản này, mà là nguồn gốc của chúng. (S. Châu)
Bình Định: Sa thải 20 nhân viên y tế xài bằng giả
Báo Người Lao Động cho hay, viên chức chính quyền Cộng sản Việt Nam tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xác nhận, có 20 nhân viên đang làm việc tại các phòng y tế học đường của các trường học ở địa phương xài bằng giả. Những người này thú nhận đã mua bằng điều dưỡng giả của ngành trung cấp của trường Đại học Y dược Sài Gòn, để nộp hồ sơ xin làm việc tại ngành giáo dục tỉnh Bình Định.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Định xác nhận đã bắt hai người mua bán bằng giả. Giá mỗi tấm bằng được bán là 5,5 triệu đồng, tương đương 270 Mỹ Kim. Cũng theo báo Người Lao Động, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế Việt Nam hôm 19 tháng 8 đã buộc trường Đại học Thái Nguyên làm phúc trình vụ một ông giáo sư trưởng khoa Y học cộng đồng của trường này đã bán bằng tiến sĩ y khoa cho một người với giá 200 triệu đồng, tương đương 10.000 Mỹ Kim.
Trường đại học Thái Nguyện hiện có 2.400 cán bộ giảng dạy. Bộ Giáo dục cho biết có thể sẽ mở cuộc kiểm soát đồng loạt việc đào tạo bậc tiến sĩ của trường này nếu tìm thấy nghi vấn tiêu cực. Theo Vietnam Net, ông tiến sĩ Đàm Khải Hoàn đang bị điều tra về vụ bán bằng tiến sĩ y khoa của trường Đại học Thái Nguyên.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục được thành lập để điều tra sự việc trên cho hay, sẽ hoàn tất cuộc điều tra nội ngày 21 tháng 8. 2014. Vụ tiêu cực này đã huỷ hoại uy tín của trường đại học Thái Nguyên. Ông phó giáo sư – tiến sĩ Đàm Khải Hoàn đã bị buộc phải làm bản kiểm điểm về lời cáo buộc bán bằng tiến sĩ y khoa với giá 10.000 Mỹ Kim.
Gần 165.000 cử nhân thạc sĩ ở Việt Nam bị thất nghiệp
Theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của lực lượng tốt nghiệp đại học đông đảo kể trên là sự chệch hướng của công tác đào tạo. Phúc trình trên cũng cho thấy, số người trong độ tuổi từ 20 đến 24 có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% số người thất nghiệp. Con số này tăng liên tiếp trong thời gian qua. Thị trường lao động tại Việt Nam thời gian qua được coi là đầy dẫy những điều nghịch lý. Số cung của một số ngành nghề như kiến trúc, xây dựng, kế toán, kiểm toán … đều vượt xa mức cầu. Trong khi đó, các nhóm ngành, nghề có nhu cầu tăng vọt như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hoá… lại không được nhanh chóng điền khuyết.
Tại cuộc hội nghị tổ chức ở Sài Gòn sáng ngày 20 tháng 8. 2014, ông Ngô Bá Thâm, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phát triển Sài Gòn cho rằng, thị trường lao động Sài Gòn đang lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi người tốt nghiệp đại học thất nghiệp đầy dẫy, các công ty, nhà máy đã bị buộc phải tuyển dụng người không hề trải qua một trường lớp đào tạo nào. Ông Ngô Bá Thâm cũng cho rằng, nguồn thông tin dự báo năng lực của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay rất chắp vá, chỉ mới dừng lại ở mức độ đối phó. Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực của thành phố Sài Gòn, đơn vị vừa bị chỉ trích, cũng xác nhận rằng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay không cần người có bằng cấp cao. Ông Trần Anh Tuấn nói rằng, các công ty, nhà máy cần người có kỹ thuật chuyên môn và có đạo đức nhiều hơn.
Tại cuộc hội nghị mang tựa đề “Biến động việc làm ở Sài Gòn”, nhiều người chỉ trích ngành giáo dục “nhắm mắt đào tạo” mà bất chấp nhu cầu của nền kinh tế. Ngành giáo dục của Việt Nam xác định tỉ lệ đào tạo người tốt nghiệp đại học dựa vào tỉ lệ dân số chứ không theo cơ cấu của nền kinh tế. Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ một phúc trình khác nói rằng, hơn 300 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay thiết lập phương hướng đào tạo không dựa vào bất cứ dự báo này. Họ chỉ dựa vào năng lực của nhà trường như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… cho nên các ông thầy đã được đào tạo sai, lại tiếp tục cho ra đời các cử nhân, thạc sĩ thế hệ đàn em không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Vì vậy mà số người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp tiếp tục tăng đều là chuyện đương nhiên. (S. Châu)