Tư bản đỏ Việt Nam đầu tư vào Mỹ để định cư
Bản tin Báo Dân Việt ghi theo VnExpress có tựa đề “Nhiều đại gia Việt quan tâm đầu tư định cư Mỹ,” nói rằng đã có “khoảng 60 hồ sơ của Việt Nam được duyệt định cư thông qua đầu tư dự án tại Mỹ năm ngoái.
Bản tin nói, Luật EB-5 quy định về việc định cư tại Mỹ thông qua các chương trình đầu tư dự án. Đây cũng là cách nước Mỹ thu hút đầu tư nước ngoài. Gần 10 năm trước, chương trình này hầu như không được quan tâm bởi quy định khắt khe của cơ quan Di trú. Nhưng hiện nay, số người có nhu cầu tìm hiểu và muốn định cư ở Mỹ có xu hướng gia tăng.
Chính phủ Mỹ đưa ra hạn mức 10.000 visa một năm dành riêng cho EB-5 nhưng từ trước tới nay chưa có năm nào đạt được. Tuy nhiên, lượng hồ sơ xin thẻ xanh có điều kiện được chấp thuận tăng dần qua các năm. Mong muốn chứng kiến con cái lớn lên tại nơi có nền giáo dục và môi trường phát triển, sớm đoàn tụ với người hoặc tận dụng những lợi thế kinh doanh khi có thẻ xanh trong tay là lý do chính mà nhiều người, trong đó có người Việt tìm cách định cư ở nước ngoài.”
Cái khó nhất của nhà đầu tư Việt Nam hiện nay là chứng minh tính minh bạch của số tiền 500.000 USD sẽ dùng để đầu tư vào dự án ở Mỹ. Nhiều trường hợp bỏ hẳn ý định vì không cách nào thu thập đủ thông tin để trình bày cho Chính phủ Mỹ hiểu rõ ngọn nguồn khoản tiền này. Có khách hàng là đại gia ở TP HCM thừa sức chi gấp hàng chục lần số tiền này nhưng ông không cho thấy trên giấy tờ 500.000 USD đó là do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà ông làm chủ mang lại. Hay một chị thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày từ cửa hàng điện tử ở quận 5 song không có gì xác minh đây là sự thật. Hóa đơn từ cơ quan thuế cũng vô hiệu bởi không được phía Mỹ chấp thuận. Trường hợp này đòi hỏi sự vào cuộc của phía luật sư, công ty kiểm toán… nên chỉ riêng khâu hoàn tất hồ sơ ban đầu chuyển cho công ty tư vấn đã mất vài tháng.”
Tình hình này cho thấy, các đại gia ở VN có rất nhiều, nhưng sẽ rất ít người chứng minh rằng đồng tiền của họ có nguồn gốc “sạch.”
Hoa Kỳ tịch thu 480 triệu đô la của cố Tổng Thống Nigeria
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày hôm 7/08 đã ra một thông cáo báo chí cho biết Hoa Kỳ đã phong tỏa một khoản tiền $480 triệu đô la là một phần trong hàng tỷ đô là mà cựu Tổng Thống Nigeria là ông Sani Abacha cùng với người con trai là Mohammed Sani Abacha và những cá nhân tham nhũng khác đã ăn cắp của nhân dân Nigeria và đã cất giấu trong các tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Ireland, …
Tướng Abacha trở thành tổng thống Nigeria qua một cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 11 năm 1993. Ông đã giữ chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1998.
Bộ cho biết số tiền này có thể được sử dụng mang lại lợi ích cho nhân dân Nigeria, tuy nhiên việc sắp xếp sử dụng ngân quỹ này còn tùy thuộc vào phán quyết của các thẩm quyền tài phán các nước khác.
Số tiền 480 triệu đô nói trên bao gồm $303 triệu tại 2 trương mục ngân hàng tại Jersey, Anh Quốc và $144 triệu tại 2 trương mục ngân hàng tại Pháp và khoảng 7 triệu nữa tại Ireland và Anh Quốc. Ngoài ra còn khoảng $148 triệu đô nữa được đầu tư tại Anh vẫn còn chưa thâu hồi được.
Cho tới năm 2013, số tiền tổng cộng thu hồi lại từ gia đình Abacha lên tới khoảng $1,3 tỉ đô. Việc Hoa Kỳ thu hồi tiền của gia đình Abacha cũng như nhiều vụ thu hồi tiền của những nhà độc tài sau khi chế độ của họ sụp đổ cho thấy là việc cất giấu tài sản ăn cắp của người dân không còn dễ dàng và an toàn như cách đây nhiều chục năm.
Trung Quốc Xây Năm Ngọn Hải Đăng Trong Vùng Quần Đảo Hoàng Sa
Thêm một động thái cho thấy dã tâm của Bắc Kinh tìm mọi cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại các vùng tranh chấp : Theo Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service) cho biết, Trung tâm hải sự Nam Hải đã quyết định các địa điểm để xây dựng 5 ngọn hải đăng trong vùng quần đảo Hoàng Samà Bắc Kinh gọi là Tây Sa.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ đặt hải đăng tại Đá Bắc (North Reef), Đá Hải Sâm (Antelope Reef), đảo Duy Mộng (Drummond Island), Cồn Cát Nam (South Sand) và Hòn Tháp (Pyramid Rock). Đó là những bãi đá ngầm hoặc đảo nhỏ nửa chìm nửa nổi.
Được biết Trung Quốc đã bỏ ra một tuần để khảo sát và lựa chọn địa điểm đặt hải đăng, bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại, bởi vì những bãi đá, đảo nhỏ này không có trên bản đồ hàng hải và việc đặt hải đăng sẽ giúp đẩy mạnh giao thông hàng hải trong vùng.
Các chuyên gia Trung Quốc không hề giấu diếm : Thực chất của kế hoạch này là Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình tại vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ năm 1974, lúc đó, do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Theo ông Du Jifeng, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn : « Ngọn hải đăng là biểu tượng cho chủ quyền của một nước trong vùng quần đảo ». Và Việt Nam khó có thể phản đối vì việc xây dựng hải đăng nhân danh hỗ trợ lưu thông hàng hải và các tàu bè dân sự được quyền hưởng sự hỗ trợ của các quốc gia trong vùng.
Trong khi đó, ông Shen Shishun, thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc, cho rằng, kế hoạch xây dựng hải đăng cho thấy Bắc Kinh có thêm một động thái cứng rắn trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Gần 5 triệu người Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi sửa đổi Hiến pháp
Hôm 6/08 vừa qua, phe đối lập Miến Điện loan báo đã thu thập được gần 5 triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi bản Hiến pháp đã ngăn trở lãnh tụ Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống. Bản kiến nghị đã đi một vòng đất nước, nhất là nhân các cuộc mít-tinh chính trị, là một phần trong chiến dịch rộng rãi của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND), nhằm đạt được những thay đổi trong bản Hiến pháp do tập đoàn quân sự cầm quyền đã giải thể năm 2011 soạn thảo.
Phát ngôn viên đảng LND, ông Nyan Win cho biết 4,9 triệu người đã ký vào bản kiến nghị được đưa ra hồi tháng Năm, trên tổng số 20 triệu cử tri có thể đi bầu.
Cuộc vận động tập trung vào một điều khoản đảm bảo quyền phủ quyết của quân đội trong việc tu chính Hiến pháp 2008. Bản Hiến pháp này quy định mọi sửa đổi phải được 75% đại biểu Quốc hội thông qua, trong khi có đến một phần tư số ghế được dành riêng cho các quân nhân tại ngũ.
Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ hy vọng việc sửa đổi điều khoản trên sẽ mở đường cho việc tu chính thêm nhiều điều khoản khác, trong đó có quy định về tỉ lệ quân nhân trong Quốc hội và điều khoản ngăn trở bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống.
Điều khoản dường như soạn riêng để cản đường lãnh tụ đối lập, quy định rằng một người Miến Điện có người hôn phối hay con cái mang quốc tịch nước ngoài không thể được giao phó chức vụ cao nhất của đất nước. Trong khi đó bà Aung San Suu Kyi kết hôn với một người Anh, nay đã qua đời, và có hai con trai mang quốc tịch Anh.
Chiến dịch vận động trên rất quan trọng đối với Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, vào thời điểm sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội năm 2015 mà đảng này đang chiếm ưu thế. Quốc hội mới được bầu lên sẽ có trách nhiệm chỉ định Tổng thống.
Theo ông Ko Ko Gyi, nhà đấu tranh dân chủ thuộc phong trào Thế hệ 88, vốn ủng hộ kiến nghị của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, nhận định rằng « Kết quả lớn nhất của tất cả các chiến dịch là đánh thức ý thức về chính trị của dân chúng ».